Cuộc thi “Bắc Giang niềm tin và khát vọng”: Những cách làm sáng tạo từ cơ sở
BẮC GIANG - Cuộc thi “Bắc Giang niềm tin và khát vọng” đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng. Nhiều địa phương, đơn vị đã có những cách làm hay, sáng tạo góp phần lan tỏa mạnh mẽ thông điệp, ý nghĩa Cuộc thi.
Ngày 14/6/2024, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy phát động triển khai Cuộc thi “Bắc Giang niềm tin và khát vọng” trong toàn Đảng bộ tỉnh. Mục đích Cuộc thi nhằm giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân trong và ngoài tỉnh, nhất là thế hệ trẻ thấy được sự phát triển và những thành tựu Bắc Giang đạt được trên các lĩnh vực, đặc biệt là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng; khơi dậy lòng tự hào, khát vọng xây dựng quê hương Bắc Giang phát triển giàu đẹp.
Ban Tổ chức Cuộc thi kiểm tra việc triển khai tại huyện Yên Thế. Ảnh: Hoàng Chung. |
Thông qua Cuộc thi tổng hợp những “ý tưởng mới” tham gia xây dựng phát triển tỉnh Bắc Giang và phục vụ xây dựng văn kiện đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị. Những tác phẩm dự thi tiêu biểu sẽ được lựa chọn trưng bày phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.
Sau hơn 6 tháng phát động, theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (cơ quan Thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi), Cuộc thi đã được cấp ủy, tổ chức đảng các cấp triển khai nghiêm túc; cán bộ, đảng viên và nhân dân trong và ngoài tỉnh tích cực hưởng ứng. Qua theo dõi và trực tiếp kiểm tra ở 10 đảng bộ huyện, thị xã, TP cho thấy đã có những cách làm mới, sáng tạo ở cơ sở.
Khảo sát tại Đảng bộ huyện Lục Nam, đồng chí Nguyễn Văn Tuyền, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy chia sẻ: “Nhận thức rõ ý nghĩa của Cuộc thi, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã tham mưu BTV Huyện ủy thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ), thành viên là các đồng chí huyện ủy viên, trưởng một số ngành của huyện. Cùng đó phân công, gắn trách nhiệm cho từng thành viên theo địa bàn phụ trách; thành lập nhóm Zalo của BCĐ để thường xuyên trao đổi về Cuộc thi”.
Khi Ban Tổ chức Cuộc thi ban hành Bộ câu hỏi thi viết, kèm theo hệ thống tài liệu tham khảo; qua phản ánh của một số cán bộ, đảng viên ở cơ sở, đồng thời nhận thấy để có được nhiều đối tượng tham gia, nhất là cán bộ, đảng viên ở địa bàn nông thôn, Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lục Nam là một trong những đơn vị đầu tiên chủ động xây dựng Đề cương gợi ý trả lời đối với 6 câu hỏi để gửi đến các tổ chức đảng ở cơ sở và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của huyện cùng các nhóm Zalo.
Đối với huyện Sơn Động, nhận thấy địa phương có nhiều lợi thế trong phần thi ảnh, bên cạnh việc tuyên truyền sâu rộng thể lệ trên các hội nhóm mạng xã hội, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã sớm tiếp nhận các tác phẩm dự thi gửi đến; sàng lọc, lựa chọn những bức ảnh đẹp đăng tải trên trang Facebook “Sơn Động Quê Hương” và fanpage “Ban Tuyên giáo Huyện ủy Sơn Động”, được nhiều người theo dõi, tương tác, chia sẻ, bình luận. Huyện xác định sẽ dựa vào số lượng và nội dung tương tác, bình luận của người xem đối với từng bức ảnh, từ đó thêm cơ sở trong việc chấm xét duyệt. Với cách làm sáng tạo này, đầu tháng 10/2024, Sơn Động là huyện thu được tác phẩm ảnh dự thi sớm nhất, số lượng nhiều nhất (10 tác giả gửi gần 300 ảnh).
Ở các ngành, việc triển khai, tham gia cuộc thi sôi nổi. Đồng chí Vũ Thanh Hải, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Nam trao đổi: “Mặc dù Cuộc thi được phát động đúng vào dịp bắt đầu kỳ nghỉ hè, nhưng không vì thế mà không được lan tỏa sâu rộng đến các thầy giáo, cô giáo và học sinh. Chúng tôi đã chỉ đạo kịp thời đăng tải đầy đủ các văn bản, tài liệu của tỉnh và huyện liên quan đến Cuộc thi lên tất cả các trang thông tin điện tử, chia sẻ trên các hội, nhóm mạng xã hội của các nhà trường. Yêu cầu lãnh đạo nhà trường quán triệt, triển khai trong các cuộc họp chi bộ, sinh hoạt chuyên môn.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới, các nhà trường đều phải kiểm điểm kết quả triển khai Cuộc thi”. Nhờ vậy đến nay, các trường học trên địa bàn huyện đã có sự chuẩn bị tích cực, những cá nhân được lựa chọn, phân công thực hiện bài chất lượng đang bước vào giai đoạn hoàn thành. Đối với nội dung thi trực tuyến tìm hiểu lịch sử Đảng bộ tỉnh, Phòng chỉ đạo 100% các trường học có phòng học tin học tổ chức cho cán bộ, đảng viên, học sinh tham gia phần thi trắc nghiệm trên mạng Internet bằng cách tranh thủ những lúc phòng máy rảnh rỗi và ngoài giờ học chính khóa, các thầy cô và học sinh nhà trường tham gia thi với thời gian từ 30-45 phút mỗi ngày.
Huyện đoàn Hiệp Hòa thể hiện vai trò xung kích khi ban hành công văn chỉ đạo các cơ sở đoàn trong huyện hưởng ứng với tinh thần cao nhất. Yêu cầu đoàn thanh niên các xã, thị trấn và đoàn cơ sở trực thuộc đưa nội dung triển khai, hưởng ứng cuộc thi gắn với sinh hoạt đoàn cơ sở. Thống nhất chủ trương mỗi đoàn viên tham gia đầy đủ 3 hình thức của Cuộc thi. Riêng thi viết ngoài triển khai đại trà, mỗi đơn vị tập trung thực hiện các bài chất lượng, đầu tư sâu về nội dung, hình thức. Dự kiến, đoàn viên thanh niên trong huyện sẽ có khoảng 3-4 nghìn bài thi viết.
Có thể khẳng định, Cuộc thi “Bắc Giang niềm tin và khát vọng” đã và đang được các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh hưởng ứng tham gia tích cực. Đến nay, nhiều cá nhân đã hoàn thành, gửi nội dung dự thi về Ban Tổ chức. Đặc biệt với những cách làm mới, sáng tạo từ cơ sở, cuộc thi hứa hẹn sẽ thành công, thực sự tạo thành đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng lớn trong toàn Đảng bộ tỉnh.
Ý kiến bạn đọc (0)