Bác sĩ ngoại khoa "mát tay", làm chủ nhiều kỹ thuật mới
Hồi sinh nhiều cuộc đời
Đêm 4/2 (tức 25 tháng Chạp), tiếng còi xe cứu thương hướng thẳng đến sảnh Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), phá vỡ màn đêm tĩnh mịch. Nam bệnh nhân trong tình trạng bị thương vùng thắt lưng phải, chảy nhiều máu với gương mặt nhợt nhạt, đang gắng sức cho từng nhịp thở nặng nề. “Bệnh nhân bị đâm, vết thương khoảng 2 cm” - thông tin từ bộ phận trực cấp cứu lập tức được phát đi, quy trình cấp cứu được “kích hoạt”.
Bác sĩ Đoàn Tiến Dương (phải) cùng đồng nghiệp hội chẩn một ca sỏi thận đang điều trị tại khoa. |
Nhận được thông tin, dù không phải ca trực, lại giữa đêm khuya song bác sĩ Đoàn Tiến Dương khoác vội chiếc áo ấm rồi tới bệnh viện. Qua hội chẩn, anh cùng kíp trực của khoa nhận định bệnh nhân có vết thương gan phải độ 4, vết thương thận phải độ 4, có dịch tự do ở ổ bụng, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng. Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu, phẫu thuật cắt thận bán phần, khâu cầm máu vết thương gan và kiểm soát vết thương cạnh cột sống. Sau 2 giờ (từ 2 đến 4 giờ sáng 5/2), ca mổ kết thúc thành công.
“Đã chọn ngành y, chúng tôi không có khái niệm ngày nghỉ, giờ nghỉ bởi bệnh nhân nhập viện cấp cứu không báo trước, tai nạn có thể xảy ra bất cứ khi nào. Như một phản xạ, mỗi khi có thông tin về ca bệnh là chúng tôi lập tức thực hiện nhiệm vụ”, bác sĩ Đoàn Tiến Dương cho hay.
Tốt nghiệp Đại học Y Thái Nguyên năm 2008, anh về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Từ một bác sĩ trẻ, đến nay anh trở thành “tay mổ” có kinh nghiệm, đảm nhiệm phẫu thuật chính nhiều ca khó. Anh đã trực tiếp tham gia gần 700 ca mổ, trong đó có không ít ca phức tạp. Theo anh, đã chọn làm bác sĩ ngoại khoa thì phải chấp nhận hy sinh, vất vả. Khi bước vào phòng mổ, dù mệt nhọc thế nào, mọi thứ đều phải để lại phía sau bởi sức khoẻ, tính mạng của người bệnh là điều quan trọng nhất.
Nhớ lại những lần vào phòng mổ, bác sĩ Đoàn Tiến Dương kể: “Cuối tháng 9/2016, dù không phải ca trực nhưng khi nhận được điện thoại từ đồng nghiệp có một bệnh nhân bị tai nạn giao thông, vết thương rất nặng, nguy cơ tử vong cao, tôi vội vàng vào bệnh viện để cùng đồng nghiệp phẫu thuật cứu người. Sau hơn 3 giờ nỗ lực giành lại sự sống cho bệnh nhân, ca phẫu thuật thành công. Cả kíp trực ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm”.
Niềm vui sau mỗi ca mổ
Sinh ra trong gia đình không có ai theo ngành y, song từ khi còn học THCS, chứng kiến mẹ thường xuyên đau ốm, Đoàn Tiến Dương đã ấp ủ ước mơ trở thành bác sĩ để có thể tự mình chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho những người thân trong gia đình và cộng đồng. Ước mơ thành hiện thực khi năm 2022, anh trúng tuyển chuyên ngành bác sĩ đa khoa (Đại học Y Thái Nguyên). Để thực hiện ước mơ, ngoài giờ lên giảng đường, anh dành nhiều thời gian đến thư viện hoặc bệnh viện gần trường để tự học.
Bác sĩ Đoàn Tiến Dương giới thiệu về viên sỏi nặng 800 gam đã phẫu thuật cho bệnh nhân. |
“Tôi đến với ngoại khoa cũng thật tình cờ bởi khi lựa chọn học y tôi muốn trở thành bác sĩ nội khoa về tim mạch. Trước khi tốt nghiệp, đại diện các lớp sẽ bốc thăm để lựa chọn khối thi (nội khoa, ngoại khoa và sản nhi), lớp tôi bốc vào lá thăm ngoại khoa. Chính thời gian này, tôi về Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thực tập và bắt đầu yêu thích, thấy phù hợp với ngoại khoa”, bác sĩ Dương bộc bạch.
Dẫn tôi đi thăm các phòng bệnh, bác sĩ Đoàn Tiến Dương giới thiệu, Khoa Ngoại thận - Tiết niệu - Nam học được thành lập từ tháng 7/2016 trên cơ sở tách ra từ Khoa Ngoại tổng hợp. Sau 7 năm thành lập, trung bình mỗi năm, lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tăng khoảng 30%; năm 2023, Khoa tiếp nhận điều trị hơn 2,7 nghìn lượt bệnh nhân. Dừng lại ở buồng bệnh nhân vừa phẫu thuật tiền liệt tuyến, bác sĩ Dương ân cần hỏi thăm sức khoẻ cũng như tiến trình hồi phục của từng người.
Ông Nguyễn Văn Chất (SN 1959), trú tại xã Xuân Hương (Lạng Giang) cho biết: “Tôi nhập viện được bác sĩ Dương trực tiếp phẫu thuật mổ tiền liệt tuyến. Sau hơn 1 tuần điều trị, hiện sức khoẻ tôi đã ổn định, không còn bị đau”.
Nói về những kỷ niệm làm nghề, anh tâm niệm mỗi công việc đều có những niềm vui, nỗi trăn trở riêng. Song với những người thầy thuốc, việc cứu sống bệnh nhân, giúp họ thoát khỏi những cơn đau là món quà ý nghĩa nhất. Có người sau khi được tôi phẫu thuật 3-4 năm, thậm chí gần chục năm vẫn thường xuyên liên lạc, chia sẻ về cuộc sống hiện tại. Song cũng có lần, tôi và đồng nghiệp lặng người đi khi không thể giành lại sự sống cho người bệnh do bệnh nhân được đưa đến muộn".
Gia đình ông Đặng Văn Bình ở phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang). Tháng 12/2021, ông Bình nhập viện, hoàn tất các thủ tục mời bác sĩ tuyến T.Ư về tiến hành ca phẫu thuật mổ tiền liệt tuyến. Khi bác sĩ đang trên đường từ TP Hà Nội về thì Bệnh viện Đa khoa tỉnh phong tỏa do có ca nhiễm Covid-19. Giờ mổ đã đến, bệnh nhân lại đang đau nên bác sĩ Đoàn Tiến Dương “xung phong” thực hiện ca phẫu thuật.
Sau gần 3 giờ, ca phẫu thuật thành công, khối u nặng 220 gam được cắt bỏ (đây là khối u tiền liệt tuyến lớn nhất mà Bệnh viện Đa khoa tỉnh phẫu thuật cắt bỏ). Con trai ông Trần Văn Ngọc ở thị trấn Kép (Lạng Giang) được bác sĩ Đoàn Tiến Dương cứu khỏi “cửa tử” cách đây gần 7 năm. “Lần đó, con trai tôi mới 16 tuổi, bị tai nạn giao thông vỡ tá tràng. Được bác sĩ Dương phẫu thuật, ca mổ thành công. Hiện gia đình vẫn thường xuyên giữ mối liên hệ, coi bác sĩ như người thân trong gia đình”, ông Trần Văn Ngọc bộc bạch.
Tích cực nghiên cứu khoa học
Những năm qua, bác sĩ Đoàn Tiến Dương luôn tích cực tìm tòi, nghiên cứu khoa học, áp dụng một số kỹ thuật y học mới, chuyên sâu, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Đến nay, anh đã làm chủ nhiều kỹ thuật khó như: Phẫu thuật nội soi lấy sỏi niệu quản; tán sỏi nội soi niệu quản ngược dòng bằng laser; tán sỏi qua da; phẫu thuật nội soi cắt thận; phẫu thuật nội soi cắt u xơ tiền liệt tuyến…
Bác sĩ Dương luôn chủ động trong nghiên cứu, học hỏi và triển khai nhiều kỹ thuật mới, khó trong lĩnh vực ngoại khoa. Đến nay, các kỹ thuật này đã được thực hiện thường xuyên tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, góp phần cứu sống hàng nghìn bệnh nhân”.
Bác sĩ chuyên khoa II Thân Trọng Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Trong nghiên cứu khoa học, từ năm 2015 đến nay, anh có 10 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở được áp dụng thành công trong thực tiễn; có 3 đề tài đoạt giải Nhì, 1 đề tài đoạt giải Ba tại hội thi sáng tạo khoa học tỉnh vào các năm 2017, 2019, 2021 và 2023. Năm 2020, anh tham dự giải thưởng khoa học công nghệ lần thứ 2 của tỉnh Bắc Giang và được trao giải B với cụm công trình các phương pháp ít xâm lấn điều trị bệnh lý ngoại tiết niệu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Trên cương vị Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh, anh tích cực tham mưu, vận động nguồn lực xây dựng hội; trực tiếp tham gia khám, tư vấn sức khỏe, phát thuốc miễn phí cho người dân. Với những đam mê và cống hiến hết mình, liên tục từ năm 2015 đến nay, anh được công nhận chiến sĩ thi đua cơ sở, được Chủ tịch UBND tỉnh, Tỉnh đoàn tặng nhiều Bằng khen.
Nói về dự định của mình trong tương lai, bác sĩ Đoàn Tiến Dương cho biết: “Trong Đề án phát triển của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đến năm 2030, bệnh viện sẽ thực hiện thành công kỹ thuật ghép thận. Là khoa được giao giữ vai trò chủ công, chúng tôi đã xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ bác sĩ có đủ trình độ, năng lực để triển khai kỹ thuật này. Nếu được đầu tư trang thiết bị, tôi tin sẽ thực hiện thành công kỹ thuật này sớm hơn mục tiêu đề ra”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)