Những đảng viên giỏi làm kinh tế, trách nhiệm với cộng đồng
BẮC GIANG - Trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng đều xác định “phát triển KT-XH là nhiệm vụ trung tâm”. Tiên phong thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều đảng viên tích cực phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Tạo việc làm cho nhiều lao động
Nhờ tích cực tham gia hoạt động, phong trào của các tổ chức, đoàn thể nơi sinh sống, năm 2009, anh Nguyễn Văn Hưng (SN 1981) ở thôn Hạ, xã Cao Xá (Tân Yên) được vinh dự kết nạp vào Đảng. Anh Hưng học Đại học Nông nghiệp 1 (Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp, anh vào làm việc tại một số doanh nghiệp sản xuất giấy, ống nhựa ở tỉnh Bắc Ninh, rồi làm kế toán tại một đơn vị trong tỉnh. Do tính chất công việc không phù hợp nên năm 2013, anh nghỉ việc ở những nơi trên.
Anh Nguyễn Văn Hưng kiểm tra quy trình sản xuất giấy. |
Về địa phương, anh nhận thấy, một số người thân của gia đình và nhiều lao động nông thôn vẫn thiếu việc làm, đời sống còn khó khăn. Là đảng viên nên trong các cuộc sinh hoạt chi bộ, anh được phổ biến các chủ trương, định hướng của Đảng về phát triển KT-XH. Hiểu rõ các quy định, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế, nhận thức rõ trách nhiệm của người đảng viên, với mong muốn làm giàu tại quê nhà, năm 2014, anh mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Sản xuất giấy Minh Thành Việt Nam, trụ sở ở thôn Vàng (cùng xã). Công ty chuyên sản xuất các loại giấy ăn, giấy vệ sinh, băng, bỉm vệ sinh.
Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên giấy sản xuất ra chưa mềm mịn, không có độ dai, tiêu thụ gặp khó khăn. Trước thực tế này, anh Hưng đi thực tế, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật ở các làng nghề sản xuất giấy ở tỉnh Bắc Ninh. Sau khi thành thạo quy trình, rút kinh nghiệm từ thất bại, anh đã sản xuất giấy thành công. Đến nay, các sản phẩm giấy của Công ty đã tiêu thụ ở nhiều tỉnh, TP trong cả nước. Năm 2021, các sản phẩm giấy Minh Thành được chứng nhận đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09: 2015/BCT.
Anh Hưng chia sẻ: “Những năm qua, Công ty không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, tuyển dụng thêm lao động. Lao động vào làm việc chưa có tay nghề đều được hướng dẫn kỹ thuật theo hướng cầm tay chỉ việc. Hiện nay, Công ty đang tạo việc làm cho 110 lao động nông thôn, chủ yếu là lao động tại địa phương”. Được biết, năm 2024, từ hoạt động kinh doanh, doanh thu của Công ty đạt khoảng 8 tỷ đồng, tăng 2 tỷ đồng so với năm trước; thu nhập của công nhân từ 7-20 triệu đồng/người/tháng. Đơn vị nộp đầy đủ các khoản thuế phát sinh cho nhà nước bảo đảm thời gian quy định.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, anh Hưng còn luôn nêu cao tính gương mẫu, trách nhiệm của người đảng viên trong các hoạt động phong trào tại địa phương. Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát, cùng với việc trực tiếp tham gia phòng, chống dịch ở địa phương, anh Hưng còn ủng hộ nhiều nhu yếu phẩm, vật tư với tổng giá trị 60 triệu đồng để góp sức đẩy lùi dịch bệnh. Ghi nhận thành tích đó, anh được Chủ tịch UBND xã Cao Xá tặng Giấy khen.
Hơn 30 năm truyền nghề
Những năm qua, đảng viên Hoàng Văn Năm, tổ dân phố số 6, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) luôn năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, tham gia dạy nghề sửa chữa điện ô tô cho hàng trăm lao động. Năm nay, ông Năm đã 76 tuổi và có ngoài 30 năm làm nghề sửa chữa và dạy nghề điện lạnh ô tô. Năm vừa qua, ông được nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng.
Đảng viên Hoàng Văn Năm (giữa) truyền nghề sửa chữa điện ô tô cho lớp trẻ. |
Ông Năm chia sẻ: “Trước đây, tôi từng học Trường Trung cấp Điện xí nghiệp (nay là Đại học Điện lực Hà Nội). Sau khi ra trường, tôi vào làm việc tại Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc. Do mê ô tô từ nhỏ, luôn có mong muốn trở thành thợ sửa chữa ô tô nên năm 1994, sau khi nghỉ làm ở Công ty theo chế độ, tôi mở xưởng sửa chữa điện ô tô và dạy nghề miễn phí cho học viên. Tôi biết kỹ thuật gì đều chia sẻ tận tình, giúp học viên nhanh chóng áp dụng vào thực tế”.
Những ngày đầu, xưởng của ông Năm chỉ có vài học viên nhưng nay, trong xưởng luôn có 25-30 người học nghề và làm nghề. Học viên học xong có nhu cầu làm việc tại xưởng đều được ông tạo điều kiện. Những năm qua, mỗi năm, ông dạy nghề miễn phí cho từ 70-80 người. Anh Nguyễn Văn Tuấn, thôn Thuận Lý, xã Tiến Dũng (TP Bắc Giang) cho biết: “Trước đây, tôi không có việc làm, được người quen giới thiệu đến xưởng của ông Năm học nghề. Học xong, tôi ở lại xưởng làm việc, đến nay được 7 năm. Vừa làm việc, tôi vừa được ông Năm chỉ dẫn thêm về kỹ thuật nên tay nghề được nâng lên. Thu nhập bình quân đạt 10 triệu đồng/tháng. Cuộc sống gia đình tôi cũng được cải thiện hơn”. Nhiều lao động khác sau khi được ông Năm truyền nghề đã tự mở xưởng riêng, có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Vừa dạy nghề vừa làm nghề song ông Năm luôn đặt chữ tín với khách hàng lên hàng đầu. Hằng ngày, dù lượng xe vào sửa chữa đông nhưng ông yêu cầu thợ phải xem xét kỹ, bắt đúng “bệnh”, sửa xe cho khách cẩn thận như xe của mình, bảo đảm vận hành an toàn mới được xuất xưởng. Với cách làm này, gia đình ông có nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ tiệm sửa chữa. Cùng với làm nghề, là đảng viên, ông Năm luôn động viên người thân sống và làm việc theo pháp luật, tích cực tham gia ủng hộ các phong trào, hoạt động an sinh xã hội tại nơi cư trú, theo đó gia đình ông nhiều năm liền được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa.
Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều đảng viên trong tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả tính tiền phong, gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Từ những việc làm cụ thể, thiết thực, 2 đảng viên đã truyền cảm hứng về tinh thần lao động, sáng tạo, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.
Ý kiến bạn đọc (0)