Vốn tín dụng chính sách: Sinh kế bền vững cho phụ nữ
BẮC GIANG - Vốn từ các chương trình tín dụng chính sách (TDCS) là nguồn hỗ trợ thiết thực giúp hội viên phụ nữ có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Với trách nhiệm của mình, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp trong tỉnh đã tích cực kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại cơ sở.
Nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống hội viên
Hiện nay các cấp Hội LHPN TP Bắc Giang đang nhận ủy thác gần 600 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) cho hơn 7,7 nghìn hộ vay theo chương trình ưu đãi hộ nghèo, cận nghèo, xây dựng nhà ở, giải quyết việc làm… Nguồn lực này đã hỗ trợ thiết thực cho nhiều gia đình vượt khó, vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá giả tại địa phương. Điển hình như hộ gia đình chị Thân Thị Thắm ở tổ dân phố Tân Độ, phường Tân Liễu. Vốn khó khăn từ nhiều năm, chị được Chi hội Phụ nữ tổ dân phố bảo lãnh vay 50 triệu đồng để thực hiện mô hình vườn, ao, chuồng. Cần mẫn lao động, vợ chồng chị xoay vòng vốn mở rộng quy mô sản xuất. Năm 2017, gia đình chị thoát nghèo. Từ thành công đó, năm 2024, vợ chồng chị Thắm vay tiếp 200 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm để kinh doanh dịch vụ cho thuê phông bạt, bát đĩa, bàn ăn. Nhờ năng động, việc kinh doanh của gia đình chị Thắm ngày càng thuận lợi, đời sống cải thiện rõ rệt.
![]() |
Mô hình sản xuất nho hạ đen của chị Nguyễn Thị Hòa, thôn Cầu Đen, xã Quang Thịnh (Lạng Giang) được hỗ trợ về vốn và kỹ thuật từ Hội LHPN xã. |
Cũng từ nguồn vốn ủy thác qua Hội LHPN, năm 2024, chị Trần Thị Thắm ở tổ dân phố số 3, thị trấn An Châu (Sơn Động) được vay 100 triệu đồng theo diện hỗ trợ hộ nghèo. Chị đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sạp hàng tạp hóa thành cửa hàng khang trang. Để giúp hội viên đầu tư hiệu quả, Hội LHPN thị trấn giúp chị Thắm kết nối với các đơn vị cung cấp những mặt hàng chất lượng, an toàn. Có được sự hỗ trợ đó, cửa hàng luôn đông khách, đem lại nguồn thu cho gia đình, tạo việc làm ổn định cho một hội viên nghèo với thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Được biết, hiện Hội LHPN thị trấn An Châu nhận ủy thác gần 50 tỷ đồng cho khoảng 600 lượt hội viên phụ nữ vay tại 13 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV).
Việc quản lý tốt các nguồn vốn TDCS thời gian qua đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, tạo đòn bẩy cho hội viên phụ nữ tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Đồng thời tác động tích cực đến chất lượng hoạt động hội và phong trào phụ nữ, nâng cao tỷ lệ thu hút hội viên. Chị em tại các chi, tổ, hội phụ nữ đoàn kết tương trợ lẫn nhau, góp phần vào thành tựu phát triển KT- XH của địa phương.
Đồng chí Lý Thị Liên, Chủ tịch Hội LHPN TX Chũ cho biết, những năm qua, nguồn vốn TDCS đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho chị em phụ nữ. Do đó, ngoài tạo điều kiện về vốn vay, Hội LHPN thị xã luôn tạo điều kiện để chị em tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt do huyện tổ chức. Có vốn và kiến thức, các chị thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh; chú trọng nuôi, trồng cây, con có giá trị kinh tế cao.
Nâng cao hiệu quả nguồn vốn
Hiện nay, 1.373 tổ TK&VV của phụ nữ trong toàn tỉnh đang nhận ủy thác 3.523 tỷ đồng cho 50.423 hộ vay; 100% tổ xếp loại tốt và khá. Các tổ đều thực hiện hiệu quả việc quản lý, giám sát khâu sử dụng vốn, hội viên trả lãi, gốc đúng hạn và gửi tiết kiệm đều đặn hằng tháng, tỷ lệ nợ quá hạn 0,03%. Hội LHPN là đoàn thể có dư nợ lớn và chất lượng tín dụng tốt nhất trong số các đoàn thể nhận ủy thác. Để đạt được kết quả này, các cấp hội đã tích cực tuyên truyền cho hội viên phụ nữ nắm bắt các thủ tục, quy trình vay vốn; tư vấn, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả.
Hiện nay, 1.373 tổ tiết kiệm và vay vốn trong toàn tỉnh đang nhận ủy thác 3.523 tỷ đồng cho 50.423 hộ vay. 100% tổ xếp loại tốt và khá. |
Là một trong những địa phương triển khai hiệu quả các chương trình TDCS, các cấp hội phụ nữ huyện Lạng Giang thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn sau giải ngân. Ngay từ đầu năm, Hội LHPN huyện xây dựng kế hoạch kiểm tra và chỉ đạo Hội LHPN các xã, thị trấn thực hiện công tác quản lý vốn ủy thác chặt chẽ. Cùng đó, hướng dẫn người vay phương thức làm ăn hiệu quả, kịp thời tháo gỡ những khó khăn; phối hợp với chính quyền và các đoàn thể địa phương xử lý nợ.
Nhằm nâng cao hiệu quả các chương trình TDCS, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh mở lớp tập huấn cho các cơ sở hội, ban quản lý tổ TK&VV về công tác quản lý các nguồn vốn vay. Đồng thời đưa nội dung này vào chỉ tiêu thi đua, đánh giá chấm điểm xếp loại phong trào phụ nữ cấp huyện và cơ sở.
Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Ngụy Thị Tuyến, Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp hội tăng cường quản lý, hướng dẫn thành viên các tổ thực hiện tốt trách nhiệm hỗ trợ người vay vốn, không để phát sinh nợ quá hạn; thường xuyên kiểm tra, bảo đảm sử dụng vốn vay đúng mục đích, khả năng nộp lãi, trả nợ, gửi tiết kiệm… Để bảo đảm nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng là các hội viên, phụ nữ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo Hội LHPN cấp huyện tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về TDCS; đặc biệt là Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội và Công văn số 1372 của Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh về việc tăng cường giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng ủy thác từ Ngân hàng CSXH.
Ý kiến bạn đọc (0)