Quần thể di tích đình, đền, chùa Tiên Lục được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt
BẮC GIANG - Ngày 26/11/2024, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1473/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 16) đối với 6 di tích. Trong số này có di tích kiến trúc nghệ thuật quần thể di tích đình, đền, chùa Tiên Lục, huyện Lạng Giang (Bắc Giang).
Quần thể di tích đình, đền, chùa Tiên Lục gồm các công trình kiến trúc nghệ thuật: Chùa Phúc Quang, đền Tiên Lục, đình Thuận Hòa, đình Viễn Sơn và cây Dã hương. Nơi đây là trung tâm sinh hoạt văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân vùng Tiên Lục.
Ngoài dấu ấn Phật giáo hiện hữu tại chùa Phúc Quang, quần thể di tích đình, đền, chùa Tiên Lục còn là nơi tôn thờ các vị thành hoàng đã có công bảo vệ sự bình yên cho quê hương, đất nước là: Thần Cao Sơn, Quý Minh Đại vương, Linh ứng Quốc chúa Đô mộc Dã Đại vương, Linh ứng Quốc chúa Đô mộc Dã Đại vương Đương Giang Đô thống.
Lễ rước tại lễ hội Tiên Lục. |
Căn cứ các nguồn tư liệu lịch sử, tư liệu Hán - Nôm cho thấy, các công trình trong quần thể di tích được xây dựng từ lâu đời, trùng tu, tôn tạo vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII). Đây là danh lam cổ tự nổi tiếng trong vùng, không chỉ có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học mà còn có giá trị nổi bật về kiến trúc nghệ thuật. Hiện các công trình vẫn được bảo lưu tương đối nguyên vẹn kiến trúc, hình dáng và các mảng chạm khắc trang trí trên cấu kiện kiến trúc với nhiều chủ đề độc đáo, tinh xảo, phong phú, có giá trị nghệ thuật cao như: Rồng ổ, rồng lớn, hình con thú, tiên nữ cưỡi rồng, cảnh đấu vật...
Tại đây có cây Dã hương được vua Lê Cảnh Hưng phong sắc là “Quốc chúa Đô mộc Dã Đại vương” - cây Dã hương to đẹp nhất nước. Cây Dã hương có tuổi đời hàng nghìn năm, hiếm có trên thế giới, là biểu tượng linh thiêng trong không gian văn hóa Việt.
Khách du lịch tham quan cây Dã hương. |
Quần thể di tích còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có lễ hội Tiên Lục. Trước kia, sự kiện diễn ra vào ngày 8, 9 tháng Giêng hằng năm, nay chuyển sang tổ chức vào ngày 18, 19, 20 tháng Ba âm lịch.
Lễ hội được nhân dân địa phương bảo tồn gần như nguyên vẹn với các nghi lễ: Rước, tế, không gian diễn ra lễ hội, trò chơi dân gian. Nổi bật là lễ rước nước, rước kiệu, tục xếp chữ, trò chơi cướp cầu độc đáo thể hiện tài trí, sự khéo léo của người dân và ước nguyện về cuộc sống thái bình, ấm no, hạnh phúc. Lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Tại các di tích còn có hệ thống tượng Phật cổ và nhiều di vật, cổ vật có giá trị. Tiêu biểu như trong chùa Phúc Quang lưu giữ gần 100 pho tượng Phật phần lớn từ thời Nguyễn (thế kỷ XIX-XX) như bộ tượng Tam Thế Phật, tượng A Di Đà, tượng Thích Ca Niên hoa, tòa Cửu Long, tượng Ngọc Hoàng… Cùng đó, hệ thống bát hương gốm và sứ cổ niên đại thời Nguyễn (thế kỷ XIX), bộ kiệu bát cống, bát bửu đều có niên đại thời Lê còn lưu giữ ở các đình, đền.
Không chỉ vào dịp lễ hội, quần thể di tích thường xuyên thu hút nhiều nhà khoa học, khách du lịch đến tham quan, chiêm bái, tìm hiểu. Năm 2020, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành quyết định công nhận điểm du lịch - cụm di tích cây Dã hương, đình, đền, chùa xã Tiên Lục.
Nhằm tôn vinh những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng quần thể di tích đình, đền, chùa Tiên Lục là Di tích quốc gia đặc biệt. Qua đây tạo điều kiện để ngành văn hóa, huyện Lạng Giang và xã Tiên Lục tăng cường thực hiện các giải pháp bảo vệ, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch.
Một số hình ảnh về Di tích quốc gia đặc biệt quần thể di tích đình, đền, chùa Tiên Lục:
Đình Thuận Hòa. |
Nghệ thuật chạm khắc độc đáo tại đình Viễn Sơn. |
Hệ thống tượng Phật tại chùa Phúc Quang. |
Lễ rước tại lễ hội. |
Phần xếp chữ "Thiên" tại lễ hội Tiên Lục. |
Trò chơi cướp cầu độc đáo. |
Du khách chụp ảnh bên cây Dã hương. |
Ý kiến bạn đọc (0)