Tập trung thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn
BẮC GIANG - UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Công văn số 15/UBND-NN yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung triển khai thực hiện Kết luận số 333-KL/TU ngày 17/12/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2021 - 2030.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các nghị quyết, chương trình, chiến lược, kế hoạch về phát triển sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Tham mưu triển khai xây dựng “Vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao; đánh giá tính chất lý, hóa học và xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng vùng đất chuyên trồng lúa trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” trong năm 2025.
Ảnh minh họa. |
Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp và thủy sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 80%; chăn nuôi trang trại, khu chăn nuôi tập trung chiếm trên 80%.
Xây dựng chính sách, ưu tiên nguồn lực cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ cấp tỉnh, huyện, xã. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Mỗi năm phát triển thêm từ 25-30 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Đến năm 2030, lũy kế toàn tỉnh có 535 sản phẩm đạt OCOP, thuộc nhóm 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc, trong đó có 05 sản phẩm OCOP 5 sao.
Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về chương trình OCOP, tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với sản phẩm OCOP đã được đánh giá công nhận; thu hồi sản phẩm OCOP không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định.
UBND các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương thực hiện phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn gắn với du lịch sinh thái để bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quan tâm đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở nông thôn, đặc biệt ở các xã miền núi, vùng sâu. Đa dạng hóa các nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế để nâng cấp, hoàn thiện các công trình thiết yếu; ưu tiên nguồn lực để duy tu, bảo dưỡng hệ thống giao thông, đê điều, kênh mương tưới tiêu, công trình nước sạch. Ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh; nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, nông sản. Tổ chức các mô hình sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác; tiếp tục chuyển đổi, thành lập mới và nâng cao năng lực hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Ý kiến bạn đọc (0)