Bác sĩ của bản làng
Bám làng, bám bản
Chiều muộn, bà Trần Thị Ngát, 63 tuổi, ở thôn Điếm Rén được người nhà đưa đến Trạm Y tế xã khám bệnh vì đau bụng. Bác sĩ Nguyễn Văn Hoan, Trạm trưởng đo huyết áp, nghe tim, phổi, khám vùng bụng, hỏi bệnh kỹ càng. Với tiền sử dính ruột và các biểu hiện lâm sàng, bác sĩ Hoan kê đơn thuốc, yêu cầu người bệnh ở lại trạm để theo dõi.
Quay về phòng trực, chưa kịp mở sổ ghi chép thì tiếng chuông điện thoại của bác sĩ vang lên. Đầu bên kia là bệnh nhân ở thôn Khe Sâu gọi đến cũng được bác sĩ tận tình hướng dẫn, tư vấn cách dùng thuốc điều trị chứng đau đầu, mất ngủ. Khác với hơn chục năm trước, ngày nay mạng internet phủ sóng khắp thôn, xã nên việc khám, chữa bệnh từ xa cho bà con thuận lợi hơn trước, bệnh nhân chỉ cần ở tại nhà gọi điện vẫn có thể được bác sĩ hướng dẫn tận tình.
Các bác sĩ Trạm Y tế xã Trường Sơn kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhân bị đau bụng. |
Xã Trường Sơn cách trung tâm huyện Lục Nam hơn 20 km về phía Đông. Nơi đây có hơn 7,3 nghìn người dân sinh sống rải rác ở 13 thôn, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như: Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu. Dưới sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành y tế, Trạm Y tế xã được đầu tư, nâng cấp đạt chuẩn quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để chăm sóc sức khỏe nhân dân. Mỗi năm trạm tiếp đón hơn 4 nghìn lượt người dân đến khám, chữa bệnh (KCB).
Nhìn vào những thành tựu của ngày hôm nay, bác sĩ Hoan không khỏi bồi hồi: “Từ năm 1995 tôi về xã công tác, chứng kiến cuộc sống vất vả của người dân, tôi xác định sẽ sát cánh cùng đồng nghiệp nỗ lực hết sức để trở thành điểm tựa của người dân trong chăm sóc sức khỏe. Chúng tôi bắt tay làm việc miệt mài, rồi gắn bó, thân thuộc với vùng quê này. Từ việc bà con tự ý đắp lá cắt thuốc uống trị bệnh thì nay hễ đau đầu, cảm cúm đều tìm đến bác sĩ. Thấy bà con tin mình, quan tâm chăm sóc sức khỏe hơn chúng tôi rất hạnh phúc”.
Bác sĩ Hoan quê ở xã Đan Hội, năm nay bước sang tuổi 50 với 28 năm trong nghề. Khi vừa ra trường, anh được phân công về Trạm Y tế xã Trường Sơn, cắm chốt tại bản Vua Bà - bản giáp ranh với huyện Đông Triều (Quảng Ninh). Đó là những ngày vai đeo túi thuốc, chân trần đi bộ vượt đồi, rừng vào nhà dân tuyên truyền kiến thức chăm sóc sức khỏe, tiêm vắc-xin phòng dịch và không ít lần đến nhà dân đỡ đẻ cho sản phụ được mẹ tròn, con vuông. Tuổi trẻ hăm hở đi xa để trải nghiệm cuộc sống nhưng rồi đất lành cho trái ngọt, anh ở lại bám làng, bám bản, ngay cả khi có cơ hội luân chuyển về quê hương hoặc ra khu trung tâm hơn. Năm 1999, anh học chuyên tu bác sĩ đa khoa tại Học viện Quân y 103 (Hà Nội) để nâng cao trình độ y thuật, đến năm 2002 trở về xã tiếp tục làm việc.
"Trạm Y tế xã Trường Sơn là đơn vị tuyến xã tiêu biểu nhiều năm được các cấp khen thưởng. Trong đó, năm 2022 trạm được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân" - Bác sĩ Phạm Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Lục Nam. |
Trạm Y tế xã Trường Sơn có 8 cán bộ, viên chức, trong đó có 2 bác sĩ (1 bác sĩ đa khoa, 1 bác sĩ y học cổ truyền). Địa bàn rộng, dân cư lại sống rải rác nên đội ngũ nhân viên y tế thôn bản là cánh tay nối dài đắc lực, giúp các y, bác sĩ thực hiện tốt nhiệm vụ. Nhiều người dù tuổi đã cao song vẫn nhiệt tình gắn bó. Trong số 13 cộng tác viên y tế thôn thì có 6 người đã hơn chục năm theo nghề. Như bà Nhữ Thị Hòa, 63 tuổi, làm công tác dân số từ năm 1998, đến nay là trưởng thôn Lầm. Bà nói: “Khó khăn lớn nhất là làm sao thay đổi được tập tục lạc hậu đã ăn sâu, bám rễ trong cuộc sống của bà con bao đời nay như khi đau ốm tự lấy lá chữa bệnh mà không đến trạm y tế, tự sinh con tại nhà, chưa thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh... Bởi vậy chúng tôi luôn đi từng ngõ, gõ từng nhà, kiên trì vận động, giải thích để người dân biết cách chăm sóc sức khỏe”.
Bằng trách nhiệm với bà con, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế ở Trường Sơn đã dần tạo nên những chuyển biến trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. 5 năm gần đây, 100% phụ nữ có thai được quản lý thai nghén, sinh con tại các cơ sở y tế. Tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc-xin phòng dịch đạt gần 100%.
Hạnh phúc khi được bà con tin yêu
Lòng tin, sự quý mến của nhân dân đã trở thành động lực để các thầy thuốc nâng cao tay nghề. Như điều dưỡng Nguyễn Thị Trang trước đây có trình độ trung cấp, sau thời gian học tập, chị đã có bằng cao đẳng điều dưỡng; 6/13 cộng tác viên thôn bản đã qua đào tạo, số còn lại đang học tập.
Trạm Y tế xã Trường Sơn đạt chuẩn quốc gia lần đầu vào năm 2007, đến năm 2021 được công nhận lại lần 2. Nhờ thụ hưởng các chương trình, dự án mà xã có thêm nguồn lực đầu tư cho y tế. Trạm có dãy nhà cấp bốn khang trang, đầy đủ các phòng khám, tiêm và phòng bệnh; trang thiết bị y tế. Trung bình mỗi tháng thu hút từ 300-350 bệnh nhân đến khám, điều trị. Mong muốn bà con được tiếp cận dịch vụ y tế, phù hợp với đặc thù địa bàn vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều năm nay, Trạm phân công cán bộ thường xuyên đến các gia đình khám sức khỏe định kỳ cho người già, thương binh, bệnh binh, người không đi lại được.
Bác sĩ Trạm Y tế xã Trường Sơn khám sức khỏe tại nhà cho thương binh Nguyễn Đăng Ngay. |
Hết giờ làm việc, bác sĩ Hoan cùng điều dưỡng phụ trách địa bàn đến nhà thương binh nặng 81% Nguyễn Đăng Ngay, 65 tuổi, ở thôn Trại Ổi để kiểm tra sức khỏe. Ông Ngay bị mất một chân, đi lại khó khăn trong khi nhà lại neo người. Thấy các bác sĩ, ông mừng rỡ như gặp những người thân trong gia đình. “Nhiều năm nay, các anh chị trên trạm vẫn đến nhà khám và cấp thuốc, nhờ vậy mà các chỉ số sức khỏe của tôi luôn ổn định”, ông nói.
Định kỳ 6 tháng một lần, Trạm tổ chức đưa bà con khám sức khỏe tập trung tại Trung tâm Y tế huyện, cử nhân viên đi cùng hướng dẫn quy trình, thủ tục (xã có ô tô dịch vụ đưa bà con đi KCB). Người mắc bệnh sẽ được các bác sĩ đưa vào hồ sơ quản lý, tư vấn, chăm sóc, điều trị hằng tháng. Cách làm đó được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, thuận tiện cho người dân.
Đáp lại sự tin tưởng của bà con, các y, bác sĩ ở xã Trường Sơn ngày càng nỗ lực học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề; trách nhiệm, gắn bó với dân bản, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bài, ảnh: Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)