Tân Yên: Tăng diện tích ứng dụng công nghệ cao, nâng chất lượng quả vải xuất khẩu
BẮC GIANG - Khai thác lợi thế địa hình trung du, cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và người dân huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã tập trung phát triển vùng cây ăn quả. Những năm gần đây, quả vải tươi của Tân Yên được thị trường đánh giá có chất lượng vượt trội, bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc và tiếp tục được người tiêu dùng trong nước, nước ngoài tin tưởng, lựa chọn.
Với những bài học kinh nghiệm từ thực tế, những năm gần đây, UBND huyện Tân Yên đã phối hợp với các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương và các sở, ngành tỉnh chủ động trong công tác chỉ đạo, tổ chức sản xuất, tăng cường quản lý về chất lượng và phát triển các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều.
Thành công từ sản xuất đến tiêu thụ
Năm 2024, tổng diện tích vải thiều của huyện 1,42 nghìn ha, trong đó, diện tích vải thiều sớm là 1,25 nghìn ha. Huyện tiếp tục duy trì 900 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; trong đó duy trì và mở rộng 455 ha sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP (xây dựng mới 2 vùng sản xuất vải thiều sớm đạt tiêu chuẩn GlobGAP gồm vùng 10 ha tại thôn Quất Du 2, vùng 11,6 ha tại thôn Lân Thịnh thuộc xã Phúc Hòa) để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU. Quản lý, giám sát chặt chẽ 27 mã vùng trồng vải thiều phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ, Thái Lan.
Thu mua vải thiều chín sớm tại Tân Yên, vụ vải năm 2024. |
Vụ vải năm 2024, sản lượng tiêu thụ đạt 15 nghìn tấn, trong đó tiêu thụ nội địa 4 nghìn tấn; xuất khẩu 11 nghìn tấn (thị trường Trung Quốc khoảng 9 nghìn tấn; thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU, Thái Lan... 2 nghìn tấn). Doanh thu từ sản xuất vải thiều khoảng 600 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2023; doanh thu từ dịch vụ phụ trợ đạt 2,3 tỷ đồng.
Vụ vải thiều năm 2024 đã thành công trên tất cả các mặt từ sản xuất đến tiêu thụ. Người trồng vải phấn khởi, thu nhập và đời sống được cải thiện; số hộ nghèo và cận nghèo giảm; tăng số hộ khá và giàu. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng an toàn, bền vững; sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng đều được bảo vệ, sinh thái nông thôn xanh, sạch, đẹp, góp phần xây dựng nên nhiều làng quê nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện.
Quản lý, chỉ đạo tổ chức sản xuất đồng bộ
Thời điểm này, các nhà vườn vải sớm ở Tân Yên đang tập trung chăm sóc cây bằng biện pháp tỉa cành, phun phân bón lá giàu lân, tưới nước đủ ẩm, phòng trừ sâu bệnh... để cành lộc phát triển nhanh thành thục, kịp bước sang giai đoạn phân hóa mầm hoa và ra hoa đúng thời vụ. |
Để có được những kết quả đó, UBND huyện Tân Yên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, chỉ đạo tổ chức sản xuất. Người dân có bề dày kinh nghiệm canh tác cây vải, tích cực tìm tòi và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào chăm sóc vải thiều như sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn hữu cơ. Hằng năm, ngay sau khi kết thúc vụ vải thiều, UBND huyện tổ chức hội nghị tổng kết để kịp thời đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra tồn tại hạn chế để khắc phục, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, triển khai sản xuất và tiêu thụ. Đồng thời, UBND huyện ban hành kế hoạch và các văn bản chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ cho vụ vải thiều năm tới.
Huyện thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất vải bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu; chỉ đạo, hướng dẫn người dân chăm sóc vải sau thu hoạch. Tiến hành khảo sát, lựa chọn, xây dựng, mở rộng vùng sản xuất vải xuất khẩu, tiếp tục duy trì và mở rộng vùng sản xuất vải đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; giám sát việc tuân thủ các quy định đối với mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói quả vải tươi xuất khẩu.
Cùng với khâu chỉ đạo sản xuất, huyện đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá xúc tiến tiêu thụ vải thiều; tổ chức hội nghị gặp mặt, mời gọi các doanh nghiệp vào địa bàn liên kết sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu.
Du khách tham quan vườn vải thiều chất lượng cao tại thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa. |
UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) làm tốt công tác dự báo, điều tra phát hiện sâu bệnh gây hại trên cây vải; thường xuyên kiểm tra thăm vườn, chỉ đạo, hướng dẫn các hộ dân thực hiện biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây vải, xử lý lộc đông để cây phân hóa mầm hoa thuận lợi.
Tích cực cung cấp thông tin, tập huấn, hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức, ý thức thực hiện quy định đối với mã vùng trồng, các cơ sở đóng gói; kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobGAP, ghi chép nhật ký theo dõi diễn biến cây trồng. Quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) phục vụ sản xuất vải thiều trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa cho biết, để bảo đảm doanh nghiệp có đủ sản phẩm chất lượng phục vụ xuất khẩu, xã thành lập tổ chỉ đạo sản xuất, cử cán bộ chuyên môn tích cực hướng dẫn, kiểm tra, giám sát HTX, các nhóm hộ, hộ nông dân trong quá trình sản xuất; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đến khảo sát, thu mua trên địa bàn.
Thực hiện Đề án phát triển sản xuất cây ăn quả bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, huyện xây dựng kế hoạch và hỗ trợ công tác tập huấn kỹ thuật, quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; phân tích mẫu, kiểm nghiệm đánh giá chất lượng sản phẩm trước khi thu hoạch; tem truy xuất, bao bì đóng gói sản phẩm; chứng nhận chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobGAP; in pano, tờ rơi tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm vải thiều gắn với sản phẩm OCOP; hỗ trợ công tác xúc tiến, tiêu thụ vải thiều.
Quản lý nghiêm ngặt mã vùng trồng
Trong những năm tới, huyện Tân Yên tiếp tục quan tâm, tích cực kết nối với các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm để mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều Tân Yên vào các thị trường tiềm năng; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu quả vải thiều sớm Tân Yên và các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của huyện đến với người tiêu dùng. Tập huấn, giám sát nghiêm ngặt các hộ đã được cấp mã vùng trồng vải xuất khẩu tuân thủ các quy định, bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu. Tăng cường quản lý các loại vật tư đầu vào; tập huấn, hỗ trợ các nhà vườn, hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên sàn giao dịch điện tử. Tìm kiếm giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao năng lực tiếp cận, đàm phán, ký kết hợp tác để xuất khẩu vải thiều.
Lãnh đạo xã và đại diện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu VIFOCO (TP Bắc Giang) khảo sát vườn vải thiều được cấp mã vùng trồng xuất khẩu tại xã Phúc Hòa. |
Theo định hướng đến năm 2030, huyện Tân Yên duy trì tổng diện tích cây ăn quả khoảng 4 nghìn ha, trong đó diện tích sản xuất tập trung đạt 2,65 nghìn ha gồm các loại cây: Vải, ổi, vú sữa, bưởi... ; trong đó 80% diện tích sản xuất tập trung theo quy trình VietGAP; có khoảng 25% diện tích cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu thụ tại các siêu thị lớn trong và ngoài nước. Vải thiều vẫn là cây ăn quả chủ lực với vùng sản xuất tập trung tại các xã: Phúc Hòa, Liên Sơn, Hợp Đức, Liên Chung, Tân Trung và thị trấn Cao Thượng với tổng diện tích hơn 1 nghìn ha. Trong đó, 750 ha vải thiều sản xuất ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn VietGAP tại các xã: Phúc Hòa, Liên Sơn và thị trấn Cao Thượng; nâng cao chất lượng sản phẩm đối với khoảng 20 mã vùng trồng xuất khẩu quả tươi sang các thị trường lớn như: Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore.
Ý kiến bạn đọc (0)