BẮC GIANG - Rất tình cờ, Chi hội Nghiên cứu và Bảo tồn Chim hoang dã Việt Nam (mà tôi là một thành phần trong Ban Quản trị) liên tục nhận thông tin về việc những đàn chim hoang dã quý hiếm, tuyệt đẹp xuất hiện ở tỉnh Bắc Giang. Lúc đầu chúng tôi không để ý lắm, vì chim di cư, chúng đi dọc vỏ trái đất với một hành trình hàng chục nghìn cây số, như chuyến xe bus đường dài, chúng có nhiều ga dừng nghỉ. Nhưng, năm này qua năm khác, cái băn khoăn cứ lớn dần: Sao tỉnh Bắc Giang lại có mật độ chim quý về nhiều hơn hẳn nơi khác?
Chim hoa mai rực màu gây xôn xao ở ven sông Hồng, thuộc đồng bãi huyện Đan Phượng (Hà Nội). Thủ đô cũng liên tục đón các cá thể chim thiên đường đuôi phướn đẹp thướt tha như cổ tích về vùng Thuý Lĩnh, Đông Mỹ, thuộc huyện Thanh Trì, rồi quận Hoàng Mai. Và một năm mấy lần chúng tôi lên Bắc Giang tìm cú lửa, đại bàng đen, đại bàng đầu nâu, diều hen, diều trắng, te mào...
Chim đại bàng đen dũng mãnh, đi dằng dặc từ nóc nhà thế giới Tây Tạng, rồi Siberia, miền Viễn Đông mênh mông rợn ngợp lạnh giá của nước Nga. Thêm cơn sốt cú lửa đẹp đến ngẩn ngơ, lông hung vàng, mắt sáng rực như một khối vàng ròng “9999”. Chúng chao liệng làm các nghệ sĩ chụp ảnh hoang dã như đứng tim. Chúng nằm hiền khô, bên các vuông ruộng đã cày ải, màu lông ở lưng của chúng (khi đứng yên) lẫn hẳn vào trong đất khô. Cú lửa là những bậc thầy về ngụy trang. Ngụy trang để rình bắt các chú chuột béo mẫm sau mùa vàng. Ít lâu sau, đến mùa lấy nước vào chân ruộng, chuột lẩn trốn, hết món ngon, cú lửa lại tiếp tục hành trình di cư về phía Nam bán cầu.
Ấn tượng về một cánh đồng mùa đổ ải ở Hiệp Hoà (Bắc Giang).
Từ thông tin của “Thánh chim” Toby Trung (Bùi Thành Trung), người được vinh danh đặc biệt vì chụp được số loài chim nhiều nhất Việt Nam, với hơn 740 trong tổng số hơn 900 loài chim của toàn bộ thiên nhiên nước ta, chúng tôi đã tìm về huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang). Xã này cách thị trấn Thắng không xa. Vì nguyên tắc bảo tồn là phải giấu địa chỉ cánh đồng “bình yên” của nhiều loài chim quý, tránh các thợ săn bắt chim về bán trên hội nuôi chim cú, chim cảnh hoặc bán vào nhà hàng đặc sản, nên bài viết này sẽ không nói cụ thể hơn về địa điểm.
Chúng tôi nai nịt như “chiến binh” (mặc rằn ri để lẫn vào màu cỏ), vác các cỗ máy ảnh với ống kính to dài đắt giá nhất trên thị trường, đi dàn hàng ngang để giám sát từng bụi cỏ, từng khu vực ven nghĩa địa đầy rẫy hang chuột đồng (thức ăn yêu thích của cú lửa, đại bàng, các loài chim diều). Chúng tôi rình trong bình minh và cả trong hoàng hôn chạng vạng. Bọn cú toàn ngủ ở nghĩa địa. Và các bộ ảnh ghi nhận, vinh danh vẻ đẹp của loài chim hiếm này ra đời từ đó.
Lại có khi, cả đàn đại bàng đầu nâu kéo về khu vực ven sông thuộc địa phận huyện Lục Nam. Loài chim di cư này to, đẹp kiêu hãnh, sải cánh lớn, tinh ranh, bắt đủ loại chuột, có khi đánh thó cả vài con vịt, gà, ngan nho nhỏ của dân rồi bay lượn trên chín tầng giời. Lúc di cư qua Việt Nam, chim khá nhút nhát. Đến khu vực sông Lục Nam qua địa phận Bắc Giang, đất lành chim đậu. Cuộc săn tìm xuyên ngày đêm của chúng tôi để “diện kiến” các cá thể chim quý hiếm này diễn ra hết sức hồi hộp, ly kỳ, trong tiết xuân lạnh giá của năm 2024. Có khi cả ngày chúng tôi chỉ tìm đường, cầu sang sông, có lúc chia thành toán “rình” hai bên đồng bãi ven bờ con sông thơ mộng. Đại bàng đầu nâu, rồi đại bàng đen, rồi cú lửa, tất cả chúng đều là chim săn mồi, nên chúng cực kỳ tinh ranh lão luyện. Chúng luôn chủ động theo dõi ngược lại chúng tôi một cách cực kỳ dễ dàng và láu lỉnh.
Bí ẩn những cánh đồng nhiều chim chóc ở Bắc Giang.
Bên cạnh các loài chim lớn, quý hiếm, nhiều loài chim nhỏ và giản dị hơn cũng tụ về miền Kinh Bắc cổ xưa, với các bãi sông tươi thắm, êm đềm, các cánh đồng ngập nước dồi dào thức ăn, các bến đỗ an toàn cho các loài: Te mào, manh, sơn ca, diều hen, diều trắng…
Xin được trích dẫn đoạn “nhật ký tìm chim” trên đất Bắc Giang của “Thánh chim” Toby Trung ở Bắc Giang để quý vị tiện hình dung:
Cánh chim này đã di cả chục nghìn cây số, từ Tây Tạng về Bắc Giang.
Tháng 1/2024, nghe tin con “đại bàng đầu nâu" về Bắc Giang là lên đường đi ngay. Mình tìm chim chứ chim nó không có chờ mình, đặc biệt đây là một loài di cư ngang qua rất hiếm gặp ở Việt Nam. Trong cơn mưa phùn lạnh thấu xương của mùa đông xứ Bắc, mình chạy suốt 2,5 ngày vì đường khó và mưa suốt ngày đêm (để từ một xã vùng sâu vùng xa của tỉnh Lào Cai về).
Mình đến đích (nơi có người thấy nó) tầm 12 giờ trưa, chạy khắp hết vùng sinh cảnh để nắm địa hình, đường đi lối về những khoảng nào khả thi cho một chú đại bàng đậu…
Quần thảo đến chiều tối không thấy gì, mình quyết định mai quay lại check (tìm kiếm) thêm vùng cù lao rộng hơn.
Cú lửa là một trong những loài chim dừng lại ở huyện Hiệp Hoà, trên hành trình di cư.
Sáng hôm sau mình phát hiện xác với đầu, chân, bộ lòng và đuôi một “em” chuột bên vệ đường, dấu còn khá mới... nhen nhóm hy vọng nó vẫn còn đây. Mình hỏi đường sang cù lao, trong lúc sang sông tranh thủ trò chuyện và nghe bà con kể, có loài chim to và săn mồi ác lắm, nó còn đi bắt cả bồ câu nuôi, vịt nuôi của bà con mà đánh chén! Lại càng thêm hy vọng…
Sang sông, tìm một gò đất cao mình leo lên scan (lia, quét tầm nhìn) 1 vòng 360 độ thì phát hiện xa 500 m có 1 con săn mồi to đang đậu trên mái của một ngôi mộ. Mình phóng lên xe tìm đường chạy qua đó, nhưng đi gần đến nơi, đưa ống nhòm lên nhìn thì nó bay từ khi nào.
Đang buồn tính bỏ về, khi quay xe ra tới bờ đê chuẩn bị theo đường bộ ra khỏi cù lao thì do thói quen, lại dừng lại và dùng ống nhòm scan cả khu cù lao.
Trên ven sông Lục Nam (Bắc Giang).
Ôi Giàng (trời) ơi! Hơn 1 km xa tít về hướng trụ điện có 1 con đại bàng, ở khoảng cách này mà còn thấy thì chỉ có thể nó... là IMPERIAL EAGLE (đại bàng đầu nâu, loài này đã được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế - IUCN - gồm 1,2 nghìn tổ chức thành viên đưa vào Danh sách đỏ là loài dễ bị tổn thương từ năm 1994, do bị mất môi trường sống, bị săn bắt, và suy giảm lượng con mồi - PV).
Không dám rời mắt, mình lên bờ đê phóng xe đến gần nó hơn, đến nơi thì nó đã lượn sang bên kia cù lao. Mình chạy ngược tới bến đò cũ và hối ông lái đò cho con sang sông... Hết 18 phút 30 giây cho con đò chở mình sang bên kia. Vừa lên bờ mình phi nhanh lên đê bắn vài tấm. Lúc nó lên view nhỏ như điểm nét nhưng cũng như xé toạc cảm xúc đè nén, hồn nhẹ vút lên cao, dâng trào hương mê khó tả.
Những hình sau là cố tiếp cận gần hơn nhưng thực tế cũng ngoài 250 m. Như một vị hoàng đế, nó không để ai tiếp cận gần hơn. Nó cao to oai vệ, đứng dưới đất to gần như một chú chó, lượn trên trời như gió thổi đổ cây. Đôi mắt sắc lẹm luôn quan sát mình từng phút giây".
Chim Te Mào và nhiều loài chim dễ thương khác về huyện Lục Nam sinh sống.
Và cuối cùng, Toby Trung chụp được hình ảnh chim đại bàng đầu nâu xuất hiện ở Việt Nam, cụ thể là ở Bắc Giang, trong niềm hân hoan của người “mộ điệu” cả nước. Tôi, người viết bài này, và nhiều chuyên gia, nhà báo, nhiếp ảnh gia cùng có mặt ở đôi bờ sông Lục Nam, nhiều người bay từ các tỉnh phía Nam ra, mở “đại hội” tìm chim trong một cảm xúc vô cùng khó tả…
Nhưng! Trong những ngày ở đó, đôi lúc chúng tôi gặp những kẻ vác súng săn xâm nhập các vùng chim quý đang về quần tụ. Đôi lúc, vài gã rủ chúng tôi có mua chim cú hay đại bàng về nhốt trong nhà mà chụp ảnh không. Bởi anh ta vẫn rình bẫy, bắt được các vị khách phương xa chưa quen thông thổ bất chấp quy định luật pháp đã nghiêm cấm điều này. Mong sao, chính quyền, cơ quan chức năng sớm vào cuộc ngăn chặn để Bắc Giang mùa tới và các năm sau nữa vẫn là bến bình yên của các loài chim hoang dã quý hiếmn
Tác giả Đỗ Doãn Hoàng.
Ý kiến bạn đọc (0)