Vốn vay giải quyết việc làm: Mở hướng sản xuất, giúp người dân tăng thu nhập
BẮC GIANG - Những năm gần đây, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Chũ tích cực giải ngân vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm và Đề án “Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025”. Nhờ đó, nhiều lao động tại địa phương đã được vay vốn, có điều kiện phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập.
“Trợ lực” cho người dân
Thực hiện sự chỉ đạo của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Chũ đã tập trung cho vay vốn giải quyết việc làm từ hai nguồn: Quỹ quốc gia về việc làm và Đề án “Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025” bảo đảm đúng quy định. Nguồn vốn cho vay do Trung ương phân bổ và địa phương bố trí ngân sách hằng năm. Theo quy định, mức cho vay tối đa đối với người lao động là 100 triệu đồng/người; 2 tỷ đồng/dự án đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh. Thời hạn cho vay tối đa 120 tháng, lãi suất 7,92%/năm (tương đương lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo). Mục đích nhằm kịp thời giúp người lao động có thêm nguồn lực giải quyết việc làm, từng bước nâng cao thu nhập.
![]() |
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Chũ giải ngân vốn vay giải quyết việc làm. |
Khảo sát thực tế, những năm qua, trên địa bàn thị xã Chũ có nhiều trường hợp được vay vốn đã có việc làm ổn định, cuộc sống ngày càng khấm khá. Điển hình như chị Chu Thị Lít, tổ dân phố Hồ Sen, phường Chũ. Trước đây, hoàn cảnh gia đình chị khó khăn, không có việc làm ổn định, thu nhập chỉ trông vào mấy sào ruộng. Năm 2023, chị được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ngân hàng chính sách trong thời gian 3 năm. Nhờ được vay vốn ưu đãi cộng với vay thêm người thân, gia đình, chị mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, mua hơn 500 đôi chim bồ câu bố mẹ về nuôi.
Chim sinh sản đến đâu được giữ lại nuôi để bán thương phẩm đến đó. Vừa nuôi, vừa mở rộng quy mô, đến nay, gia đình chị tăng đàn chim bố mẹ lên 1,5 nghìn đôi. Chị Lít cho biết: “Từ năm ngoái đến nay, mỗi tháng gia đình bán 1,3-1,5 nghìn con chim thương phẩm, thu khoảng 90 -100 triệu đồng, trừ chi phí lãi 20-30 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, cuộc sống khấm khá hơn, chị có điều kiện nuôi các con học hành và mua sắm một số tiện nghi hiện đại phục vụ sinh hoạt”.
Theo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Chũ, đến nay, dư nợ cho vay giải quyết việc làm toàn thị xã đạt gần 84 tỷ đồng với 1,2 nghìn khách hàng còn dư nợ. Một số địa phương có doanh số cho vay cao như các phường: Chũ, Thanh Hải, Phượng Sơn, Hồng Giang. |
Tương tự, năm ngoái, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lục Ngạn (từ ngày 1/1/2025 được chia tách thành thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn) giải ngân cho bà Lê Thị Thể, thôn Thủ Dương, xã Nam Dương vay 80 triệu đồng. Gia đình sản xuất mỳ gạo từ nhiều năm nay nhưng chưa có điều kiện mở rộng quy mô. Được vay vốn, bà đầu tư mua thêm nguyên liệu gạo nứt, gạo trắng với số lượng lớn để làm mỳ các loại. Hiện nay, gia đình đã có một dây chuyền sản xuất mỳ, tạo việc làm cho 5 lao động địa phương. Mỗi tháng bán 6 tấn mỳ gạo, thu nhập hơn 210 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 40 triệu đồng.
Theo Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Chũ, đến nay, dư nợ cho vay giải quyết việc làm toàn thị xã đạt gần 84 tỷ đồng với 1,2 nghìn khách hàng còn dư nợ. Một số địa phương có doanh số cho vay cao như: Phường Chũ hơn 14 tỷ đồng; phường Thanh Hải hơn 13,5 tỷ đồng; xã Nam Dương gần 8,6 tỷ đồng; phường Phượng Sơn hơn 7,2 tỷ đồng; phường Hồng Giang hơn 6,4 tỷ đồng… Các cá nhân được vay vốn chủ yếu đầu tư phát triển cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm, sản xuất mỳ gạo…
Giải ngân đúng đối tượng
Xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những chương trình quan trọng, giúp người dân phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập nên thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Chũ chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác ở cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách.
Để cho vay đúng đối tượng, Phòng Giao dịch căn cứ vào nhu cầu vay vốn từ các phường, xã đăng ký, sau đó tổ chức lựa chọn, thẩm định kỹ từng dự án trước khi giải ngân. Khảo sát thực tế, các trường hợp được vay vốn chủ yếu là người lao động có kế hoạch kinh doanh rõ ràng; có khả năng mở rộng, tạo việc làm thêm cho các lao động khác. Sau khi giải ngân, đơn vị còn tích cực phối hợp với chính quyền địa phương lồng ghép chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm với chương trình bồi dưỡng kiến thức về khởi nghiệp; tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng, vật nuôi… giúp người dân ứng dụng vào sản xuất, nâng cao thu nhập.
Ông Trần Văn Tuyên, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Chũ cho biết, cùng với làm tốt công tác giải ngân, đơn vị còn cử cán bộ phối hợp với các tổ chức hội ở cơ sở nhận ủy thác như: Hội nông dân, hội liên hiệp phụ nữ, đoàn thanh niên tập trung kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các trường hợp thụ hưởng sử dụng vốn đúng mục đích. Các tổ tiết kiệm và vay vốn thôn, tổ dân phố thường xuyên đôn đốc các trường hợp vay vốn trả lãi, gốc, thu hồi các khoản vay đến hạn theo định kỳ. Qua kiểm tra, đến nay, các cá nhân vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, phát huy được hiệu quả. Trên địa bàn không có trường hợp nợ quá hạn.
Thực tế vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn thị xã Chũ đã phát huy hiệu quả rõ nét, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm sau khi được vay vốn giải quyết việc làm. Thời gian tới, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Chũ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách này; kiểm soát chặt chẽ dư nợ, thu hồi vốn đến hạn để quay vòng cho vay nhằm giúp các gia đình, cá nhân kinh doanh phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn vay, nâng cao thu nhập cho người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Ý kiến bạn đọc (0)