Bắc Giang: Ứng dụng công nghệ cao, tăng hiệu quả vụ hoa Tết
Vùng trồng hoa vào vụ mới
Được xem là vựa hoa lớn nhất của TP Bắc Giang, những năm gần đây, xã Dĩnh Trì đã coi trồng hoa là một trong những thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế. Hiện toàn xã có hơn 120 ha trồng hoa tươi, mỗi năm mang lại thu nhập cho người dân địa phương khoảng 25-30 tỷ đồng.
Người dân thôn Núi, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) chăm sóc hoa giống chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2020. |
Bên cạnh những diện tích sản xuất phân tán, mới đây, UBND xã đã quy hoạch, xây dựng hạ tầng khu trồng hoa và nông sản chất lượng cao tập trung với diện tích 26 ha. Ngoài những giống hoa truyền thống như cúc, thược dược, hồng, lay ơn… chính quyền địa phương khuyến khích nhân dân đưa các giống hoa mới giá trị kinh tế cao như: Lily, cát tường, lan… vào sản xuất góp phần nâng cao thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Sơn, thôn Núi cho biết: “Vụ này gia đình tôi trồng khoảng 6 vạn cây giống lay ơn và lily trên diện tích chừng 1 mẫu. Năm ngoái, cũng với lượng giống trên đã mang lại thu nhập gần 200 triệu đồng”.
Theo ông Trần Văn Thanh, Trưởng phòng Kinh tế TP Bắc Giang, từ hiệu quả kinh tế của nghề trồng hoa, TP Bắc Giang đã mở rộng diện tích nhóm cây trồng này, năm 2015 có 115 ha, đến nay đạt hơn 210 ha. Tổng sản lượng hoa tăng 2,2 lần.
Không chỉ ở TP Bắc Giang và các huyện lân cận, trồng hoa tươi, nhất là trồng hoa để bán trong dịp Tết Nguyên đán những năm gần đây đã được nông dân các huyện miền núi, vùng cao chú trọng. Đáng chú ý, bà con còn đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới và ứng dụng khoa học công nghệ cao vào chăm sóc hoa. Anh Trần Thanh Tùng, thôn Mỏ, xã An Châu (Sơn Động) bộc bạch: “Gia đình vừa thu hoạch xong vụ rau xanh, đang tập trung làm đất để trồng hoa lily và cát tường. Tôi sẽ dành toàn bộ diện tích 2.000 m2 nhà màng để trồng hoa bán dịp Tết”.
Khảo sát ở Sơn Động cho thấy, vào dịp Tết Nguyên đán, không ít hộ đã trồng hoa và coi đây là một trong những nguồn thu nhập chính trong năm. Chính vì vậy, bà con không ngừng học tập kinh nghiệm đưa các giống hoa có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất.
Để hoa là thế mạnh
Ông Nguyễn Ngọc Văn, thôn Phú Giã, xã Song Mai (TP Bắc Giang) chăm sóc hoa hồng ngoại đón Tết. Ảnh: Thành Nam |
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp&PTNT) đánh giá: Nhìn chung tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, trồng hoa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2-3 lần so với các cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích. Đặc biệt, thu nhập vụ hoa Tết thường cao hơn rất nhiều so với những vụ khác trong năm.
Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp & PTNT), toàn tỉnh có hơn 400 ha trồng hoa. Nhìn chung, các địa phương trên địa bàn tỉnh thời gian qua trồng hoa hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2-3 lần so với các cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích. |
Để tạo điều kiện giúp nông dân phát huy thế mạnh này, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 46/2016/NQ-HĐND ngày 8-12-2016 quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2017-2020. Những năm qua, Nghị quyết đã lan tỏa vào cuộc sống, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tích cực, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế.
Theo ông Trần Văn Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp & PTNT), trong số các mô hình ứng dụng công nghệ cao, không ít mô hình đã đưa cây hoa vào cơ cấu luân canh và chuyên canh; bước đầu đã hình thành một số vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn có sự tham gia hợp tác, liên kết chuyển giao quy trình công nghệ, cung ứng vật tư kỹ thuật, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị… Cũng theo ông Tú, cùng với chính sách của tỉnh, các địa phương đã có cơ chế hỗ trợ với các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, trong đó có cây hoa.
Ở TP Bắc Giang, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 130-NQ/TU ngày 16-8-2016 về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016–2020. Sau 3 năm triển khai, TP Bắc Giang đã đầu tư hàng chục tỷ đồng hỗ trợ xây dựng nhà màng, tham quan, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người trồng hoa…
Hiện nay, cùng với rau xanh và các sản phẩm chăn nuôi, tại TP Bắc Giang đã hình thành nhiều khu trồng hoa chuyên canh, hoàn thành bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Hoa chất lượng cao Dĩnh Trì”. Lựa chọn và xây dựng thành công sản phẩm hoa hướng dương tại phường Đa Mai trở thành sản phẩm nông nghiệp du lịch với quy mô 4 ha; năm 2018, khu vực này thu hút 80 nghìn lượt du khách, tăng 60 nghìn lượt so với năm 2016.
Hay như ở huyện vùng cao Sơn Động, mỗi năm, địa phương đã đầu tư hàng trăm triệu đồng hỗ trợ cây giống, vật tư phân bón cho các mô hình hoa chất lượng cao; từ đó tổ chức hội nghị tham quan đầu bờ để nhân rộng các mô hình…
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 400 ha trồng hoa. Cùng với những chính sách hỗ trợ, sự nỗ lực áp dụng các biện pháp thâm canh của nhà vườn, hy vọng vụ hoa cuối năm sẽ giành thắng lợi, mang lại thu nhập cao cho người trồng hoa trong tỉnh.
Ngọc Hân
Ý kiến bạn đọc (0)