Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ: Đưa phong trào đi vào thực chất
Mô hình nhiều, hiệu quả chưa cao
Theo thống kê của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ, gọi chung là BCĐ tỉnh), 6 tháng đầu năm nay, các địa phương xây dựng mới 241 mô hình quần chúng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở, nâng tổng số mô hình đang hoạt động trong toàn tỉnh lên gần 3,7 nghìn.
![]() |
Công an thị trấn Bố Hạ (Yên Thế) gặp gỡ, nắm bắt tình hình an ninh trật tự tại tổ dân phố Tân Tiến. |
Tuy nhiên, qua đánh giá, dù số mô hình nhiều song chất lượng, hiệu quả chưa cao, nhiều mô hình hoạt động hình thức, không có hồ sơ. Tại nhiều địa phương, người dân chưa nhiệt tình, còn e dè, ít cung cấp tin báo, tố giác tội phạm do sợ liên lụy, sợ bị đối tượng trả thù; nhiều người coi nhiệm vụ bảo đảm ANTT là của chính quyền và công an nên không tích cực tham gia hỗ trợ bắt giữ tội phạm.
Thượng tá Thân Văn Hải, Phó Giám đốc Công an tỉnh nhìn nhận: Nguyên nhân một phần do chưa có cơ chế động viên, khen thưởng mô hình tốt, đồng thời xử lý đơn vị, địa phương có phong trào yếu, không đạt tiêu chuẩn an toàn về ANTT. Tại một số địa phương, do không có hoặc thiếu kinh phí hoạt động, không gắn được vai trò của các cấp, ngành, nhất là người đứng đầu nên dẫn đến mô hình “chết yểu”.
Do không duy trì hiệu quả hoạt động của các mô hình nên nhiều mục tiêu, chỉ tiêu các địa phương đề ra khó thực hiện. Tại Hiệp Hòa, năm 2018, BCĐ huyện lựa chọn, đăng ký chuyển hóa 3 địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội gồm: Thị trấn Thắng, xã Bắc Lý, Mai Đình.
Do chưa thu hút được đông đảo nhân dân tham gia nên tình hình ANTT tại ba địa phương này còn tiềm ẩn phức tạp, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích vẫn xảy ra nên không hoàn thành được việc chuyển hóa địa bàn. Ở huyện Yên Thế, 6 tháng đầu năm, BCĐ huyện cũng phải thanh loại 53/116 mô hình do hoạt động không hiệu quả.
Đại úy Nguyễn Xuân Cường, Đội trưởng Đội xây dựng phong trào bảo vệ ANTQ (Công an huyện) cho rằng: “Địa bàn miền núi rộng, trong khi quân số ít nên việc bám cơ sở để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, duy trì các mô hình chưa thường xuyên. Nhiều mô hình được thành lập song không có hoạt động cụ thể, không thu hút được người dân tham gia nên khó duy trì”.
Tạo sự lan tỏa cho phong trào
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, đưa phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ lên tầm cao mới, ngày 14/7, UBND tỉnh ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, giai đoạn 2020-2025”. Điểm nhấn đáng chú ý của Đề án là huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, trong đó đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; vai trò của tổ dân phố, khu dân cư, tổ liên gia.
Lực lượng công an từ tỉnh tới cơ sở là nòng cốt, chủ động nắm tình hình, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về ANTT; tập trung phòng ngừa, phát hiện đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, nhất là các loại tội phạm nguy hiểm, gây bức xúc trong nhân dân.
Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025: - 90% khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường có mô hình tổ chức làm nhiệm vụ bảo đảm ANTT ở cơ sở, trong đó 100% địa bàn tiềm ẩn phức tạp phải có mô hình hoạt động hiệu quả; - Có từ 20-30% số hộ ở nông thôn, hơn 50% số hộ ở thành thị lắp đặt camera an ninh; -100% tin báo, tố giác tội phạm được thụ lý, giải quyết. |
Ông Lương Quang Bẩy, Tổ trưởng Tổ dân phố Tân Tiến, thị trấn Bố Hạ (Yên Thế) nói: “Từ địa bàn phức tạp về ANTT, nhất là tệ nạn ma túy, trộm cắp tài sản, sau hơn hai năm thành lập mô hình cụm dân cư tự quản, tình hình địa bàn có nhiều chuyển biến, nạn trộm cắp vặt đã không còn; ma túy đã giảm đáng kể. Đề án được triển khai, chúng tôi sẽ nhận được nhiều hơn sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền, ngành chức năng, đưa phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ tại địa phương lên tầm cao mới".
Để phong trào được lan tỏa, hiệu quả thiết thực, ngay sau khi Đề án được ban hành, Công an các huyện, TP đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, giải pháp đổi mới theo hướng “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải” phù hợp với đặc điểm tình hình, tính chất của từng địa bàn, đối tượng. Các địa phương kiện toàn BCĐ cấp huyện, trong đó Chủ tịch UBND các huyện, TP làm Trưởng ban.
Công an huyện, TP yêu cầu Đội xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, công an các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động của các mô hình, tổ liên gia tự quản. Nếu địa phương, đơn vị nào để các mô hình không phát huy hiệu quả, cán bộ phụ trách địa bàn phải chịu trách nhiệm. Đặc biệt, các địa phương có kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ cho thành viên các tổ tự quản; thường xuyên khảo sát, đánh giá kết quả hoạt động kết hợp với sơ kết, tổng kết, đề xuất biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu.
Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)