Hiệp hội Du lịch tỉnh: Củng cố tổ chức, tăng cường kết nối, thúc đẩy hoạt động du lịch
BẮC GIANG - Sau hơn 10 năm thành lập, đến nay, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã có bước phát triển về tổ chức, là cầu nối giữa các đơn vị, doanh nghiệp (DN), cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch với cơ quan quản lý, ngành chức năng; thúc đẩy sự liên kết, hợp tác, hỗ trợ giữa các đơn vị hội viên.
Số chi hội, hội viên tăng
Từ khi thành lập đến nay, Hiệp hội Du lịch tỉnh Bắc Giang đã thực hiện các giải pháp củng cố tổ chức, phát triển hội viên, hỗ trợ hợp tác, kết nối góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng sôi động, hiệu quả.
Hiệp hội Du lịch tỉnh phối hợp tổ chức giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch tại các sự kiện trong và ngoài tỉnh. |
Năm 2019, Hiệp hội có 70 hội viên nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 khiến một số DN trong ngành du lịch không còn hoạt động nên số hội viên giảm nhiều. Để xây dựng tổ chức vững mạnh, khai thác tiềm năng du lịch địa phương, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã tích cực phối hợp vận động thành lập chi hội cơ sở, phát triển hội viên. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, Hiệp hội đổi mới hoạt động mang lại lợi ích cho các DN hội viên, thu hút nhiều đơn vị, cá nhân tham gia.
Hiệp hội Du lịch tỉnh hiện có 8 chi hội trực thuộc với 145 hội viên là các đơn vị, DN, cá nhân kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực du lịch của tỉnh - tăng gấp hai lần so với 5 năm trước. |
Trong năm 2024, Hiệp hội đã phối hợp vận động, thành lập 2 chi hội chuyên ngành và 2 chi hội địa phương. Đến nay, Hiệp hội có 8 chi hội trực thuộc với 145 hội viên là các đơn vị, DN, cá nhân kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực du lịch của tỉnh - tăng gấp đôi so với 5 năm trước. Trong đó có 3 chi hội du lịch chuyên ngành là: Lữ hành - vận tải; khách sạn - nhà hàng; hướng dẫn viên du lịch và 4 chi hội tại các huyện: Yên Dũng, Lục Nam, Hiệp Hòa và thị xã Việt Yên.
Thành lập đầu tiên, Chi hội Du lịch huyện Yên Dũng nhiều năm nay vẫn duy trì ổn định số lượng hội viên và hoạt động sôi nổi. Theo ông Trần Minh Đạm, Chi hội trưởng, các hội viên tích cực liên kết và hỗ trợ nhau trong xây dựng sản phẩm du lịch, các tour, tuyến, đưa đón và phục vụ du khách đi lại, tham quan, lưu trú tại tỉnh. Thời điểm dịch Covid-19 và cơn bão số 3, các hội viên kết hợp tổ chức nhiều hoạt động vì cộng đồng, hỗ trợ tình nguyện viên đến tham gia phòng, chống dịch, khắc phục thiệt hại do bão lũ...
Hiện Chi hội Hướng dẫn viên du lịch có đông hội viên nhất với 36 hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các khu, điểm du lịch, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh. Tham gia chi hội, hội viên thường xuyên được giao lưu, cập nhật kiến thức, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng để quảng bá, giới thiệu các điểm đến của tỉnh với khách tham quan. Đồng thời phối hợp, hỗ trợ nhau thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần thu hút du khách đến Bắc Giang.
Không chỉ phát triển hội viên ở những huyện, thị xã đã thành lập chi hội, Hiệp hội đang dần thu hút hội viên ở các huyện vùng cao: Sơn Động, Lục Ngạn, Yên Thế. Hiệp hội Du lịch tỉnh tạo mối đoàn kết, hợp tác giữa các DN, hội viên trong kinh doanh, xây dựng sản phẩm và tổ chức hoạt động du lịch.
Tăng cường kết nối, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch
Thời gian qua, Hiệp hội tích cực tham mưu, đề xuất, đóng góp xây dựng cơ chế, chính sách về lĩnh vực du lịch; mở rộng quan hệ hợp tác với hiệp hội các tỉnh, TP trong cả nước; phối hợp quảng bá, xúc tiến du lịch trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Trong đó, cử thành viên tham gia một số sự kiện văn hóa - du lịch trong nước và quốc tế tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia.
Ông Lưu Xuân San, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết, Hiệp hội đã hỗ trợ các DN thành viên trong tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, phát triển kinh doanh; cung cấp thông tin hữu ích, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho hội viên thông qua các diễn đàn, sinh hoạt chuyên môn. Tạo điều kiện cho hội viên tham gia các chương trình, hoạt động du lịch nhằm tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong công tác kinh doanh phát triển sản phẩm và quảng bá thương hiệu, hình ảnh của đơn vị.
Trong những thời điểm khó khăn như khi tỉnh bùng phát dịch Covid-19 và cơn bão số 3, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã phát huy vai trò cầu nối tăng cường liên kết giữa các hội viên lữ hành; khảo sát, xây dựng các tour, tuyến du lịch sinh thái trải nghiệm trong tỉnh, liên tỉnh. Đồng thời tư vấn cho các DN kinh doanh khách sạn chỉnh trang lại cơ sở lưu trú, đổi mới phương thức quản trị; hỗ trợ các đơn vị thúc đẩy chuyển đổi số để quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch.
Hiệp hội phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát, đánh giá về tiềm năng phát triển tour, tuyến du lịch tại các địa phương, qua đó giúp các DN xây dựng các tour, tuyến, khai thác các sản phẩm du lịch mới. Tiêu biểu là phối hợp với Công ty cổ phần Du lịch SGO Travel khảo sát một số di tích như chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, làng cổ Thổ Hà, Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Xương Giang, Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế để xây dựng, phát triển tuyến du lịch văn hóa Hà Nội - Bắc Giang và tour du lịch tâm linh - sinh thái “Hành trình theo dấu chân Phật Hoàng”.
Đối với lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhà hàng, Hiệp hội đã thúc đẩy các DN sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau để cùng phát triển. Với nỗ lực của các hội viên và sự hỗ trợ của Hiệp hội Du lịch tỉnh, các DN hội viên cơ bản hoạt động ổn định, góp phần thúc đẩy lĩnh vực du lịch của tỉnh ngày càng sôi động, hiệu quả. Năm 2024, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 2 nghìn tỷ đồng, tăng 38% so với năm trước.
Thời gian tới, Hiệp hội Du lịch tỉnh tiếp tục vận động phát triển hội viên, thành lập các chi hội chuyên ngành và địa phương. Tổ chức đa dạng hoạt động nhằm tạo sân chơi, tăng cường mối đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ trong kinh doanh du lịch, nhất là hỗ trợ DN trong công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu. Tăng cường hợp tác với hiệp hội các tỉnh, thành phố nhằm tạo điều kiện cho các DN liên kết đầu tư, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, trong đó tập trung xây dựng 4 sản phẩm chính của tỉnh là: Du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch vui chơi giải trí, thể thao (golf); du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn và các di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Hiệp hội tích cực phối hợp với ngành văn hóa - du lịch hỗ trợ DN nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ nhằm tăng sức cạnh tranh, từng bước xây dựng sản phẩm đặc trưng, điểm đến thân thiện, an toàn.
Ý kiến bạn đọc (0)