Bắc Giang: Ngăn chặn thực phẩm bẩn
Nguy cơ lây lan dịch bệnh động vật
Đã quen với việc bị ngành chức năng kiểm tra đột xuất nên ông Nguyễn Tiến Mạnh - chủ cơ sở giết mổ lợn tại thôn Riễu, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) vui vẻ xuất trình các loại giấy tờ chứng minh bắt buộc đối với lợn thương phẩm nhập vào địa bàn tỉnh, hoặc từ cơ sở chăn nuôi trong tỉnh đưa đến nơi giết mổ, gồm: Giấy kiểm dịch động vật; hóa đơn xuất kho; phiếu trả lời kết quả xét nghiệm đàn lợn âm tính với virus dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) cho đoàn công tác kiểm tra.
Ông Mạnh cho biết, cơ sở đã hoạt động được 5 năm. Bình quân giết thịt 20 con lợn/ngày, giao cho các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn TP Bắc Giang. Ngay từ khi hoạt động, ông đã thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm (ATTP), được ngành chức năng cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ. Ông Mạnh khẳng định: “Chúng tôi chỉ nhập lợn của các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi lớn, như: Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, JAFA, CJ VinaAGRI… Bởi sản phẩm của họ luôn giữ chất lượng ổn định, an toàn dịch bệnh, có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc nên dễ vận chuyển, tiêu thụ”.
Bắc Giang hiện có 18 cơ sở giết mổ quy mô 20 con lợn/ngày trở lên. Do được ngành chức năng tuyên truyền, vận động ký cam kết không vận chuyển, buôn bán, giết thịt động vật mắc bệnh, lợn không rõ nguồn gốc… nên trong năm 2022 không có đơn vị nào vi phạm Luật Thú y.
![]() |
Cán bộ thanh tra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm tra đàn lợn trước khi giết thịt tại cơ sở giết mổ của ông Nguyễn Tiến Mạnh. |
Tuy nhiên, trong khi khu vực giết mổ gia súc, gia cầm (nói chung) không có vi phạm thì hoạt động vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp. Ông Hoàng Minh Tân, Phó trưởng Phòng Hành chính - Thanh tra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông tin, chỉ tính trong nửa cuối tháng 12/2022, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 3 vụ vận chuyển, tàng trữ, buôn bán sản phẩm động vật trái phép với tổng số tiền hơn 40 triệu đồng. Buộc người vi phạm phải tiêu hủy hơn 1,6 tấn sản phẩm động vật.
Có thể kể đến vụ việc: Vào hồi 9 giờ 20 phút ngày 29/12/2022, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Công an huyện Hiệp Hoà kiểm tra Công ty TNHH Thực phẩm Hải Quân, xã Đông Lỗ. Phát hiện tại kho lạnh của DN này lưu trữ khoảng 350 kg thịt lợn có dấu hiệu mang mầm bệnh DTLCP. Tổ công tác đã lấy mẫu gửi Trung tâm chẩn đoán thú y T.Ư xét nghiệm và cho kết quả dương tính với virus bệnh DTLCP. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, chuyển Chi cục Chăn nuôi và Thú y ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính DN trên 14 triệu đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Thông tin từ đại diện Đoàn kiểm tra liên ngành cơ động phòng chống dịch động vật tỉnh Bắc Giang (gọi tắt là Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh), thời gian gần đây, tình hình vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật nhập lậu từ Trung Quốc qua địa bàn tỉnh Bắc Giang đã giảm so với những năm trước. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng trên tuyến biên giới quản lý chặt chẽ hơn. Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh tích cực tuần tra, kiểm soát, kết hợp tuyên truyền, giúp người dân nhận thức được tác hại của việc tiêu thụ các loại sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc ảnh hưởng đến sức khoẻ, nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Từ tháng 1/2022 đến nay, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Phòng Cảnh sát môi trường đã xử lý gần 20 vụ vi phạm hành chính liên quan đến việc mua bán, vận chuyển động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh, không rõ nguồn gốc... Tổng số tiền xử phạt gần 200 triệu đồng, tiêu hủy 12 con lợn và hàng tấn sản phẩm động vật. |
Tuy vậy, việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, gia cầm giống nhập lậu,... vẫn diễn ra, chưa được kiểm tra, xử lý triệt để. Nguyên nhân, do các đối tượng đối phó bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, như: Vận chuyển ngoài giờ hành chính, thường xuyên thay đổi thời gian chuyên chở, dùng các xe có thùng kín, thay đổi xe, biển số xe, chạy tốc độ cao,... gây rất nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, bắt giữ.
Trước thực tế đó, cuối năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch bệnh động vật, buôn bán hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; bảo đảm chăn nuôi trong tỉnh phát triển ổn định các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Thực hiện kế hoạch này, cùng với các cơ quan chức năng khác, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đã tổ chức thành 2 tổ công tác, thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông trong tỉnh. Đặc biệt chú trọng kiểm tra, kiểm soát trên tuyến quốc lộ 1 từ Lạng Sơn qua Bắc Giang về Hà Nội; quốc lộ 31 qua các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang và quốc lộ 37.
Xây dựng các cơ sở, cộng tác viên cung cấp thông tin, tố giác đối tượng vi phạm trên địa bàn, tuyến trọng điểm, các điểm phát luồng hàng hóa, gồm các huyện: Hữu Lũng, Chi Lăng, Lộc Bình, Đình Lập, TP Lạng Sơn (Lạng Sơn); Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang, Yên Thế, Hiệp Hòa, Việt Yên, TP Bắc Giang. Phối hợp với Cục Quản lý thị trường tuyên truyền, vận động các đối tượng hay vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm nhập lậu ký cam kết không vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu trái phép; các điểm tắm cho lợn ký cam kết không bơm tạp chất vào lợn trước khi vận chuyển đi giết mổ...
Ông Lê Quang Tú, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh cho biết: “Đoàn sẽ thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các cơ sở kinh doanh sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn. Sớm phát hiện, xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm về ATTP theo quy định của pháp luật. Kiên quyết tịch thu, tiêu hủy các sản phẩm không bảo đảm vệ sinh ATTP, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Nếu phát hiện cơ quan, cán bộ thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, dung túng, bao che cho các đối tượng vi phạm sẽ kiên quyết xử lý, xử phạt, không để thực phẩm bẩn lưu thông trên thị trường”.
Bài, ảnh: Đại La
Ý kiến bạn đọc (0)