Xây dựng chính sách phát triển nông nghiệp với tầm nhìn dài hạn
Thời gian qua, cùng với cơ chế chính sách của T.Ư, tỉnh đã chủ động ban hành nhiều cơ chế chính sách để cụ thể hoá định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp theo từng giai đoạn. Tỉnh định hướng từ phát triển “4 cây, 3 con”, sau đó là phát triển “5 cây, 3 con” đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp đa dạng cả trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản. Qua đó hướng tới hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn để phù hợp với trình độ, nhận thức của người dân nông thôn, cũng như giai đoạn phát triển kinh tế của tỉnh.
Thông qua các chính sách hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh, ngành Nông nghiệp có bước phát triển nhanh và toàn diện, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực. Quy mô giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đứng thứ nhất vùng Trung du miền núi phía Bắc, đứng thứ 4 miền Bắc. Trong tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn như: Vùng vải thiều hơn 29 nghìn ha, vùng lúa chất lượng khoảng 45 nghìn ha, vùng rau chế biến, rau an toàn hơn 12,6 nghìn ha... Một số sản phẩm chủ lực có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu như: Vải thiều, gà, mỹ Chũ…. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, năm 2008, thu nhập bình quân đầu người đạt 8,8 triệu đồng/người/năm, năm 2022 đạt 45 triệu đồng/người/năm, tăng 5,1 lần. Kết quả này đóng góp quan trọng vào sự ổn định và tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.
Nông dân xã Minh Đức (Việt Yên) thu hoạch thuỷ sản. Ảnh: Sỹ Quyết. |
Tuy nhiên, một số chính sách hỗ trợ đã ban hành còn dàn trải, thực hiện hiệu quả đạt thấp. Ví như chính sách đặc thù thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… Các chính sách chưa cập với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp thời gian tới. Nguồn lực ngân sách nhà nước bố trí để thực hiện các chính sách thấp. Nông nghiệp phát triển chưa bền vững, tăng trưởng có xu hướng chậm lại; năm 2020 tăng 6,7%, năm 2021 tăng 4,28%, năm 2022 tăng 2,08%.
Đặc biệt, việc tích tụ ruộng đất, cơ giới hoá trong nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Dư địa phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh dựa vào sản lượng không còn, khi nhiều nông sản, vật nuôi đã gần đạt trần; không gian phát triển sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp... Chính vì vậy Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã xác định “Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường” để mở ra không gian phát triển nông nghiệp.
Xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành nghề kinh tế khác ngày càng nhanh, năm 2008 khoảng 65% lao động làm trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, dự kiến năm 2025 còn khoảng 25,7%. Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đang là xu thế tất yếu, yêu cầu tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh cơ giới hoá, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí sản xuất là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Bắc Giang là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp rất lớn, hơn 160 nghìn ha, chiếm khoảng 41,2% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Tuy nhiên đóng góp của lĩnh vực lâm nghiệp cho phát triển kinh tế của tỉnh còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 5,4% cơ cấu giá trị sản xuất của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, chưa tương xứng với tiềm năng. Nghị quyết số 401-NQ/TU ngày 3/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 xác định “Phấn đấu đến năm 2030, Bắc Giang là tỉnh trọng điểm nông nghiệp quốc gia, đứng đầu miền Bắc”.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã và đang tác động trực tiếp vào sản xuất nông nghiệp, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đổi mới mô hình phát triển nông nghiệp phù hợp với tình hình mới. Vì vậy phát triển nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay rất cần đổi mới về cơ chế, chính sách. Đây là thời điểm phù hợp để xây dựng cơ chế chính sách tổng thể hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm khắc phục các hạn chế nêu trên và phù hợp với xu thế thời gian tới. Qua đó xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, dựa trên nền tảng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, kinh tế nông nghiệp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX của tỉnh đã xác định.
Cụ thể hoá định hướng trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tập trung rà soát, đánh giá hiệu quả, khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các cơ chế chính sách, đề án hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn thời gian qua. Hiện nay, Sở đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách “Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023 - 2026” theo hướng khắc phục tình trạng dàn trải, chuyển từ hỗ trợ trực tiếp sang kết hợp với hỗ trợ gián tiếp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực và địa bàn trọng điểm. Chính sách được ban hành sẽ tháo gỡ các nút thắt trong sản xuất nông nghiệp về hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng; tập trung đất đai; cơ giới hoá trong trồng trọt; cấp giấy chứng nhận sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, hữu cơ; giống lúa chất lượng; phát triển kinh tế rừng…
Ngọc Thọ
Ý kiến bạn đọc (0)