Lục Ngạn: Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca dân tộc thiểu số
Hiện nay, nhiều hình thức hát dân ca dân tộc thiểu số tại Lục Ngạn (Bắc Giang) được bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị, các dân tộc đã dần ý thức được vai trò quan trọng trong việc gìn giữ các bản sắc văn hóa.
Hát dân ca Sán Chí tại Ngày hội Văn hóa-Thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn. |
Lục Ngạn là huyện miền núi, năm 1996, Huyện ủy, UBND huyện Lục Ngạn đã cho khôi phục hội hát dân ca các dân tộc truyền thống tại chợ Chũ, thuộc trung tâm huyện vào ngày 18/2 Âm lịch hằng năm và các ngày chợ phiên vùng cao (chợ Thác Lười - Tân Sơn).
Chợ ở Lục Ngạn có những hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc. Đồng bào đến chợ không chỉ mua bán, trao đổi các loại hàng hóa nông, lâm, thủy, thổ sản, mà đây chính là nơi hội tụ các sắc màu văn hóa, nơi gặp gỡ, hò hẹn và tìm nhau qua câu hát giao duyên. Hội hát dân ca các dân tộc được tổ chức thường niên đã tạo nên một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống cho đồng bào tại huyện miền núi Lục Ngạn vào mỗi dịp mùa xuân.
Năm 2002, huyện Lục Ngạn được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có quyết định số 752 QĐ-BVHTT đồng ý cho thực hiện đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa huyện miền núi Lục Ngạn giai đoạn 2001-2010”.
Từ đó hội hát dân ca các dân tộc đã được nâng lên thành Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Lục Ngạn và đến nay trở thành một trong những ngày hội lớn với quy mô cấp vùng trên địa bàn tỉnh. Năm 2012, dân ca Sán Chí và dân ca Cao Lan đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Để bảo tồn, phát triển rộng khắp các làn điệu dân ca, UBND huyện đã đầu tư kinh phí sưu tầm các bài dân ca dân tộc thiểu số; mở các lớp truyền dạy chữ Nôm thường được sử dụng để ghi chép các bài hát dân ca dân tộc, khuyến khích thành lập các CLB.
Đến nay toàn huyện đã thành lập 32 CLB hát dân ca. Một số người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Tuy nhiên, do cách thức tổ chức các hoạt động chưa phong phú nên chỉ được thời gian đầu, sau đó do thiếu những nhân tố, bài hát mới, hình thức không đổi mới nên chưa hấp dẫn giới trẻ. Mặt khác, trong đời sống mới có nhiều loại hình âm nhạc hấp dẫn thanh thiếu niên hơn.
Từ thực tế trên, vấn đề đặt ra ở đây là Nhà nước cần có đề án cho việc bảo tồn, phát huy các loại hình dân ca dân tộc thiểu số. Trong đó việc làm trước tiên là phải duy trì thường xuyên các CLB hát dân ca ở cơ sở. Bên cạnh đó, đã đến lúc chúng ta phải xem xét lại việc sân khấu hóa các hội hát, việc hát trên sân khấu chỉ nên tổ chức trong các hội thi, hội diễn, liên hoan.
Bên cạnh đó cần chú trọng bố trí các địa điểm, không gian văn hóa cho việc hát dân ca… Ngoài ra có thể nghiên cứu truyền dạy dân ca trong giờ ngoại khóa của các nhà trường, nhất là các trường dân tộc nội trú; tổ chức các cuộc thi sưu tầm, tìm hiểu về dân ca dân tộc… Cùng đó, huyện tiếp tục chỉ đạo, tổ chức các hội hát dân ca các dân tộc, hình thành địa chỉ văn hoá thu hút khách du lịch, tạo điểm nhấn giới thiệu những sản vật đặc trưng của vùng đất Lục Ngạn.
Để bảo tồn, phát huy giá trị dân ca các dân tộc thiểu số tại Lục Ngạn gắn với phát triển KT-XH, ngoài sự nỗ lực của địa phương rất cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành.
Lục Ngạn là miền trái ngọt, miền của di sản văn hoá. Với các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị dân ca các dân tộc thiểu số kể trên sẽ là điều kiện để tôn thêm sự phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Lê Xuân Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lục Ngạn
Ý kiến bạn đọc (0)