Đá vùng Yên Thế chênh vênh chẳng mòn
Đi dọc thị trấn Cầu Gồ, nay là Phồn Xương, tôi liên tưởng tới những bước chân của nhà văn Nguyên Hồng một thuở đã lầm lũi trong những ngày dài kháng chiến. Ông trò chuyện với linh hồn Hoàng Hoa Thám quanh đây. Hai người đều có cái kỳ lạ, gân bướng và ngang tàng giống nhau. Người thì cầm súng. Người lại cầm bút. Hai nhân vật ở hai thuở khác nhau nhưng đã có mối linh cảm trực giác thật kỳ lạ. Biết bao câu chuyện của họ luôn văng vẳng đâu đây. Những trang văn của “Núi rừng Yên Thế” đã hình thành với sự cần cù và mãnh liệt của nhà văn Nguyên Hồng như thế. Ông cặm cụi với từng con chữ dưới ánh đèn dầu trên đồi cao lộng gió. Một cuộc đời ngang dọc viết về người anh hùng cái thế như một mãnh hổ Phồn Xương (Hùm thiêng Yên Thế).
Lễ hội Yên Thế được tổ chức vào giữa tháng Ba Dương lịch hằng năm cũng là để tưởng nhớ người anh hùng Đề Thám và nghĩa quân. Dường như đã hơn bốn mươi năm trước, ông Đốc Hồng (biệt danh của nhà văn Nguyên Hồng) rơi những giọt nước mắt khóc than về nỗi sa cơ của Hoàng Hoa Thám. Và ông nghe từ đâu đó lời tế lễ linh thiêng dội về. Nỗi niềm như sấm dậy: “Hồn về cõi xa xăm bi tráng. Đầu ta rơi vì kẻ đớn hèn. Máu nhuộm đỏ sa cơ thất thế. Ngạo nghễ cười lộng gió Phồn Xương”.
Lễ hội Yên Thế luôn ngợp tiếng trống, chiêng rộn rã trong cờ bay và rừng hoa ngát hương quanh tượng đài Anh hùng Hoàng Hoa Thám. Tôi không ít lần hòa mình trong không gian lễ hội. Thị trấn Phồn Xương luôn sôi động với những chuyến xe xuôi ngược về phía Tây Bắc núi rừng: “Ba mươi năm khắp núi rừng. Danh ông Đề Thám vang lừng trời Nam”. Cuộc khởi nghĩa chống giặc Pháp của Hoàng Hoa Thám kéo dài từ năm 1884 tới 1913 đã tạo nên tượng đài lịch sử cho vùng đất Yên Thế. Mãi mãi lịch sử vẫn còn ghi và được truyền trong nhân gian: “Cỏ vùng Bãi Sậy còn xanh. Đá vùng Yên Thế chênh vênh chẳng mòn”. Nhà văn Nguyên Hồng đã từng reo vang trong những trang văn đẫm chất sử thi và bi hùng theo tháng năm “Yên Thế ơi! Bất tử”.
Lễ tế trước tượng đài Anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám (Yên Thế). Ảnh: Tiến Đạt. |
Vùng đất Phồn Xương - Bố Hạ không chỉ vang danh với “Hùm thiêng Yên Thế” mà còn những điều thú vị khác. Nhà văn Nguyên Hồng đã từng viết: “Bát ngát Nhã Nam đôi mùa lúa chín. Bố Hạ cam vàng chíu chít. Đường xa mở hội sim mua” (Hoàng Hoa Thám quê xưa). Đúng là trước năm 1945, thị trấn Nhã Nam thuộc Yên Thế. Vậy nên trong số hơn hai chục di tích về cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám có đến gần một nửa thuộc về Tân Yên (xưa là Yên Thế Hạ). Và chính trên đất Nhã Nam vẫn còn nền một đồn binh Pháp đóng quân. Vùng đất Yên Thế kéo dài sát tới Thái Nguyên gần An toàn khu. Và đồi Văn hóa kháng chiến ở thôn Cầu Đen, xã Quang Tiến (Tân Yên) - nơi nhà văn Nguyên Hồng cùng các văn nghệ sĩ về ở và hoạt động cách mạng (1947 - 1954) cũng được coi là an toàn khu.
Những ký ức nơi đây luôn gắn bó với lịch sử dân tộc trong công cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ sau này. Trong bài thơ “Phá đường” của Tố Hữu có câu: “Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế. Gió qua rừng đèo Khế gió sang. Em là con gái Bắc Giang. Rét thì mặc rét nước làng em lo”. Đây là hình ảnh những cô gái Bắc Giang ở các vùng Hiệp Hòa, Yên Thế và Tân Yên đã cùng đồng đội tham gia phá đường ngăn quân Pháp đánh lên An toàn khu kháng chiến tại Thái Nguyên.
Đồng thời tiếp nối cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám, người Yên Thế đã tham gia chín năm kháng chiến chống Pháp và giai đoạn chống Mỹ cứu nước với ý chí quật cường. Hàng nghìn thanh niên lên đường trong không khí “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Sau công cuộc chiến đấu và chiến thắng trở về, lực lượng vũ trang huyện Yên Thế và xã Tam Tiến được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhà thơ Tạ Hữu Yên từng về đây dự lễ hội và đã viết nên những câu thơ nồng nàn cảm xúc: “Nơi đây sáng chói lòng dân. Lửa từ thời ấy âm thầm vẫn nhen. Đường về Yên Thế đường quen. Vẳng nghe trống trận người chen chân người” (Đường về Yên Thế).
Điều thú vị trong các lễ hội ở Yên Thế là hình ảnh các chàng trai, cô gái các dân tộc về hát, giao duyên. Vào lễ hội có những đội văn nghệ trên bản Ven, vùng trà đặc sản đã chuẩn bị với những tiết mục Sình Ca. Đó là những giai điệu tình yêu đối đáp rất thú vị mà tôi đã được nghe: “Gặp em, không biết em đã có người tình hay chưa. Nếu đã có người tình rồi thì chúc em đẹp duyên đôi lứa. Nếu chưa có người tình thì đừng có trách anh…”. Hương cốm non trà bản Ven bay lên thơm ngát cả câu ví tình yêu. Nghe như trống hội đâu đây vang dội khắp nơi. Núi rừng Yên Thế rực rỡ những nhành hoa xuân rung rinh bên dòng suối trong veo.
Vương Tâm
Ý kiến bạn đọc (0)