Tĩnh lặng - Chân không diệu hữu để đạt cõi trường sinh
BẮC GIANG - Mỗi độ xuân về, những cánh rừng đào phai e ấp ngút ngàn bừng nở và dăm ba cô gái môi thắm má hồng, mặt tròn đẹp tựa trăng rằm đang khúc khích cười… Trời đất như rộng ra, dài ra và ấm áp lạ thường. Trên cao ta như nghe thấy có tiếng chim hót. Xuân đã về với sắc ngàn tươi thắm, lộng lẫy, tinh khôi.
Cuối năm, dọc những tuyến phố ở TP Bắc Giang như: Xương Giang, Lê Lợi, Hùng Vương... những chợ hoa trải dài rực rỡ như nhân chứng về sự sống đang vươn cao, bật dậy không có gì ngăn cản nổi! Lòng ta cũng tràn ngập sắc xuân, sức xuân. Ta rạo rực, ngây ngất cùng mùa xuân. Và ta không khỏi cảm nhận sức sống đang trào lên mạnh mẽ, một cách bền vững ở ta, nơi ta!
Ngày hội Yoga tại TP Bắc Giang. Ảnh: Trần Văn Tuấn. |
Các nhà y học hiện đại nghiên cứu rằng: Tốc độ tuần hoàn của máu trong cơ thể tỷ lệ nghịch với sự căng thẳng của cơ bắp và hệ thần kinh. Nghĩa là cơ bắp và hệ thần kinh căng thẳng, huyết quản sẽ co thắt làm cho lượng máu lưu chuyển giảm gây nên hiện tượng thiếu máu, thiếu ô xy cục bộ. Khi sự căng thẳng của cơ bắp và hệ thần kinh tăng lên hơn 60% thì lượng máu lưu chuyển cục bộ sẽ ngừng hoàn toàn. Từ đó ta rút ra: Số người bị bệnh tim hiện nay do căng thẳng quá mức trong công việc và trong đời sống gây nên! Thực tế cho thấy sự căng thẳng - co cứng của cơ bắp và hệ thần kinh khi được giải tỏa - thả lỏng thì lượng máu lưu chuyển sẽ tăng lên từ 15-16 lần!
Còn Đông y nhìn nhận vấn đề này thế nào? Đó là phép luyện hình không dùng hình luyện mà dùng chân không, nghĩa là luyện thần, cùng đó là hình được luyện. Đó là đạo hư vô sinh vạn vật. “Chân không diệu hữu”, nghĩa là cái chân thật, hư không thì sinh ra điều kỳ diệu, bởi vì trong đó có sẵn âm dương, âm dương ôm ấp chẳng rời nhau nên sinh hóa vô cùng.
Khi nhập tĩnh cao độ, cảm xúc không còn, niệm tưởng đã dứt, lúc đó hơi thở tương ứng với “tâm”. Hơi thở nhẹ êm như có như không, lúc đó ta ở vào trạng thái “hư không” - trạng thái “vô”. Lúc đó tuy sự trao đổi chất và tiêu hao năng lượng trong cơ thể ở mức thấp nhất nhưng sự hòa hợp giữa nội khí trong cơ thể và trường năng lượng bên ngoài ở mức tối đa. Các kinh lạc tự thông suốt, khai mở, âm dương hòa hợp và ngũ hành hợp nhất, khí hạo nhiên vũ trụ tràn vào trong ta. Đó chính là ý “chân không diệu hữu” như người xưa từng nói. |
Thực tế, nhiều lúc ta thở ra rất nhẹ, hơi thở tựa có tựa không như tơ vương, như ngưng dừng lại. Lúc đó cảm giác khí cảm ngập tràn khắp cơ thể. Và theo đó điều kỳ lạ, mũi tôi hay bị tắc thông suốt trở lại. Ở đây, theo tôi “chân không diệu hữu” chính là ở chỗ này, cánh cổng mở ra sự màu nhiệm của vũ trụ, liên quan tới vấn đề “nhập tĩnh”.
Khi nhập tĩnh cao độ, cảm xúc không còn, niệm tưởng đã dứt, lúc đó hơi thở tương ứng với “tâm” nên hơi thở cũng nhẹ êm như có như không, có thể nói lúc đó ta ở vào trạng thái “hư không” - trạng thái “vô”. Lúc đó tuy sự trao đổi chất và tiêu hao năng lượng trong cơ thể ở mức thấp nhất, nhưng sự hòa hợp giữa nội khí trong cơ thể và trường năng lượng bên ngoài ở mức tối đa. Các kinh lạc tự thông suốt, khai mở, âm dương hòa hợp và ngũ hành hợp nhất, khí hạo nhiên vũ trụ tràn vào trong ta. Đó chính là ý “chân không diệu hữu” người xưa nói.
Luyện tập:
- Tư thế nằm: Một thuận lợi là các bộ phận tạng phủ toàn cơ thể có thể tĩnh lặng được. Lúc đó ta ở vào trạng thái nghỉ hoàn toàn, các nhà Yoga gọi là thế Savasana - như chết, có nghĩa là làm chết mọi ý nghĩ, mọi căng thẳng trong đầu và mọi mệt mỏi nơi thân xác.
Cách làm: Bạn có thể nằm ngửa trên một tấm đệm trải trên nền nhà hoặc trên giường, có nghĩa là trên một mặt phẳng để thân nằm được thẳng, không gấp khúc, cong lượn. Đầu thẳng, cằm xuôi xuống rốn. Mắt buông, tai khép, hướng vào nội thân cảm nhận việc tĩnh lặng. Các bạn nhớ đầu lưỡi đặt vào hàm ếch trên. Hai cánh tay để dọc theo chân. Hai chân duỗi thẳng, các ngón chân hướng ra hai bên. Các bạn xem xét cơ bắp toàn thân buông thả, mềm mại, không một chút co cứng. Thực hiện ta thu thần lại, tập trung vào rốn. Ta hít vào bụng dưới - từ rốn xuống xương chậu co lại bụng trên phồng lên. Chờ đến khi muốn thở ra ta mới thở. Lúc đó bụng trên xẹp xuống, bụng dưới phồng lên. Rồi lại chờ cho đến khi muốn hít vào, ta mới hít vào… cứ thế lặp lại.
Một lưu ý là thở nhẹ nhàng, êm ái, không cố gắng, không gắng sức. Và ý thở phải tập trung vào Đan điền. Ban đầu ta điều chỉnh hơi thở, sau theo dõi hơi thở… Cuối cùng ta cũng quên luôn, lúc đó trong ta chỉ còn hơi thở. Tinh - Khí - Thần đã nhập làm một, thân, tâm, ý đâu còn phân chia! Và ta có thể ngủ quên đi, càng tốt.
Ích lợi: Tĩnh lặng hiệu quả, đầu óc trống rỗng, thân tâm buông lỏng, đạt cõi “chân không diệu hữu” nhanh. Và ta có thể ngủ trong giấc ngủ 10 phút, đủ biết nó tốt thế nào!
- Tư thế ngồi: Làm sao cho lưng thật thẳng, vai, hai tay buông xuôi… Tóm lại ngồi làm sao cho ngay ngắn, thẳng thắn và toàn thân lỏng lẻo, không căng cứng. Tốt nhất là ngồi theo tư thế hoa sen, nghĩa là chân phải gác vào đùi chân trái và chân trái gác vào đùi chân phải. Ngồi như thế sóng não ở vào trạng thái của người điềm tĩnh, thoải mái dễ nhập tĩnh, nó có thể đuổi được tất cả bệnh tật!
Thực hiện: Hoàn toàn như tư thế nằm, tất nhiên thở là khâu quan trọng hàng đầu, làm như tư thế nằm. Và ích lợi thì viên mãn với tất cả mục tiêu chúng ta đề ra, ta được khỏe mạnh về thể xác và tinh thần.
Trong đời sống hằng ngày, để cơ thể luôn khỏe mạnh là vấn đề khó và để có được điều đó ta phải thực hiện nó trong mọi tư thế đi, đứng, ngồi, nằm… cho nên ta phải tìm đến cái cơ bản nhất có tính quy luật. Đó là căng - giãn, động rồi tĩnh, dương rồi âm, thủy triều lên rồi xuống… Nghĩa là, nói rộng ra, ta phải xây dựng cho mình cách sống ung dung tự tại, thoải mái tự nhiên, người xưa gọi đó là “tiên phong đạo cốt”- phong thái của người tiên, đó chỉ rõ vô bệnh và trường sinh bất lão mà cao quý, tuyệt đẹp như ở cõi trời!
Lúc nào ta cũng phải giữ cho hơi thở của mình được tự nhiên như vốn có của nó, bởi vì hơi thở là động lực, sự sống nhờ nó, nhịp sống của mọi hoạt động sống nhờ nó. Hơi thở bình thường, an nhiên thì mọi hoạt động trong cơ thể cũng phải an nhiên, tự tại! Và tất nhiên lòng ta, thể xác ta cũng vậy, tĩnh lặng và đạt “chân không diệu hữu” - cõi trường sinh!
Mùa xuân lấp ló bên thềm. Sự sống mới mẻ, tinh khôi đang trỗi dậy, trải dài ra mênh mang đến vô cùng. Và ta không khỏi tập phép tập “tĩnh lặng - chân không diệu hữu” để đạt cõi trường sinh, để ta cũng có sức sống mới mẻ, tinh khôi như mùa xuân vậy!.
Ý kiến bạn đọc (0)