Thúc đẩy xuất khẩu nông sản mùa vụ
BẮC GIANG - Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài vừa qua do Bộ Công Thương tổ chức, Bắc Giang là một trong những điểm cầu trao đổi trực tuyến. Qua đó, cơ quan chức năng, doanh nghiệp (DN) địa phương đã nắm được một số thông tin hữu ích để tổ chức hiệu quả các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu vải thiều.
Theo Bộ Công Thương, ngày càng nhiều mặt hàng, sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam hoặc sản phẩm do DN trong nước sản xuất hiện diện tại các chuỗi siêu thị, hệ thống bán lẻ, cung ứng, phân phối quốc tế tại các thị trường lớn trên thế giới. Nhờ vậy đã đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, giá trị nông sản toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, khả năng thâm nhập các thị trường xuất khẩu như: Vải thiều, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, bơ… vẫn gặp trở ngại nhất định. Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại châu Âu, vải thiều Bắc Giang đã xuất khẩu thành công vào thị trường này nhưng chủ yếu tiêu thụ cho cộng đồng dân cư gốc Á mà rất ít vào siêu thị lớn của các quốc gia này.
Còn theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, sản phẩm rau quả, trong đó có vải thiều của Việt Nam khó cạnh tranh do tính mùa vụ thời gian thu hoạch ngắn, sản phẩm tươi mau hỏng. Khoảng cách địa lý xa làm phát sinh thời gian và chi phí vận chuyển nên không có lợi thế so với sản phẩm cùng loại từ các quốc gia Nam Mỹ, châu Á. Để thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao giá trị của trái cây mùa vụ, trong đó có vải thiều cần bổ sung sản phẩm chế biến nhằm tiêu thụ quanh năm.
Ứng dụng công nghệ mới giúp kéo dài thời gian bảo quản trái cây; xây dựng kế hoạch tổng thể, kiên trì công tác quảng bá, xúc tiến thương mại trái cây mùa vụ, xây dựng câu chuyện gắn với trái cây, tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm tại các khu chợ người Việt, người châu Á. Mời các DN nhập khẩu về thăm vùng trồng, cơ sở chế biến để lan tỏa hình ảnh thương hiệu sản phẩm Việt Nam. Đặc biệt, các DN xuất nhập khẩu, trong đó ngoài vai trò chủ đạo của các DN lớn đã có kinh nghiệm xuất khẩu trái cây tươi, cần khuyến khích, đào tạo, tập huấn cho các DN nhỏ và phát huy thế mạnh của mình tích cực tham gia xuất khẩu.
Khuyến khích, hỗ trợ sự tham gia của các DN vận tải (hàng không, tàu biển) để giảm cước vận chuyển trái cây mùa vụ vào các dịp cao điểm từ Việt Nam sang các thị trường khác. Khuyến khích các DN logistics phát huy thế mạnh hệ thống hạ tầng, tối ưu hoá mô hình logistics chuyên dụng dành cho nông sản phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, các DN xuất khẩu và người sản xuất phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, hàng hóa, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Trường Sơn
Ý kiến bạn đọc (0)