Mùa vải thiều năm 2024: Tiêu thụ thuận lợi, lập kỷ lục về giá
BẮC GIANG - So với những năm trước, sản lượng vải thiều năm 2024 giảm mạnh song lại thiết lập mặt bằng giá cao nhất từ trước đến nay, góp phần đưa doanh thu từ vải thiều tăng. Từ kết quả này, Bắc Giang có thêm kinh nghiệm trong chỉ đạo sản xuất, xúc tiến tiêu thụ cho những mùa vải sau.
Giá bán bình quân tăng hơn 2 lần
Đến thời điểm này, người dân trong tỉnh cơ bản thu hoạch, tiêu thụ xong vải thiều. Theo Sở Công Thương, tổng sản lượng vải tiêu thụ gần 86 nghìn tấn (vải sớm gần 48 nghìn tấn; vải chính vụ 38 nghìn tấn). Vải thiều được tiêu thụ thuận lợi cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu, trong đó, thị trường trong nước gần 61 nghìn tấn qua các kênh: Hệ thống chợ đầu mối, các chợ dân sinh, siêu thị, các sàn thương mại điện tử, vải tươi chế biến sấy khô và hệ thống bán buôn, bán lẻ khác; xuất khẩu gần 25 nghìn tấn sang các thị trường chủ yếu là Trung Quốc (hơn 24,5 nghìn tấn) và một số quốc gia, vùng lãnh thổ như: EU 53 tấn, Nhật Bản 45 tấn, Úc 42 tấn, Hoa Kỳ 20 tấn, Dubai 21 tấn, Canada 16 tấn, các nước khu vực Đông Nam Á 18 tấn… Giá vải thiều ngay từ những ngày đầu vụ tăng cao, gấp 2-3 lần so với năm 2023, bình quân dao động từ 55 - 85 nghìn đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay.
Vườn vải thiều của gia đình bà Diệp Thị Sênh, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn). |
Giá bán sản phẩm tăng là do vải chính vụ mất mùa, sản lượng thấp, dẫn đến cung không đủ cầu. Bên cạnh đó, các cấp, ngành từ T.Ư đến địa phương nhiều năm nay quan tâm công tác xúc tiến thương mại và hỗ trợ xuất khẩu đã thúc đẩy thói quen tiêu dùng đối với vải thiều tại thị trường trong nước và quốc tế, qua đó nâng cao giá trị thương hiệu và giá trị kinh tế đối với sản phẩm. Nhờ đó, dù sản lượng giảm nhưng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt hơn 5.760 tỷ đồng (năm 2023 đạt hơn 6.876 tỷ đồng). Trong đó doanh thu từ tiêu thụ vải thiều ước đạt hơn 4.800 tỷ đồng, tương đương với giá bình quân gần 56.200 đồng/kg, cao gấp 2,4 lần so với giá bình quân năm 2023. Sản lượng quả giảm nên dịch vụ phụ trợ mùa vải thiều chỉ đạt khoảng 960 tỷ đồng, giảm mạnh so với năm 2023.
Giá bán cao mang lại niềm vui cho nhiều hộ trồng vải. Nhờ làm chủ kỹ thuật, gia đình bà Diệp Thị Sênh, thôn Trại 1, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) trong 30 năm chưa mất mùa vải thiều. Vụ này bà Sênh thu được hơn 8 tấn quả, được thương nhân Trung Quốc bao tiêu cả vườn với giá 70 nghìn đồng/kg, trừ chi phí lãi hơn 400 triệu đồng, gấp đôi năm trước.
Bà Sênh nói: “Chưa năm nào tiền vải thu được nhiều như năm nay lại không phải vất vả chở đến điểm cân. Người mua, người bán đều phấn khởi, sang năm thương nhân Trung Quốc sẽ tiếp tục đến vườn và thoả thuận thu mua vào mùa quả chín”. Ở vùng vải sớm Phúc Hoà (Tân Yên), với diện tích khoảng 700 ha, sản lượng vải sớm của xã đạt hơn 10 nghìn tấn, giá bán bình quân 30 nghìn đồng/kg, doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ từ vải của toàn xã đạt hơn 300 tỷ đồng, cao hơn 100 tỷ đồng so với năm ngoái.
Nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với du lịch miệt vườn
Nhìn lại vụ vải thiều này cho thấy, hoạt động xúc tiến thương mại có nhiều đổi mới như: Chính quyền các địa phương vùng trồng vải chủ động vào cuộc; việc kết nối với các đối tác nước ngoài, địa phương giáp biên giới được đẩy mạnh; chú trọng tổ chức các hội nghị xúc tiến, giao thương trực tuyến hoặc trực tiếp gắn với du lịch; hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất quảng bá, bán hàng trên nền tảng mạng xã hội… Qua đó, sản phẩm ngày càng tiếp cận được đông đảo khách hàng trong nước, quốc tế. Cơ quan chức năng của tỉnh như: Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và PTNT… làm việc với các DN, đưa DN đi khảo sát vùng trồng; làm cầu nối giúp DN thu mua sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu các thị trường.
Một điểm thu mua vải sớm tại xã Phúc Hòa (Tân Yên). |
Ông Nguỵ Đình Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) cho biết, qua vụ vải vừa qua, đơn vị rút ra những kinh nghiệm quý để triển khai cho mùa quả tới. Đó là nhiều chủ DN, thương nhân đã đến tận vườn vải thiều thu mua, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm thay vì chỉ đặt điểm cân, đón hàng của các nhà vườn mang ra như trước. Từ đây sẽ tăng cường liên kết giữa người sản xuất-DN, thêm những hợp đồng thoả thuận, ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm được ký kết, tạo chuỗi giá trị trong sản xuất nông sản, từng bước hiện thực hóa “đưa chợ về vườn”.
Nếu làm được điều này thì sẽ giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ mùa vải, sản phẩm cũng rút ngắn được thời gian cung ứng đến người tiêu dùng. Cũng theo ông Nghĩa, những năm trước, sản lượng xuất khẩu thường lớn hơn tiêu thụ nội địa nhưng vụ vải này vải thiều tiêu dùng trong nước lại cao hơn càng khẳng định thị trường trăm triệu dân của Việt Nam rất quan trọng. Vì thế, trong xúc tiến tiêu thụ, một mặt đẩy mạnh xuất khẩu, quảng bá sản phẩm cũng cần tiếp tục quan tâm đến người tiêu dùng trong nước.
Năm 2024 cũng là năm đánh dấu mốc thành công của hoạt động tiêu thụ vải thiều gắn với du lịch miệt vườn. Riêng vụ vải này, xã Phúc Hòa thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan, có nhiều đoàn khách lên tới hàng trăm người. Tại huyện Lục Ngạn, thông qua hoạt động tiêu thụ vải thiều gắn với Chương trình du lịch mùa hè năm 2024 đã đón khoảng 250-260 nghìn lượt khách tham quan, trải nghiệm trong vụ thu hoạch vải. Trong đó, khoảng 245-254 nghìn lượt khách trong nước, 5-6 nghìn lượt khách nước ngoài, tăng khoảng 10% so với năm 2023. Điểm đặc biệt là khách đến tham quan không chỉ mua sản phẩm mà còn chụp ảnh, quay clip đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội giúp nhiều người ở trong, ngoài nước biết đến sản phẩm vải thiều của Bắc Giang.
Mùa vải thiều Bắc Giang đã khép lại, dù niềm vui chưa trọn song giúp cơ quan chức năng, người sản xuất nhìn rõ lợi thế cũng như hạn chế để có những định hướng cho năm tiếp theo. Dù vậy, mấu chốt để sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, có chỗ đứng trên thị trường vẫn là chất lượng sản phẩm; tiếp tục gắn tiêu thụ với du lịch mùa quả ngọt để quảng bá sản phẩm. Cùng đó, nhiều ý kiến cho rằng trong sản xuất cần giải bài toán về cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống để giảm rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất vải thiều. Bởi thực tế, năm nay, trong khi vải chính vụ mất mùa thì vải sớm vẫn được mùa. Thực trạng này cần nhìn nhận, đánh giá một cách thấu đáo để đưa ra khuyến cáo, chỉ đạo dài hơi, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Bài, ảnh: Trịnh Lan
Ý kiến bạn đọc (0)