Điểm sáng phát huy sáng kiến trong học đường ở Hiệp Hòa
Nhiệt tình hưởng ứng
“Mặc dù còn ít tuổi song các em say mê tìm tòi, nghiên cứu tạo những mô hình, sản phẩm độc đáo, có tính khả thi. Đây là điều mà chúng tôi rất tự hào”, thầy giáo Giáp Xuân Duy, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Vân chia sẻ về phong trào sáng tạo KHKT của học sinh nhà trường như vậy.
![]() |
Thầy trò Trường THCS Hoàng Vân (Hiệp Hòa) trao đổi, thiết kế mô hình sáng tạo KHKT. |
Được biết, từ năm 2016 đến nay, năm nào trường cũng có 4 đến 5 sản phẩm xuất sắc được lựa chọn tham gia Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng (TTNNĐ) cấp huyện, hầu hết đều đoạt giải. Đáng chú ý, tại Cuộc thi này ở cấp tỉnh tổ chức tháng 7 - 2019, nhiều sản phẩm đoạt giải cao, điển hình như mô hình “Robot cảnh báo và hỗ trợ chữa cháy thông minh” của em Nguyễn Xuân Tú và Nguyễn Hải Dương (giải Nhì).
Robot có tính năng thông minh như kiểm tra thông số môi trường, tự động bật vòi phun tại chỗ. Người sử dụng có thể liên lạc, gửi hình ảnh, tin nhắn tới robot qua điện thoại…
Thầy giáo Trần Việt Thành, người từng hướng dẫn, giúp đỡ nhiều học sinh có mô hình, ý tưởng đoạt giải cao chia sẻ: "Trong giảng dạy, qua các giờ lý thuyết, thực hành, thấy các em có ý tưởng hay, tôi thường tư vấn để trò thực hiện. Có những sản phẩm khi thử nghiệm bộc lộ yếu kém do thiết kế chưa phù hợp, chỉnh sửa nhiều lần, thậm chí làm lại nhưng các em không nản".
Huyện Hiệp Hòa có 27 trường THCS, 32 trường tiểu học với hơn 35 nghìn học sinh. Những năm gần đây, phong trào sáng tạo KHKT diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo học sinh tham gia.
Hằng năm, căn cứ hướng dẫn của Ban Tổ chức Cuộc thi các cấp, UBND huyện giao Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chủ trì, phối hợp với Huyện đoàn, các cơ quan liên quan tham mưu, tổ chức Cuộc thi cấp huyện; ban hành hướng dẫn, thể lệ; xây dựng tiêu chí, triển khai tới các trường; thành lập Ban Giám khảo, lựa chọn sản phẩm dự thi cấp tỉnh.
Khích lệ sức sáng tạo
Ông Nguyễn Văn Thảo, Phó trưởng Phòng GDĐT huyện Hiệp Hòa cho biết: Để khuyến khích học sinh, đơn vị tham mưu với huyện khen thưởng tác giả, thầy, cô giáo hướng dẫn có sản phẩm đoạt giải. Mức thưởng của huyện từ 400 đến 800 nghìn đồng, phòng từ 160 đến 300 nghìn đồng, cao hơn học sinh giỏi văn hóa, đồng thời kèm giấy khen.
Giáo viên được cộng điểm thi đua khi xếp loại cuối năm. Nhiều trường tổ chức tuyên dương trước cờ, thưởng "nóng" các em đoạt giải nhằm khơi gợi niềm đam mê sáng tạo KHKT. Trường THCS thị trấn Thắng còn hỗ trợ kinh phí để học sinh mua nguyên liệu, phân công giáo viên có kinh nghiệm tư vấn, giúp đỡ; thành lập hội đồng góp ý sản phẩm trước khi dự thi cấp huyện, tỉnh, quốc gia. “Người thầy phải biết khơi gợi, truyền cảm hứng để các em đam mê nghiên cứu”, thầy giáo Nguyễn Văn Hùng, Phó Hiệu trưởng nhà trường tâm sự.
Ba năm trở lại đây, ở các cuộc thi cấp tỉnh, nhiều học sinh Hiệp Hòa được vinh danh. Ví như: Phần mềm “Thử trí thông minh”của Nguyễn Thế Văn, Dương Quang Thanh (THCS thị trấn Thắng) đoạt giải Nhất; “Robot hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện và người già trong gia đình” của Nguyễn Xuân Tú, Nguyễn Lương Chính, Nguyễn Minh Quân (THCS Hoàng Vân) đoạt giải Ba, giải Khuyến khích cấp quốc gia; “Hệ thống loa thông minh” của Bùi Minh Đức (THCS Danh Thắng) giành giải Ba.
Mới đây, phần mềm “Thiết kế chuỗi siêu thị online cung cấp nông sản an toàn cho các nhà nội trợ” của em Dương Quang Thanh (THCS thị trấn Thắng) đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tạo TTNNĐ cấp tỉnh. “Mục tiêu lớn nhất phần mềm là kết nối nông dân, nhà bán lẻ và người nội trợ”, em Dương Quang Thanh chia sẻ.
Trung bình mỗi năm, ngành giáo dục huyện có từ 40 đến 45 sản phẩm, mô hình đoạt giải cuộc thi cấp huyện, 8 đến 10 sản phẩm, mô hình đoạt giải cấp tỉnh. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, khuyến khích học sinh tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo KHKT ở nhiều lĩnh vực. Mặt khác, tham mưu với UBND huyện xem xét tăng mức thưởng mô hình, sản phẩm đoạt giải cao, góp phần khơi dậy niềm đam mê, lan tỏa sáng tạo KHKT trong ngành”, ông Nguyễn Văn Thảo nói.
Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)