Bắc Giang: Gỡ khó trong cho thuê đất nông nghiệp công ích
BẮC GIANG - Thực hiện quy định của Luật Đất đai 2024 về đấu giá khi giao đất, cho thuê đất, nhiều xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đang gặp khó trong việc cho thuê đất nông nghiệp công ích.
Theo Điều 179 Luật Đất đai 2024, quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích đã được lập theo quy định của pháp luật trước đó thì tiếp tục được sử dụng vào mục đích công ích tại địa phương. UBND cấp xã được phép cho thuê đất nông nghiệp công ích để sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Việc cho thuê thực hiện theo hình thức đấu giá. Thời hạn thuê là 10 năm (quy định cũ là 5 năm). Đáng chú ý, thực hiện quy định này, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đang gặp vướng mắc trong việc cho thuê quỹ đất nông nghiệp công ích do quy định phải đấu giá lựa chọn đối tượng thuê đất.
Một khu đất nông nghiệp công ích của phường Đa Mai (TP Bắc Giang) đang được hộ dân thuê nuôi trồng thủy sản. |
Theo lãnh đạo UBND phường Đa Mai (TP Bắc Giang), trên địa bàn phường hiện có gần 16 ha đất nông nghiệp công ích. Trong đó một số diện tích lớn thuộc khu vực thùng vũng khó canh tác, địa phương đã cho các hộ dân ký hợp đồng thuê để nuôi trồng thủy sản từ hàng chục năm trước, hết thời gian thuê lại gia hạn hợp đồng. Vừa qua, một số hợp đồng thuê hết thời hạn, phường tổ chức thanh lý nhưng việc thu hồi các thửa đất gặp khó khăn do một số hộ thuê không chịu di dời tài sản (như cây ăn quả, ao cá…) vì lo lắng khi đấu giá mình sẽ không đấu trúng. Việc cưỡng chế đòi hỏi phải có thời gian và thủ tục rất phức tạp. Đáng chú ý, đa số diện tích đất nông nghiệp công ích của phường không tập trung vào một khu mà phân bố nhỏ lẻ, có thửa chỉ vài chục đến vài trăm m2, việc đấu giá càng khó thực hiện.
Gia đình ông Lê Xuân Bình, tổ dân phố Hòa Sơn thuê của phường khoảng 3 ha đất trũng, chất lượng đất xấu và đã cải tạo để nuôi trồng thủy sản. Ông Bình lo lắng: “Quá trình thuê, tôi đã chia khu đất làm 2 ao để nuôi cá thịt. Những năm qua, gia đình đã đầu tư vào đây rất nhiều tiền của, công sức để cải tạo lòng ao, thuê máy múc đắp bờ bao chống sạt lở. Nhưng do nhiều nguyên nhân, việc chăn nuôi không thuận lợi. Cơn bão số 3 vừa rồi khiến gia đình bị thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng do nước lớn, vỡ bờ, cá tràn ra ngoài. Khoảng giữa năm nay, hợp đồng thuê đất sẽ hết hạn. Nếu Nhà nước thu hồi đưa ra đấu giá, gia đình tôi không đấu trúng thì thiệt thòi quá”. Qua đó, ông Bình tha thiết đề nghị được thuê sử dụng tiếp trong thời gian tới. Ngoài ra, ông còn cho biết, trong diện tích ao nuôi, có một phần đất nông nghiệp của gia đình dồn đổi về đây và mua của người khác.
Đây cũng là một trong những khó khăn tại phường Đa Mai khi thanh lý hoặc chấm dứt các hợp đồng thuê đất nông nghiệp công ích. Bởi nhiều hộ dân sau khi thuê đất của Nhà nước đã gộp phần đất thuê với diện tích đất thuộc quyền sử dụng của gia đình hoặc đất mua thêm của hộ khác để sử dụng chung. Nếu hết thời gian thuê theo hợp đồng, chưa phân tách được phần đất của hộ ra khỏi diện tích thuê thì việc thanh lý hợp đồng, đưa đất ra đấu giá đều khó thực hiện. Tuy nhiên, việc phân định phần đất của hộ nằm ở khu vực nào để tách ra cũng mất nhiều thời gian vì hiện trạng sử dụng các thửa đất đều đã thay đổi.
Trao đổi nội dung này, ông Hoàng Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tiên Lục (Lạng Giang) cũng thông tin: “Trên địa bàn xã có hơn 140 ha đất nông nghiệp công ích đang cho hơn 2,4 nghìn hộ dân, cá nhân thuê sử dụng. Mỗi năm từ cho thuê quỹ đất này, xã thu về ngân sách khoảng 500 triệu đồng. Trước quy định về đấu giá cho thuê đất nông nghiệp công ích, xã cũng đang băn khoăn trong triển khai”.
Theo ông Tuấn, phần đa diện tích đất công ích của xã nằm xen canh với đất nông nghiệp giao lâu dài cho các hộ dân sử dụng, thậm chí không ít thửa nằm lẫn trong diện tích đất của hộ. Các hộ thuê hầu hết để trồng cây hàng năm.
Toàn tỉnh hiện có hơn 98 nghìn thửa đất nông nghiệp công ích, với tổng diện tích hơn 6,2 nghìn ha; trong đó diện tích có hợp đồng cho tổ chức, cá nhân thuê khoảng 3,5 nghìn ha. Hiện quỹ đất nông nghiệp công ích mỗi năm thu về ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng từ cho thuê. |
“Trong năm nay, xã có nhiều hợp đồng phải thanh lý, đưa ra đấu giá. Hiện địa phương chưa biết phải thực hiện thế nào, vì đa phần các thửa đất nhỏ lẻ, không phù hợp cho thuê thực hiện các mô hình sản xuất lớn”, ông Tuấn nói. Bên cạnh đó, quy trình đưa thửa đất ra đấu giá phải qua nhiều bước. Cụ thể như: UBND cấp xã phải lập phương án đấu giá trình UBND cấp huyện xem xét, quyết định; phải thuê đơn vị thực hiện bán đấu giá, nếu không chọn được đơn vị tổ chức đấu giá thì xã phải thành lập hội đồng đấu giá tài sản để đấu giá... theo quy định của Luật Đấu giá tài sản.
Thống kê của các địa phương, toàn tỉnh hiện có hơn 98 nghìn thửa đất nông nghiệp công ích, với tổng diện tích hơn 6,2 nghìn ha; trong đó diện tích có hợp đồng cho tổ chức, cá nhân thuê khoảng 3,5 nghìn ha. Hiện từ cho thuê đất nông nghiệp công ích, mỗi năm thu về ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng. Các địa phương có quỹ đất trên lớn là TP Bắc Giang và Lạng Giang, mỗi nơi khoảng 1,18 nghìn ha; Tân Yên khoảng 870 ha; Lục Nam khoảng 800 ha…
Thực tế cho thấy, việc quy định đấu giá khi cho thuê đất nông nghiệp công ích theo Luật Đất đai mới là một trong những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ đất nông nghiệp công ích, không để lãng phí, bảo đảm việc cho thuê được thực hiện khách quan, công bằng, tăng nguồn thu vào ngân sách. Tuy nhiên, để quy định sớm đi vào cuộc sống, tạo thuận lợi cho các địa phương quản lý hiệu quả quỹ đất trên, đề nghị ngành Tài nguyên và Môi trường sớm có hướng dẫn cụ thể hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền hướng dẫn chi tiết hơn về việc thực hiện các thủ tục cũng như quan tâm tháo gỡ vướng mắc liên quan, tránh tình trạng mỗi nơi thực hiện một kiểu hoặc làm chậm, không đưa đất vào sử dụng gây lãng phí tài nguyên.
Về lâu dài, để tăng thu, đưa quỹ đất nông nghiệp công ích vào sử dụng hiệu quả, các địa phương cần nghiên cứu, quy hoạch diện tích đất vào các khu vực nhất định, tạo thuận lợi cho việc đấu giá cũng như đáp ứng nhu cầu thuê đất của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình để triển khai thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp tập trung, công nghệ cao, quy mô lớn.
Ý kiến bạn đọc (0)