Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng
Từ ngày 5 đến ngày 10/9/1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho hơn 50 vạn đảng viên trong cả nước.
Sau khi phân tích tình hình thế giới và trong nước, Đại hội đề ra nhiệm vụ cho cách mạng nước ta là: “Tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, thiết thực góp phần tăng cường phe xã hội chủ nghĩa và bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới”.
![]() |
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng. Ảnh tư liệu |
Đại hội tuyên dương công trạng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp và trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đất nước, phát triển kinh tế và văn hóa những năm 1954-1960.
Căn cứ vào đường lối, nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta, Đại hội đề ra nhiệm vụ quân sự của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Một là, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Hai là, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước. Hai nhiệm vụ chiến lược ấy có quan hệ mật thiết với nhau và có tác dụng thúc đẩy lẫn nhau. Đại hội khẳng định "tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là nhiệm vụ quyết định đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng Việt Nam, đối với sự nghiệp thống nhất nước nhà".
Để Quân đội nhân dân hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Đại hội xác định "Quân đội nhân dân là lực lượng trụ cột của Nhà nước để bảo vệ độc lập của Tổ quốc, bảo vệ công cuộc lao động hòa bình của nhân dân ở miền Bắc, đồng thời là hậu thuẫn vững chắc của cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Phải xây dựng Quân đội nhân dân tiến lên chính quy và hiện đại; đồng thời phải chăm lo củng cố và phát triển dân quân tự vệ, xây dựng lực lượng hậu bị”.
Đại hội thông qua Điều lệ Đảng, gồm 12 chương, 62 điều. Điều 11, Chương II ghi: "Tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam là một bộ phận tổ chức của Đảng đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương. Ban Chấp hành Trung ương có thể thành lập Quân ủy Trung ương (gồm một số ủy viên Trung ương trong và ngoài quân đội) là cơ quan giúp Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo các mặt công tác của Đảng trong quân đội. Nhiệm vụ, quyền hạn của Quân ủy Trung ương và cách tổ chức các cấp của Đảng trong quân đội sẽ do Ban Chấp hành Trung ương quy định cụ thể.
Tổng cục Chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam đảm nhiệm công tác tư tưởng và công tác tổ chức của Đảng trong quân đội dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương và của Quân ủy Trung ương trong phạm vi được Ban Chấp hành Trung ương ủy quyền.
Các cấp ủy Đảng trong Quân đội có nhiệm vụ giữ mối liên hệ chặt chẽ với các cấp ủy địa phương theo một quy định của Ban Chấp hành Trung ương. Trường hợp đặc biệt và hạn chế, được Ban Chấp hành Trung ương ra quyết nghị thì mới được lập tổ chức khác của Đảng theo hệ thống ngành dọc".
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa mới gồm 43 ủy viên chính thức và 28 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng thành công đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của Đảng và cách mạng Việt Nam. Hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng do Đại hội Đảng đề ra là mục tiêu chiến đấu là căn cứ quan trọng để Quân đội nhân dân Việt Nam xác định phương hướng nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu trong giai đoạn cách mạng mới.
Theo Báo QĐND
Ý kiến bạn đọc (0)