Đua nhau bịa giá trên trời, người chơi lan khiến thị trường náo loạn
Thời gian gần đây, các cuộc mua bán, chuyển nhượng hoa lan bỗng trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng mạng khi liên tục niêm yết giá kỷ lục.
Đầu tiên phải kể đến giao dịch chậu lan Juliet với giá 83 tỷ đồng. Một thương vụ khiến giới chơi cây cảnh náo loạn, đứng ngồi không yên. Nhiều người đã đặt ra câu hỏi, liệu đây có phải là chiêu trò thổi giá, đánh bóng tên tuổi của một số nhà vườn hay là giá trị thật của sản phẩm.
Không thể tin nổi mức giá quá phi lý của cả người mua, người bán cùng nhau công bố. |
Chưa dừng ở đó, tiếp theo vài ngày, giới sinh vật cảnh cả nước lại được phen trầm trồ khi có thương vụ giao dịch lan đột biến lên tới 1.400 tỷ đồng. Đây là con số khiến nhiều người bán tín bán nghi, khi chiêu trò thổi giá ngày càng khủng khiếp. Một số ý kiến cho rằng, việc nâng khống giá trị sản phẩm đang làm nhiễu loạn thị trường. Nguy hiểm hơn, đây còn là hình thức biến tướng, cạnh tranh không lành mạnh trong môi trường kinh doanh.
Thương vụ giao dịch lan 83 tỷ đồng khiến cộng đồng mạng dậy sóng. |
Theo ông Vương Xuân Nguyên, Chánh Văn phòng Hội sinh vật cảnh Hà Nội, việc thổi giá các giao dịch lan đột biến gần đây đang gây ảnh hưởng xấu, làm méo mó thị trường. Không những thế, các thương vụ bất thường còn là nguyên nhân khiến mọi người hiểu sai về ngành sinh vật cảnh.
“Trên thực tế, có những giao dịch lan đột biến lên tới hàng tỷ đồng là chuyện thường. Nhưng để tăng giá đến vài trăm tỷ, vài nghìn tỷ thì phải xem xét lại. Bởi đây cũng có thể chiêu trò của các nhà vườn muốn lợi dụng truyền thông, mạng xã hội để đánh bóng tên tuổi”, ông Nguyên nói.
Theo ông Nguyên, việc thổi giá hoa lan là nguyên nhân khiến thị trường nhiễu loạn. |
Ông Nguyên cho biết, hiện nay, nhiều người trong giới chơi cây cảnh cũng rất bức xúc trước vấn đề thổi giá hoa lan. Bởi các hành động làm giá ảo, nâng khống giá trị đang làm mất đi tính ổn định, cân bằng của thị trường. Và nghiêm trọng hơn là gây ảnh hưởng đến những người trong cuộc, đặc biệt là các giao dịch, thương vụ về sau.
“Thị trường cây sôi động là điều đáng mừng nhưng sôi động mà đi chệch quỹ đạo, làm biến tướng bản chất thì lại là nỗi lo. Vì nó đe dọa trực tiếp đến lợi ích kinh tế của nhiều người làm sinh vật cảnh chân chính” – ông nói.
Chậu lan "Huyền thoại bướm đại ngàn" được hét giá 15 tỷ đồng. |
Ngoài ra, ông Nguyên cũng bày tỏ lo ngại về việc nâng khống giá lan, bởi nó có thể dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm cho nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế vĩ mô. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, các giao dịch hoa lan có thể biến tướng theo mô hình đa cấp hoặc rửa tiền của nhiều tổ chức, cá nhân.
“Nếu ngày hôm nay, người ta có thể đội giá lan lên 1 nghìn tỷ thì ngày mai, ngày kia chuyện tăng lên 2 – 3 nghìn tỷ là bình thường. Nếu nhìn kỹ, sự việc này chẳng khác gì hiện tượng bong bóng bất động sản hay huy động tiền ảo, đa cấp” – ông bày tỏ.
Thế nên, theo ông Nguyên, để ngăn chặn hành động thổi giá, nâng khống giá thì người chơi phải cực kỳ tỉnh táo trước các giao dịch bất thường. Đặc biệt là phải thẩm định thông tin, nhất là trên mạng xã hội, không tiếp tay, phát tán những điều còn nhiều nghi vấn.
Còn đối các cơ quan chức năng có thẩm quyền thì cần nhanh chóng vào cuộc, thanh tra, kiểm tra các giao dịch. Và đẩy mạnh, hoàn thiện các quy định về quản lý thông tin, kinh doanh trên mạng nhằm tránh bỏ lọt những sai phạm.
Theo báo Dân trí
Ý kiến bạn đọc (0)