Con đường của tình quân dân
![]() |
Đường 30-4 hoàn thành tạo thuận lợi cho việc giao thương. |
100% hộ dân tự nguyện hiến đất
“Đường 30-4” (Tỉnh lộ 290) đoạn nối Quốc lộ 31 vào Sở Chỉ huy Trung tâm huấn luyện quân sự Quốc gia 1 (Trường bắn TB1) dài 14,07 km, đi qua địa phận bốn xã: Hồng Giang, Biên Sơn, Hộ Đáp, Phong Vân (Lục Ngạn); kinh phí thực hiện 124 tỷ đồng từ nguồn ngân sách quốc phòng. Trước đây, mỗi lần nhắc đến con đường này, chúng tôi lại nhớ những ổ gà, ổ trâu san sát, nắng bụi mưa lầy, lên xe là xóc nảy người, nếu không quen đường rất dễ ngã. Ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: “Tỉnh lộ 290 được làm cách đây hàng chục năm nên đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại, giao thương hàng hóa và đời sống của bà con nơi đây”. Lần này gặp lại ông tại buổi lễ bàn giao tuyến đường cho huyện Lục Ngạn quản lý do Bộ Tư lệnh Quân khu 1 tổ chức, ông Năm vui lắm. Ông vui với niềm vui của nhân dân khi tuyến đường được nâng cấp, mở rộng gấp hơn hai lần đường cũ, lên 8 m, lại đổ bê tông phẳng lì. Với nhiệm vụ Trưởng Ban giải phóng mặt bằng của huyện, ông Năm chưa bao giờ thấy công trình nào lại nhận được sự đồng thuận cao của người dân như công trình đường 30-4. Chỉ sau một tuần kể từ khi thông báo, 130 hộ dân dọc tuyến đã tự nguyện hiến hơn 2.000 m2 đất, tháo dỡ gần 700 m vành lao, di chuyển khoảng 9 nghìn cây trồng các loại… Ước tính nếu phải bồi thường giải phóng mặt bằng, số tiền lên tới 30 tỷ đồng.
Là hộ tự nguyện hiến hơn 110 m2 đất, trong đó có 57 m mặt đường, cựu chiến binh Trương Văn Quý, thôn Chính, xã Hồng Giang không giấu nổi niềm vui và sự xúc động: “Gia đình tôi làm nghề cơ khí, trước đây do đường xấu quá, vận chuyển nguyên liệu, thành phẩm khó khăn nên ít đơn hàng, làm cách nào cũng chỉ đủ ăn. Khi nghe cán bộ xã, huyện phổ biến chủ trương mở rộng và làm lại con đường, gia đình tôi mừng lắm. Mấy bố con bảo nhau tự nguyện lùi sân, vườn, hàng quán vào sâu 2m để hiến đất phục vụ thi công. Có đường rộng đẹp, việc sản xuất, thông thương thuận lợi, sầm uất hơn hẳn”. Nhờ sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và các hội, đoàn thể ở địa phương trong việc tuyên truyền, vận động nên đơn vị thi công làm đến đâu là người dân lại tự nguyện hiến đất đến đấy. Điển hình như gia đình các ông, bà ở xã Hồng Giang như: Dương Văn Lự (180m2); Bùi Thị Tâm (169m2), Nguyễn Văn Năm (120 m2), Bùi Văn Tiếp (100m2), Giáp Văn Thuận (80m2)…
Thi công thần tốc, mở đường thắng lợi
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, công trình cải tạo, nâng cấp đường 30-4 do Quân khu 1 làm chủ đầu tư; ba đơn vị thi công là Lữ đoàn Công binh 575 (Quân khu 1), Lữ đoàn Công binh 219 (Quân đoàn 2) và Lữ đoàn Công binh 239 (Binh chủng Công binh). Quá trình triển khai do thực hiện đúng dịp cao điểm huấn luyện, diễn tập và tiêu thụ nông sản nên Bộ Tư lệnh Quân khu 1 yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ song cũng bố trí thi công làm sao để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến nhiệm vụ diễn tập, giao thương.
![]() |
Thông xe tuyến đường 30-4. |
Trao đổi với Đại tá Trần Văn Lự, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 219 được biết, với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, các đơn vị phát động phong trào thi đua động viên bộ đội thi công tăng ca, tăng giờ, tăng năng suất, chất lượng bảo đảm “đẹp phải bền, nhanh không ẩu”. Trên tinh thần đó, mỗi đơn vị đã huy động tối đa nhân lực, phương tiện, chia ba ca làm cả ngày lẫn đêm, trên công trường không lúc nào dứt tiếng máy. Ngay cả trong những ngày nắng nóng (trừ thời gian nắng đỉnh điểm từ 11 đến 14 giờ), còn lại cán bộ, chiến sĩ duy trì quân số trên công trường. Thấy bộ đội vất vả làm đường, người dân địa phương đã tạo điều kiện mặt bằng cho bộ đội dựng lán để nghỉ ngơi; mang hoa quả, nước mát cho bộ đội sử dụng. Vất vả nhất là gói thầu số 1 do Lữ đoàn Công binh 575 (Quân khu 1) thi công. Khi mở đường xuyên qua khu vực đèo Váng (xã Biên Sơn) gặp phải đá cứng, đơn vị phải sử dụng hơn 6 tấn thuốc nổ để phá gần 30.000 m3 đá. Việc nổ mìn hết sức khó khăn bởi trong quá trình thi công vẫn có phương tiện của người dân lưu thông. Với sự tính toán thời gian hợp lý, khoa học, quá trình mở đường đã thắng lợi, an toàn tuyệt đối cho người dân và cán bộ, chiến sĩ, hạn chế ách tắc giao thông mà tiến độ vẫn bảo đảm.
Con đường sớm hoàn thành là do ý Đảng hợp lòng dân; chính quyền không phải chi trả đền bù cho công tác giải phóng mặt bằng nên giảm đáng kể chi phí, thời gian. Chỉ trong vòng hơn 2 tháng (từ 15-2 đến 30-4-2017), các đơn vị bộ đội đã thi công xong tuyến đường.
Rút ngắn con đường xóa đói, giảm nghèo
![]() Đường 30-4 là công trình có ý nghĩa quan trọng thể hiện sự quan tâm của Quân ủy T.Ư, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đối với nhiệm vụ quân sự gắn với phát triển KT-XH địa phương trên tinh thần “Toàn quân chung sức xây dựng nông thôn mới”. Qua đó xây dựng thế trận lòng dân, bảo đảm cho địa bàn Quân khu luôn ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN". Thiếu tướng Phạm Thanh Sơn, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 1. |
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn nhấn mạnh: “Con đường 30-4 không chỉ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khu vực và quốc gia mà còn là con đường dân sinh quan trọng kết nối vùng cao với vùng thấp huyện Lục Ngạn; nối Bắc Giang với Lạng Sơn qua Lục Ngạn đi cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, đồng thời bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn. Có thể khẳng định đây là con đường đẹp nhất huyện Lục Ngạn đến thời điểm này. Do đó, chúng tôi đang tuyên truyền, vận động người dân không lấn chiếm hành lang, vỉa hè, lòng đường; phối hợp với ngành giao thông vận tải có phương án khai thác, sử dụng hợp lý, bảo vệ con đường sao cho hiệu quả nhất”.
Mặc dù mới hoàn thành, đưa vào sử dụng vài tháng nhưng theo quan sát của chúng tôi, các cửa hàng bên đường 30-4 đã dần mọc lên, từ tiệm tạp hóa nhỏ đến xưởng sản xuất cơ khí, sửa chữa ô tô, điện tử, điện lạnh. Dừng chân ngồi nghỉ uống nước sau khi xuất bán gần một tạ nhãn, anh Lại Văn Nhỏ (SN 1985) ở thôn Héo A, xã Hộ Đáp cho hay: “Gia đình tôi trồng rất nhiều cây ăn quả, chủ yếu là vải thiều và nhãn. Trước kia, do đường xấu, gập ghềnh sỏi đá nên không có nhiều thương nhân vào vườn thu mua. Thường chúng tôi phải dậy sớm bẻ quả rồi chở ra ngã ba Hồng Giang cách nhà hơn 20 km để bán, nắng mưa đều vất vả. Có hôm phải mất cả tiếng đồng hồ di chuyển khiến chất lượng, mẫu mã giảm, bán không được giá. Giờ thì thuận tiện hơn nhiều rồi, sáng dậy đàng hoàng không vội vàng nữa. Đường đẹp, thoáng rộng, thương nhân còn vào tận vườn để mua nông sản…”.
“Đường mở đến đâu dân giàu đến đó”, giao thông luôn góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đem lại sự đổi thay cho người dân nhất là vùng đồng bào miền núi, vùng cao. Con đường 30-4 được mở rộng, nâng cấp đáp ứng nguyện vọng thiết tha của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội và nhân dân địa phương, thể hiện tình quân - dân thắm thiết chắc chắn sẽ đem lại cho người dân Lục Ngạn một “con đường mới”- con đường xóa đói, giảm nghèo tiến tới làm giàu.
Thu Phong - Việt Anh
Ý kiến bạn đọc (0)