Thực hiện Đề án 06: Những cách làm sáng tạo
BẮC GIANG - Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) đã đi vào cuộc sống. Những tiện ích mà Đề án mang lại giúp công tác quản lý, giải quyết yêu cầu của công dân, tổ chức trên địa bàn tỉnh nhanh chóng, chính xác.
Nhiều cách làm hay
Cuối giờ làm việc buổi sáng, bà Ngô Thị Bích, ở thôn Xuân Lạn, xã Hương Mai (thị xã Việt Yên) tìm đến bộ phận một cửa của xã để làm thủ tục trích lục hộ tịch thuộc lĩnh vực tư pháp. Sau khi trình bày việc cần giải quyết, chỉ trong thời gian ngắn, yêu cầu của bà được thực hiện. Các cán bộ xã còn nhiệt tình hướng dẫn bà sử dụng điện thoại thông minh để cài đặt các ứng dụng cần thiết, có thể gửi và nhận kết quả trực tuyến thay vì đến trụ sở UBND xã.
Cán bộ xã Hương Mai (thị xã Việt Yên) hướng dẫn công dân quét mã QR, truy cập ứng dụng giải quyết thủ tục hành chính. |
Được biết, trong dịp kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện Đề án 06 vào cuối tháng 6 vừa qua, xã Hương Mai được ghi nhận là địa phương có nhiều thành tích nổi bật. Đồng chí Nguyễn Văn Cẩn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, xã có hàng loạt sáng kiến trong thực hiện Đề án 06 như: Hệ thống hóa danh mục các thủ tục hành chính (TTHC), niêm yết bản giấy, tích hợp mã QR và liên kết chức năng nộp hồ sơ trực truyến.
Đến nay, 162 TTHC thuộc 13 lĩnh vực, đạt 100% thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND xã được gắn mã QR, niêm yết công khai bản giấy và điện tử. Đồng thời tạo mã QR 25 TTHC thiết yếu để niêm yết tại bộ phận một cửa của xã và nhà văn hóa các thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tra cứu, nộp hồ sơ trực tuyến. Đặc biệt, xã sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để xây dựng trợ lý ảo hoạt động trên nền tảng Zalo “UBND xã Hương Mai” giúp giải đáp, hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp các thông tin chính phục vụ việc nộp hồ sơ TTHC nhanh chóng, chính xác.
Triển khai hình thức “Tuyên truyền trực quan động” tại bộ phận một cửa của xã; xây dựng mô hình “hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến tại nhà” thông qua Zalo OA và trang Fanpage của UBND xã Hương Mai. Trong đó, phân công thành viên tổ hỗ trợ của xã chủ động liên hệ, hướng dẫn công dân nộp hồ sơ trực tuyến tại nhà, không phải đến cơ quan hành chính nhà nước.
Công an xã Lương Phong (Hiệp Hòa) giải quyết thủ tục hành chính cho công dân. |
Tìm hiểu tại xã Lương Phong (Hiệp Hòa) được biết, để hệ thống dữ liệu của địa phương bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”, Công an xã huy động toàn bộ cán bộ và phối hợp với các ngành, đoàn thể, các thôn để cập nhật, kiểm tra, làm sạch dữ liệu của hơn 8 nghìn người. Trung tá Lương Văn Hữu, Trưởng Công an xã cho biết, đơn vị tham mưu với Đảng ủy, UBND xã thành lập tổ công tác, tổ chuyển đổi số cộng đồng, đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp và trên không gian mạng để công dân nắm được việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết thủ tục, hồ sơ hành chính, dịch vụ công trực tuyến, định danh điện tử…
Công an xã phối hợp với đoàn thanh niên, các trường học, thầy cô giáo và học sinh hiểu biết về công nghệ thông tin tham gia giúp đỡ, hướng dẫn cán bộ các thôn, người dân khi đến trụ sở UBND, Công an xã giải quyết công việc. Vì thế đã giúp giảm tải cho bộ phận một cửa của xã, không để tồn đọng hồ sơ đề nghị giải quyết.
Tiếp tục làm sạch dữ liệu thông tin công dân
Xác định Đề án 06 có ý nghĩa quan trọng, phạm vi và ảnh hưởng rộng tới các ngành, lĩnh vực và mọi người dân, vì thế, thời gian qua, Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh ban hành 106 văn bản chỉ đạo các nội dung, nhiệm vụ của Đề án 06; 100% UBND các huyện, thị xã, TP có kế hoạch triển khai, thực hiện Đề án.
Cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) thu nhận hồ sơ cấp căn cước cho công dân. Ảnh: TUYẾT MAI. |
Trong 6 tháng qua, kết quả dịch vụ công trực tuyến đạt 77,15%, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023 và cao hơn tổng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến của cả nước (toàn quốc đạt 49,5%). Đối với 25 dịch vụ công thiết yếu, tổng số hồ sơ nộp trực tuyến hơn 321 nghìn hồ sơ, đạt 96,67%, vượt chỉ tiêu của Chính phủ (trên 60%) và chỉ tiêu của UBND tỉnh (trên 70%); riêng kết quả các dịch vụ công của Công an tỉnh đạt 99,92%.
Từ đầu năm đến nay, kết quả dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đạt 77,15%, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023 và cao hơn tổng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến của cả nước (toàn quốc đạt 49,5%). Đối với 25 dịch vụ công thiết yếu, tổng số hồ sơ nộp trực tuyến hơn 321 nghìn hồ sơ, đạt 96,67%, vượt chỉ tiêu của Chính phủ (trên 60%) và chỉ tiêu của UBND tỉnh (trên 70%); riêng kết quả các dịch vụ công của Công an tỉnh đạt 99,92%. |
Bên cạnh đó, triển khai các giải pháp xác thực thông tin công dân qua thẻ căn cước để thực hiện những giao dịch trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; xác thực thông tin học sinh tại các kỳ thi. Kết nối hệ thống camera giao thông toàn tỉnh tại 1.305 điểm; qua đó lập biên bản phạt nguội hơn 3 nghìn trường hợp, thu nộp ngân sách hơn 11,67 tỷ đồng. Toàn tỉnh cấp đổi, cấp lại căn cước cho hơn 22 nghìn trường hợp; cấp mới cho hơn 12 nghìn học sinh đủ điều kiện tham dự các kỳ thi; kích hoạt định danh điện tử cho gần 18 nghìn trường hợp. Thu thập hơn 2 triệu dữ liệu công dân và được lực lượng công an làm sạch theo đúng quy định…
Những cách làm trên góp phần đưa bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công của tỉnh Bắc Giang được đánh giá đứng trong tốp đầu toàn quốc. Tại hội nghị sơ kết một năm nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” trong việc thực hiện Đề án 06, tỉnh Bắc Giang đã được Chính phủ biểu dương về nội dung “Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC”.
Đại tá Thân Văn Duy, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho rằng, kết quả này là cơ sở để tổ công tác Đề án 06 các cấp và lực lượng công an tiếp tục đẩy nhanh thực hiện các giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước, định danh điện tử phục vụ các nhóm tiện ích. Tập trung triển khai các quy định của Luật Căn cước 2023 bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, tiết kiệm; thực hiện việc cấp căn cước cho công dân dưới 14 tuổi và cấp lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID.
Quyết liệt làm sạch dữ liệu thông tin công dân, dữ liệu chuyên ngành trên địa bàn tỉnh gắn với đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn công dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử, hướng đến 100% công dân đủ điều kiện có tài khoản định danh điện tử để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Rút kinh nghiệm, nhân rộng những mô hình điểm của Đề án, phát huy các giá trị tiện ích từ công cuộc chuyển đổi số mang lại.
Bài, ảnh: Quốc Phương
Ý kiến bạn đọc (0)