Yên Thế: Xã hội hóa tôn tạo di tích
Doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hảo tâm chung tay
Đình Bo Chợ, xã Đông Sơn được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Trải qua hơn 300 năm, nay phần kết cấu gỗ bị mục khiến mái đình bị sập. Tháng 4/2021, huyện làm các thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền cho tu bổ, tôn tạo với kinh phí gần 4,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 3 tỷ đồng, còn lại huy động nhân dân, các nhà hảo tâm đóng góp. Vì dịch Covid-19 bùng phát nên việc thi công phải tạm dừng. Từ tháng 9/2022, địa phương tiếp tục tu bổ.
Di tích lịch sử - văn hóa chùa Dĩnh Thép vừa được tu bổ, tôn tạo. |
Theo ông Lưu Cẩm Tiên, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Sơn, cuộc sống nhân dân trong xã còn nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 24%, việc vận động, quyên góp ủng hộ 1,5 tỷ đồng để tu bổ đình là điều không đơn giản. Đảng ủy, chính quyền xã đã thành lập ban vận động xây dựng đình; chỉ đạo các thôn tổ chức họp dân về chủ trương tu bổ, tôn tạo di tích.
Các hộ ủng hộ nhiều được biểu dương. UBND xã và các thôn gửi thư ngỏ tới con em công tác, làm ăn xa quê có điều kiện kinh tế khá công đức xây dựng đình. Hiện nay, các nhà hảo tâm, nhân dân vẫn đang tích cực ủng hộ. Dự kiến, cuối tháng 12 năm nay, công trình hoàn thành.
Thôn Bo Chợ thành lập ban vận động quyên góp tu bổ với 34 người tham gia, tổ giám sát cộng đồng gồm 14 thành viên. "Trong quá trình tu bổ các hạng mục, tổ giám sát cử người thường xuyên nắm bắt từ việc mua vật liệu đến thi công, hoàn thiện, bảo đảm đúng thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt", Bí thư Chi bộ Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn Bo Chợ nói.
Tại xã Tân Hiệp, chùa Dĩnh Thép - di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh cũng vừa được tu bổ, tôn tạo. Trước đây, ngôi chùa có nhiều hạng mục xuống cấp. Tháng 4/2021, cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương đã thống nhất chủ trương tu bổ các hạng mục chính, kinh phí gần 1,7 tỷ đồng. Sau thời gian ngắn phát động, nhân dân, các nhà hảo tâm đã ủng hộ hơn 1,2 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp chia sẻ: Ngoài nhân dân địa phương, UBND xã vận động các doanh nghiệp (DN) ở nhiều nơi. Nhiều DN ủng hộ từ 20-50 triệu đồng. Đồng thời tuyên truyền qua các hội nghị, cuộc giao ban của Đảng ủy, UBND, các ban, ngành, đoàn thể. UBND xã lập tài khoản công khai tại ngân hàng để các tổ chức, cá nhân trực tiếp ủng hộ. Dự kiến năm 2023, đình Dĩnh Thép thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế sẽ được tu bổ, tôn tạo, kinh phí gần 2 tỷ đồng.
Thúc đẩy phát triển du lịch
Trên địa bàn huyện Yên Thế có 44 di tích được Nhà nước xếp hạng, trong đó có 9 điểm thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế, 6 di tích quốc gia, còn lại là di tích cấp tỉnh. Trải qua năm tháng, nhiều di tích bị xuống cấp cần được tu bổ để bảo đảm an toàn cho người dân cũng như các di vật, cổ vật.
Từ năm 2017 đến nay, toàn huyện đã tu bổ 14 di tích, kinh phí hơn 22 tỷ đồng, trong đó, khoảng 60% huy động từ nguồn đóng góp của nhân dân, nhà hảo tâm, DN, tổ chức. |
Từ năm 2017 đến nay, toàn huyện đã tu bổ 14 di tích, kinh phí hơn 22 tỷ đồng, trong đó, khoảng 60% huy động từ nguồn đóng góp của nhân dân, nhà hảo tâm, DN, tổ chức. Nhìn chung, các di tích được tu bổ, tôn tạo bảo đảm đúng thiết kế, tính nguyên gốc.
Ông Thân Minh Sâm, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Từ năm 2021 đến nay, ngoài kinh phí hỗ trợ của tỉnh, sự đóng góp của địa phương nơi có di tích, UBND huyện cân đối, bố trí hỗ trợ, tùy theo quy mô tu bổ, tôn tạo và khả năng huy động nguồn tài chính của từng nơi. Trong đó, ưu tiên các di tích có giá trị tiêu biểu về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và di tích có tiềm năng phát triển du lịch.
Năm 2022, huyện Yên Thế có 4 di tích có quyết định phân bổ hỗ trợ với kinh phí khoảng 12 tỷ đồng, gồm động Thiên Thai, xã Hồng Kỳ; chùa Thông, xã Đồng Lạc; đình Dĩnh Thép, xã Tân Hiệp; đình Bo Chợ, xã Đông Sơn. Đây là những di tích có mức đầu tư lớn, huy động nhiều nguồn lực (mỗi điểm di tích từ 3-4,5 tỷ đồng). Một số di tích đang triển khai tu bổ.
Dù kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa của huyện chưa phải là lớn song đó là sự nỗ lực trong điều kiện kinh tế của nhiều xã còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp. Năm nay, UBND huyện đăng ký với UBND tỉnh huy động theo hình thức xã hội hóa kinh phí xây dựng đền thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân ở trung tâm khu di tích khởi nghĩa Yên Thế, dự kiến tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Hiện có nhiều nhà hảo đăng ký ủng hộ.
Theo kế hoạch phát triển du lịch huyện Yên Thế giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, huyện Yên Thế tiếp tục đầu tư tu bổ một số hạng mục công trình tại Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám, đồn Phồn Xương, đền Thề, xây mới đền thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế; các hạng mục công trình tại Di tích đền Hố Chuối, động Thiên Thai, chùa Bố Hạ, chùa Lèo; đình, chùa Hương Vỹ; quy hoạch điểm Di tích đồi Bia, xã An Thượng; Khu di tích lịch sử văn hóa đền Giếng Sấu, xã Xuân Lương gắn với phát triển du lịch Xuân Lung-Thác Ngà.
Bài học kinh nghiệm được cấp ủy, chính quyền của huyện, các xã, thị trấn rút ra, đó là mọi chủ trương, kế hoạch xây dựng tu bổ, tôn tạo công khai, minh bạch theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát". Xây dựng kế hoạch, triển khai cần thực hiện đồng bộ, thống nhất từ cấp ủy, chính quyền đến tổ chức, đoàn thể và được nhân dân đồng thuận.
Đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của việc tu bổ, tôn tạo, từ đó tự nguyện hưởng ứng, tạo thành phong trào, có sức lan tỏa rộng rãi. Phát huy tốt vai trò của ban vận động, tổ giám sát, quản lý ở cơ sở, sử dụng hiệu quả các công trình.
Bài, ảnh: Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)