Bắc Giang xếp thứ 3 cả nước về chỉ số chỉ đạo, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp
BẮC GIANG - Theo kết quả công bố tại Cổng Dịch vụ công quốc gia, đến thời điểm này, tỉnh Bắc Giang xếp thứ 3 cả nước về chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử.
Tổng điểm của tỉnh Bắc Giang đạt 89,37 điểm; các nhóm chỉ số đều đạt kết quả cao và cao hơn bình quân cả nước. Một số chỉ tiêu đạt cao như: Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt 8,1/12 điểm (cao hơn mức trung bình của cả nước 1,1 điểm); thanh toán trực tuyến đạt 9,6/10 điểm (cao hơn mức trung bình của cả nước 2,1 điểm); số hóa hồ sơ đạt 19,7/22 điểm (cao hơn mức trung bình của cả nước 2,9 điểm); công khai minh bạch đạt 14,2/18 điểm (cao hơn mức trung bình của cả nước 2,5 điểm).
Cán bộ một cửa phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) hướng dẫn công dân nộp hồ sơ trực tuyến. |
Ngoài ra, các chỉ số thành phần của tỉnh cũng có tỷ lệ cao như: Hồ sơ trả trước và đúng hạn; khai thác, sử dụng lại thông tin dữ liệu số hóa; tỷ lệ hồ sơ đồng bộ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia... Một số địa phương trong tỉnh có kết quả thực hiện các chỉ số trên môi trường điện tử tốt như huyện: Tân Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang, thị xã Việt Yên và TP Bắc Giang.
Chỉ số này được đánh giá tự động trên Cổng Dịch vụ công quốc gia hằng ngày, hằng tháng, hằng quý. Hoạt động được thực hiện theo Quyết định số 766/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/6/2022 về việc phê duyệt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử.
Được biết, từ đầu năm đến nay, tỉnh Bắc Giang thường xuyên thuộc nhóm 10 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước về chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử.
Có được kết quả đó, hằng năm, tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chuyển đổi số (CĐS) đồng bộ, trong đó phân công các sở, ngành thường xuyên bám sát, kịp thời tham mưu kế hoạch khắc phục các chỉ số còn thấp. Đặc biệt, tập trung CĐS toàn diện trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Toàn tỉnh đã thành lập 209 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, 1.891 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn (đạt 100%) với khoảng 16 nghìn thành viên. Công tác tuyên truyền, phổ cập kỹ năng số được đẩy mạnh, lan tỏa trong đời sống người dân; công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC được chỉ đạo thường xuyên, tăng tỷ lệ trả trước và đúng hạn.
Ý kiến bạn đọc (0)