Phát triển nghề truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
BẮC GIANG - Mặc dù có không ít khó khăn trong truyền dạy và làm nghề song đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn lưu giữ được các nghề truyền thống, thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng.
Nét văn hóa độc đáo
Nghề thêu của người Dao ở một số xã, thị trấn ở huyện Sơn Động có từ lâu đời. Trước kia, phụ nữ Dao học thêu từ nhỏ và tự thêu khăn, quần áo cho mình và người thân. Hoa văn thêu mang ý nghĩa sâu sắc, gắn liền với đời sống, tín ngưỡng, tập quán sản xuất nông nghiệp (hình lưỡi bừa) hay ước mong cuộc sống tốt lành (con đường, con chim, hoa 8 cánh, mặt trời, lá cây…). Tại thôn Tuấn Sơn (xã Tuấn Đạo), từ năm 2022, được sự hỗ trợ của UBND xã và các cấp hội phụ nữ trong huyện, thôn thành lập Câu lạc bộ Thêu trang phục dân tộc Dao.
![]() |
Thành viên câu lạc bộ thêu tại thôn Tuấn Sơn, xã Tuấn Đạo làm nghề. |
Hằng tuần, các thành viên tập trung ở nhà văn hóa truyền dạy và làm nghề. Khi sinh hoạt câu lạc bộ, các chị đều mặc trang phục dân tộc. Ngoài thêu quần áo, các thành viên còn thêu khăn, túi, ví… Nhờ thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm thêu nên sản phẩm ngày càng đẹp, tinh xảo, được nhiều người ưa chuộng.
Chị Đặng Thị Phương, Bí thư Chi bộ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết: “Làm nghề truyền thống giúp chị em tranh thủ thời gian, tăng thu nhập, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa. Từ 25 thành viên ban đầu, đến nay câu lạc bộ tăng lên 55 thành viên; đồng thời dạy nghề cho nhiều thanh thiếu niên địa phương. Chị em được hỗ trợ kinh phí mua sắm dụng cụ, nguyên liệu và kết nối quảng bá, tiêu thụ sản phẩm".
Toàn tỉnh hiện có hơn 257 nghìn người dân tộc thiểu số, trong đó phần lớn là người Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Cao Lan, Sán Chí và Dao, sinh sống chủ yếu tại 4 huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện đồng bào dân tộc còn lưu giữ được những nghề truyền thống đặc sắc như: Dệt thổ cẩm, may trang phục truyền thống, làm mũ, giấy dó, đan sung. Trong đó nghề dệt thổ cẩm của người Cao Lan ở xã Lục Sơn (Lục Nam) đã khôi phục gần 20 năm nay và được các nghệ nhân tích cực truyền nghề cho thế hệ trẻ. Bên cạnh lưu giữ kỹ thuật truyền thống, các nghệ nhân tìm tòi cải tiến, sáng tạo để sản phẩm đa dạng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Người Sán Chí ở xã Kiên Lao (thị xã Chũ) cũng tự hào vì duy trì được bản sắc dân tộc qua việc tự làm thủ công những chiếc sung (tay nải, túi…). Từ thân cây sắn dây rừng, bà con tước vỏ, lấy sợi trắng bên trong chà cho xoắn lại, phơi khô để đan những chiếc túi bền chắc. Đây không chỉ là vật dụng đựng đồ đạc mà còn được xem là trang sức của phụ nữ nên hiện nay, người làm nghề kỳ công thêu hoa văn nhiều sắc màu trên sung; khi khoác cùng bộ trang phục của người Sán Chí tạo nét độc đáo, riêng biệt.
Bên cạnh mang lại giá trị kinh tế, những sản phẩm của nghề truyền thống còn làm nên bản sắc, thể hiện sự khéo léo của con người nơi đây. Tại các lễ hội, sự kiện văn hóa, sản phẩm được giới thiệu đến du khách và được đánh giá cao.
Khôi phục nghề truyền thống
Đã có thời gian, một số nghề truyền thống đứng trước nguy cơ mai một. Người học và làm nghề ngày càng ít do thu nhập thấp; mẫu mã sản phẩm không đa dạng và chưa được quảng bá sâu rộng, thiếu sự gắn kết giữa sản xuất- tiêu thụ sản phẩm; việc truyền dạy nghề hạn chế. Những năm gần đây, các cấp chính quyền, ngành chức năng quan tâm đầu tư khôi phục các nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh và các huyện miền núi, vùng cao tổ chức hội thi trang phục truyền thống; trình diễn, giới thiệu nghề dệt, thêu, làm giấy dó tới Nhân dân, du khách. Nhiều lễ hội ở vùng dân tộc thiểu số được khôi phục, nhu cầu mặc trang phục truyền thống của đồng bào tăng mạnh nên nghề thêu, dệt, may trang phục có cơ hội phát triển, sản phẩm tiêu thụ thuận lợi.
Nhiều lễ hội của vùng dân tộc thiểu số được khôi phục, nhu cầu mặc trang phục truyền thống của đồng bào tăng mạnh nên nghề thêu, dệt, may trang phục có cơ hội phát triển, sản phẩm tiêu thụ thuận lợi. |
Theo ông Bàn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động), hằng năm, ngành chức năng tỉnh, huyện và một số tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí cho Câu lạc bộ thêu trang phục dân tộc Dao của thị trấn để trang bị dụng cụ, nguyên liệu và dạy nghề. UBND thị trấn đang tiếp tục phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện duy trì hoạt động của Câu lạc bộ, mở lớp truyền dạy nghề cho thanh thiếu niên và tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới du khách đến tham quan, khám phá Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử.
Nghề truyền thống được định hướng duy trì gắn với phát triển du lịch. Một số sản phẩm thêu, túi, ví được giới thiệu tại các điểm du lịch cộng đồng hoặc trong các lễ hội và được du khách yêu thích mua làm quà lưu niệm. Hơn chục năm nay, đồng bào dân tộc Cao Lan ở bản Khe Nghè, xã Lục Sơn (Lục Nam) cũng được các cấp chính quyền, ngành chức năng trong tỉnh hỗ trợ bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo, trong đó có nghề dệt thổ cẩm, làm giấy dó. Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch UBND xã Lục Sơn cho biết: Thực hiện dự án xây dựng điểm du lịch cộng đồng, tại xã đang xây dựng các ngôi nhà sàn phục vụ trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm đặc trưng, sản phẩm nghề truyền thống của địa phương, đồng thời trình diễn nghề dệt, làm giấy dó để du khách tìm hiểu, trải nghiệm
Được biết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ người làm nghề. Trong đó tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy hoạt động du lịch cộng đồng, đổi mới cách thức quảng bá sản phẩm. Khuyến khích người làm nghề cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để tiếp cận thị trường, tăng sức cạnh tranh, góp phần mang lại thu nhập, cải thiện cuộc sống cho Nhân dân.
Ý kiến bạn đọc (0)