Yên Thế: Gìn giữ làn điệu Sình ca
Đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Yên Thế chiếm 33,5% dân số toàn huyện với 7 dân tộc chính, gồm: Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu, Sán Chí, Dao, Hoa. Trong đó, người dân tộc Cao Lan đứng thứ 3 (chiếm tỷ lệ gần 7%) sau các dân tộc Nùng và Tày, sinh sống tập trung tại các xã Xuân Lương, Đồng Tiến, Tam Tiến, Đồng Vương và Canh Nậu.
Một buổi tập luyện của các thành viên CLB hát - múa dân tộc Cao Lan. |
Gìn giữ tiếng nói và những làn điệu Sình ca là mong muốn của những bậc cao niên người Cao Lan trên địa bàn huyện Yên Thế. Bởi trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nhiều nét văn hóa của người dân tộc thiểu số Cao Lan đã bị các thế hệ trẻ vô tình quên lãng do sức hút của các loại hình văn hóa giải trí hiện đại.
Ông Đặng Việt Dũng, Bí thư Chi bộ bản Bình Minh, xã Đồng Vương cho biết: Cả bản có 80% là người dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó có dân tộc Cao Lan. Dù có đông người dân tộc thiểu số như vậy nhưng hiện chỉ có khoảng 20% người dân biết nói tiếng dân tộc nên việc duy trì tiếng nói còn gặp nhiều khó khăn chứ chưa nói đến hát Sình ca.
Trước tình hình đó, những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Yên Thế đã quan tâm tới việc gìn giữ nét văn hóa độc đáo của người dân tộc thiểu số, trong đó có làn điệu Sình ca của người Cao Lan. Xuân Lương là xã có đông đồng bào dân tộc Cao Lan sinh sống nhất huyện, chiếm 40% dân số, sống tập trung tại các bản Ven, Thượng Đồng và bản Nghè.
Riêng bản Ven có đến 150 hộ dân là dân tộc Cao Lan, chiếm đến hơn 90% dân số của bản. Với mong muốn lưu giữ, truyền dạy lại điệu hát Sình ca trong đời sống sinh hoạt, văn hóa tâm linh của dân tộc Cao Lan đến thế hệ trẻ và phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng, xã Xuân Lương đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) hát - múa của dân tộc Cao Lan vào tháng 3/2021 với 30 thành viên tham gia. Việc luyện tập của CLB diễn ra vào buổi tối các ngày thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần tại nhà sàn - nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Sình ca hay sịnh ca Cao Lan hay dân ca Cao Lan là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của người Cao Lan. Đây không chỉ là những bài hát giao duyên của trai gái, mà còn là những bài hát ca ngợi sản xuất, hát "phụng" Thổ công và Thần Nông, hát mừng nhà mới, hát ru con, hát đố, hát ghẹo… Qua đó người Cao Lan gửi gắm những tâm tư, tình cảm với nhau, những ước mơ, nguyện vọng của người lao động với thiên nhiên và thần linh… |
Bà Ninh Thị Lim, Chủ nhiệm CLB thông tin, ban đầu thành lập CLB gặp khó khăn bởi nhiều người cho rằng nói tiếng Cao Lan đã khó thì việc hát còn khó hơn.
Được sự quan tâm của chính quyền địa phương và mong muốn khôi phục điệu hát Sình ca - nét đẹp văn hóa của dân tộc mình nên bà Lim cùng các thành viên trong CLB tích cực tuyên truyền, vận động và thu hút mọi người tham gia.
Trong đó, người cao tuổi nhất 85 tuổi, thành viên nhỏ tuổi nhất là 8 tuổi. Kể từ khi thành lập đến nay, CLB đã truyền dạy cho 10 cháu nhỏ các làn điệu để lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Là thành viên nhỏ tuổi nhưng em Trần Hoài Thơ (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học và THCS xã Xuân Lương) rất chăm chỉ, tích cực tham gia đầy đủ các buổi tập luyện của CLB. Cảm nhận được nét độc đáo trong làn điệu Sình ca của dân tộc nên sau một thời gian theo học, em trở thành cây văn nghệ tiêu biểu của lớp, của trường.
Ông Triệu Văn Phượng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Thế cho biết: “Sình ca là loại hình nghệ thuật dân gian phản ánh sâu sắc đời sống tâm hồn của người Cao Lan. Trong năm 2021, huyện Yên Thế đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh mở lớp truyền dạy dân ca Sình ca Cao Lan cho nhân dân để bảo tồn và phát triển.
Ngoài làn điệu Sình ca của người Cao Lan, huyện đang bảo tồn và phát huy làn điệu dân ca hát Soong hao của dân tộc Nùng, hát Then của dân tộc Tày”. Được biết, từ năm 2010 đến nay, huyện đã tổ chức 10 hội thi, hội diễn văn nghệ mà các tiết mục tham gia tập trung vào các làn điệu dân ca của người dân tộc thiểu số.
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của người dân tộc nói chung và dân tộc Cao Lan nói riêng trên địa bàn huyện, thời gian tới, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện tiếp tục tham mưu với cấp có thẩm quyền tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho bà con nhân dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ là người dân tộc thiểu số để có cơ hội được trao đổi, học hỏi trong thể hiện tiếng nói, giọng hát cũng như giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Bài, ảnh: Thanh Luân
Ý kiến bạn đọc (0)