Chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản ngân hàng: Giao chỉ tiêu, gắn trách nhiệm
BẮC GIANG - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh về việc đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH), thời gian qua, các ngành, địa phương, đơn vị liên quan đã vào cuộc quyết liệt. Từ vị trí thấp nhất cả nước, tỉnh Bắc Giang vươn lên tốp đầu toàn quốc, hoàn thành vượt chỉ tiêu Chính phủ giao.
Đến từng thôn, xóm vận động
Ngày 1/11 vừa qua, bà Dương Thị Thắng, 62 tuổi, cán bộ hưu ở xã Yên Mỹ (Lạng Giang) lần đầu tiên nhận chi trả lương hưu qua tài khoản ngân hàng. Trước đó, hằng tháng, bà thường đến bưu điện để lĩnh tiền mặt. Cách đây vài tuần, được cán bộ xã, thôn đến tận nhà tuyên truyền về tiện ích khi nhận lương hưu qua tài khoản, bà đã đăng ký. "Từ nay trở đi, tôi không phải ra bưu điện để xếp sổ chờ đợi. Khi cần giao dịch, chuyển tiền cho ai ở xa, tôi chỉ cần thực hiện vài thao tác rất thuận tiện", bà Thắng nói.
Cán bộ ngân hàng hướng dẫn người dân TP Bắc Giang làm thủ tục nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản. |
Thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện, trong đó có việc đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt đối với người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH. Tuy nhiên, qua thống kê, thời điểm giữa tháng 9/2024, tổng số người nhận lương hưu qua tài khoản của tỉnh Bắc Giang là 8.936/55.850 người, đạt 16% (thấp nhất cả nước). Trước thực tế này, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương thực hiện đồng bộ giải pháp nhằm tăng tỷ lệ người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản, gắn trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân trong quá trình thực hiện.
Phát huy vai trò cơ quan thường trực Tổ Đề án 06 của tỉnh (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang), Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, huy động sự tham gia của các cấp, ngành, địa phương. Cụ thể như giao chỉ tiêu cho các đơn vị, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đối tượng mở tài khoản ngân hàng, nhận chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản; hỗ trợ rà soát thông tin bảo đảm tính chính xác của dữ liệu người hưởng...
Theo Đại tá Thân Văn Duy, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Tổ phó Tổ Đề án 06 của tỉnh, tháng 9/2024, Công an tỉnh và BHXH tỉnh ban hành Kế hoạch phối hợp về triển khai TTKDTM trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngành Công an, BHXH cùng UBND các cấp, tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn, bưu điện, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ người dân khi gặp khó khăn, vướng mắc.
Tại TP Bắc Giang, đến ngày 17/9/2024 có 3.500/14.996 người nhận lương hưu và trợ cấp BHXH qua tài khoản, chiếm 23,3%, còn 11.496 người chưa đăng ký. Ông Nguyễn Hữu Đính, Phó Chủ tịch UBND TP Bắc Giang cho biết, TP chỉ đạo UBND các phường, xã tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức. Tổ Đề án 06 cấp xã; các tổ dân phố, tổ dân vận cộng đồng, đoàn thể phối hợp chặt chẽ, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Đến ngày 17/11, TP đã vận động được 10.556 người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản, đạt tỷ lệ 91,8%.
Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân
Theo các cơ quan chức năng, phương thức chi trả lương hưu và các chế độ BHXH qua tài khoản ngân hàng là cần thiết, phù hợp với xu thế. Thay vì nhận lương hưu, trợ cấp BHXH trực tiếp tại các điểm chi trả, nhiều người đăng ký nhận qua tài khoản cá nhân. Đây là cách thức bảo đảm an toàn, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Ở một số huyện miền núi như: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, công tác tuyên truyền, vận động cũng được các cấp, ngành đẩy mạnh. Tại Yên Thế, Tổ công tác Đề án 06 của huyện đề nghị các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các xã, thị trấn chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; phấn đấu đến hết năm 2024 hoàn thành 100% các trường hợp nhận lương hưu, trợ cấp BHXH được chi trả qua tài khoản ngân hàng. Bố trí, phân công cán bộ đến các điểm chi trả tiền mặt hằng tháng, bảo đảm ở mỗi điểm có cán bộ công an, BHXH, bưu điện và tổ công nghệ số cộng đồng nhằm vận động, hướng dẫn người dân. Tính đến ngày 25/10, toàn huyện đã vận động 2.758/3.691 trường hợp nhận lương hưu, trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt, đạt 75%, tăng hơn 60% so với tháng trước đó.
Sau 2 tháng vào cuộc quyết liệt, đến ngày 17/11, toàn tỉnh vận động được 50.771 người đăng ký chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản, đạt 90,81%. Bắc Giang là địa phương đứng trong tốp đầu toàn quốc, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. Một số huyện đạt tỷ lệ cao như: Sơn Động (100%), Lục Ngạn (98,84%), Yên Dũng (95%)…
Sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương thời gian qua về thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản ngân hàng rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hiện Bắc Giang vẫn còn hơn 5 nghìn người (khoảng gần 10%) chưa đăng ký. Nguyên nhân chính là do cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở một số nơi chưa thực sự vào cuộc tích cực. Nhiều người cao tuổi vốn đã quen với hình thức nhận tiền mặt nên ngại thay đổi; sử dụng thiết bị công nghệ còn bỡ ngỡ.
Mặc dù quá trình triển khai còn có những khó khăn, vướng mắc song các ngành, địa phương, đơn vị liên quan đang nỗ lực tháo gỡ, trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thao tác kỹ thuật về công nghệ, phấn đấu nâng tỷ lệ người đăng ký nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản ngân hàng đạt 100% vào tháng 12 năm nay. Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục chỉ đạo, phân công cán bộ phụ trách theo địa bàn, xây dựng nội dung tuyên truyền, phối hợp với ngành Công an, Bưu điện, các ngân hàng thương mại, UBND các xã, phường, thị trấn vận động người dân đăng ký nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản. Yêu cầu các bộ phận liên quan tăng cường cập nhật thông tin lên phần mềm BHXH bảo đảm theo quy định…
Hiện nay ở nhiều nơi, nhất là khu vực nông thôn, miền núi còn thiếu các máy rút tiền tự động, bà con ở xa khu vực trung tâm huyện, xã khó tiếp cận để rút tiền mặt. Do vậy, nhiều ý kiến đề nghị các ngân hàng thương mại lắp đặt thêm máy rút tiền ở một số khu vực. Đối với những trường hợp vì lý do đặc biệt, cơ quan chức năng cần linh hoạt thực hiện các hình thức chi trả phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người được hưởng lương hưu, trợ cấp.
Ý kiến bạn đọc (0)