Lây lan nói tục
BẮC GIANG - Rất nhiều lần ở nơi công cộng, tôi trực tiếp nghe những ngôn từ tục tĩu văng ra từ miệng các cô, cậu học trò ở nhiều trường học trên địa bàn TP Bắc Giang. Tan tầm, ở khu vực cổng trường-nơi có những quán bán đồ ăn vặt hay công viên Hoàng Hoa Thám, Ngô Gia Tự, các khuôn viên, Quảng trường 3/2… không hiếm gặp cảnh tượng học sinh từ lứa tuổi tiểu học đến THPT nô đùa, trêu nhau, văng ra những câu nói tục tĩu.
Tuần trước, có mặt trong quán bán đồ ăn vặt ở một con phố, tôi nghe được đoạn nói chuyện của một tốp học sinh nữ (khoảng lớp 7, lớp 8), khuôn mặt rất dễ thương, còn mặc nguyên đồng phục của trường. Trong khoảng 5 phút ngồi ăn uống, tán chuyện, nhóm học trò liên tiếp phát ra những ngôn từ thô tục, bậy bạ khiến nhiều người lớn đứng gần đó cảm thấy ái ngại. Điều đáng nói là những học sinh này tỏ ra thích thú với kiểu nói chuyện như thế.
Mang những câu chuyện này chia sẻ với nhiều người, trong đó có cả chuyên gia, họ đều có chung nhận xét, một bộ phận học sinh hiện nay rất hay nói tục, chửi bậy và có xu hướng "lây lan rộng", nhất là ở nơi công cộng. Thế nhưng trước mặt thầy cô, khi học trên lớp, các em đều "bật chế độ ngoan". Trò chuyện với nhiều học sinh, các em cho biết, nghe bạn này, bạn kia nói tục nên bắt chước. Trên mạng xã hội Facebook, Zalo, khi giao tiếp qua hình thức “chat” với bạn bè, những câu chửi, lời lẽ tục tĩu được học sinh viết tắt với những ký tự rất dễ dịch.
Việc nói tục lâu ngày thành thói quen làm cho tiếng Việt trở nên méo mó, đồng thời tác động tiêu cực đến tư duy, nhân cách sống của giới trẻ. Tôi nhớ hồi xưa, thời đi học, học sinh nói tục, chửi bậy là lỗi bị phạt rất nặng, bị "tổ sao đỏ" nhà trường, lớp trưởng ghi vào sổ theo dõi, giáo viên ghi vào sổ ghi đầu bài. Học sinh vi phạm lỗi đó bị nhắc nhở, phê bình trước lớp thậm chí hạ hạnh kiểm. Bởi đó là hành vi bất lịch sự, thiếu tôn trọng, xúc phạm người khác…
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới "trào lưu nói tục" của một bộ phận giới trẻ như: Tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường; sự xâm nhập của các loại hình văn hóa "lố lăng", "phản cảm" thông qua mạng internet; môi trường sống của gia đình, khu dân cư; sự thiếu quan tâm, gương mẫu của người lớn trong việc giáo dục, uốn nắn con trẻ… Cũng phải nhìn nhận một thực tế là các nhà trường hiện nay vẫn nghiêng nhiều về dạy kiến thức mà chưa chú trọng đến việc điều chỉnh hành vi, lối sống của học sinh.
Để hạn chế, ngăn ngừa sự lây lan của căn bệnh "nói tục", xây dựng lối ứng xử văn hóa, văn minh trong giới trẻ, sự giáo dục của gia đình, nhà trường đóng vai trò hết sức quan trọng. Ông bà, bố mẹ cần quan tâm, chia sẻ, động viên, trang bị những hiểu biết văn hóa, ứng xử chuẩn mực từ những hoạt động, sinh hoạt thường ngày cho con trẻ; là tấm gương sáng trong mỗi hành vi, lời nói để các em noi theo. Nhà trường cần định hướng cho các em những giá trị tốt đẹp của tiếng Việt; từ đó, nâng cao ý thức giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ. Mặt khác, tạo cơ hội, khích lệ tinh thần học hỏi của học sinh nói và làm theo lời hay ý đẹp; có biện pháp để chấn chỉnh những hành vi không đẹp trong học đường.
Ý kiến bạn đọc (0)