Tài sản “xanh"
BẮC GIANG - Để bảo đảm an toàn mùa mưa bão, thời điểm này, đơn vị chức năng thành phố Bắc Giang đang cắt tỉa cây xanh. Còn nhớ cơn bão số 3 năm ngoái với sức tàn phá rất lớn đã làm hàng nghìn cây xanh trên địa bàn thành phố bị đổ, gãy, thiệt hại không nhỏ khi phải tổ chức thu dọn, trồng phục hồi, ảnh hưởng lớn về cảnh quan bởi nhiều cây đang xanh tốt, cho bóng mát. Đến nay, cơ bản số cây đổ ngã đã được tái sinh, trổ lộc đâm chồi trở lại.
Hệ thống cây xanh đô thị đặc biệt có giá trị về cảnh quan, môi trường, được ví như “lá phổi xanh” của thành phố, nhất là khi mật độ dân cư đông, phương tiện giao thông cũng như mức độ bê tông hóa ngày càng tăng và thời tiết mùa hè nắng nóng gay gắt.
Chẳng thế mà mới đây, khi thành phố Hà Nội chủ trương cải tạo hệ thống cây xanh ở một số khu vực công cộng đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối của người dân và một số chuyên gia. Lý do là nếu không tính toán kỹ, việc phá bỏ hệ thống cây lâu năm, trồng mới và bê tông hóa, gạch hóa các đường phố, khuôn viên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan, môi trường thành phố.
Tại thành phố Bắc Giang, qua một số lần cải tạo hạ tầng, hệ thống cây xanh được quan tâm đầu tư trồng mới, cải tạo, chăm sóc, quản lý. Ngân sách thành phố và nguồn xã hội hóa đã dành nhiều tỷ đồng cho cây xanh. Một số khu vực cây xanh tương đối đồng bộ, tạo được điểm nhấn cảnh quan. Tuy vậy, quan sát thực tế cho thấy ở nhiều tuyến đường mặc dù mới được cải tạo song cây cũ và cây mới trồng đan xen nhiều loại, nhiều hình thù, kích cỡ khác nhau, thiếu đồng bộ.
Chất lượng cây xanh chưa thực sự bảo đảm nên khi trồng xuống nhiều chỗ cây chết không được thay thế kịp thời hoặc cây còi cọc, cằn cỗi, không phát triển. Có những khu vực hè phố bị bỏ trống cách quãng, khoảng cách giữa các cây không đều nhau. Một số chỗ cây trồng khá gần công trình dân cư, cửa hàng... Sau cơn bão số 3 năm ngoái, nhiều cây mới trồng được một vài năm bị bật gốc, mặc dù bên trên đã có chút tán lá song bộ rễ hầu như chưa phát triển khiến người dân lo ngại về độ an toàn.
Để có được một cây xanh đô thị tươi tốt, sâu rễ, bền gốc, an toàn, mang lại giá trị về cảnh quan, môi trường tốn kém không ít về chi phí, công sức và thời gian. Vì vậy đòi hỏi chất lượng cây giống, khâu thiết kế, kỹ thuật trồng, công tác chăm sóc, quản lý, giám sát chặt chẽ để tránh tốn kém, lãng phí. Có thể huy động sự tham gia của người dân vào công tác chăm sóc, bảo vệ cây xanh dưới sự hỗ trợ về chuyên môn của các doanh nghiệp, đơn vị chức năng.
Ý kiến bạn đọc (0)