Chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu phải xác thực vân tay, khuôn mặt
Các ngân hàng đồng loạt thông báo khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học (vân tay, nhận diện khuôn mặt) để chuyển tiền trực tuyến từ 10 triệu đồng trở lên, thời gian thực hiện từ 1/7 tới.
Từ đầu tuần này, Minh Phương (Hà Nội) liên tục nhận thông báo từ các ngân hàng, yêu cầu đăng ký sinh trắc học để chuẩn bị áp dụng quy định mới trong giao dịch gửi tiền. Những thông báo được lặp lại qua ứng dụng tin nhắn (sms) và trực tuyến.
Các ngân hàng thông báo, từ 1/7 tới, chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu đồng mỗi lần hoặc hơn 20 triệu mỗi ngày phải được xác thực bằng sinh trắc học (vân tay, nhận diện khuôn mặt) khớp với dữ liệu trên căn cước công dân (CCCD) gắn chip.
Khách hàng thực hiện cập nhật sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng. |
Ngoài ra, việc chuyển đổi ứng dụng giao dịch trực tuyến, hoặc thanh toán hóa đơn định kỳ trên 100 triệu đồng cũng được một số nhà băng yêu cầu phải xác thực bằng hình thức này.
Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công thương (VietinBank) cho hay, tới nay, khoảng vài trăm nghìn khách hàng của VietinBank đã chủ động cập nhật xác thực sinh trắc học trên ứng dụng của ngân hàng.
Từ đầu tháng 6, ngân hàng sẽ gửi thông báo tới khách hàng, ưu tiên trước với nhóm thường xuyên chuyển tiền trên 10 triệu hoặc chủ tài khoản trước đây được xác thực bằng căn cước công dân cũ (chưa gắn chip).
Yêu cầu sinh trắc học khi chuyển tiền là nội dung trong Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước, liên quan đến giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thẻ ngân hàng, áp dụng từ đầu tháng 7.
Trường hợp chuyển từ 10 triệu đồng trở xuống và tổng số tiền chuyển các lần trong ngày không quá 20 triệu sẽ không phải xác thực sinh trắc học.
Nếu khách hàng chuyển dưới 10 triệu đồng mỗi lần, nhưng tổng các giao dịch trong ngày chạm mốc 20 triệu, thì lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.
Trường hợp khách hàng cá nhân trước khi giao dịch lần đầu bằng ứng dụng ngân hàng (mobile banking) hoặc giao dịch trên điện thoại, máy tính khác với thiết bị đang giao dịch lần gần nhất, cũng phải được nhận dạng sinh trắc học.
Việc đăng ký sinh trắc học, theo thông báo các ngân hàng, thực hiện trực tiếp qua ứng dụng trực tuyến. Thiết bị này phải có chức năng quét khuôn mặt hoặc vân tay và có tính năng đọc NFC (Near- Field Communications - kết nối không dây trong phạm vi ngắn). Trường hợp thiết bị của khách hàng không đủ chức năng, họ có thể tới chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng gần nhất để được hỗ trợ.
Quy định mới được nhà chức trách đưa ra trong bối cảnh các vụ lừa tiền, lừa đảo trên mạng xảy ra liên tục thời gian gần đây. Nạn nhân bị lừa tăng, dù các ngân hàng, cơ quan quản lý cảnh báo qua nhiều kênh thông tin.
"Lâu nay, kẻ gian thường che giấu danh tính thật và xóa dấu vết dòng tiền lừa đảo bằng cách mua, thuê các tài khoản 'rác' để chuyển tiền qua lại", Phó tổng giám đốc Vietinbank nói, thêm rằng việc áp dụng xác thực sinh trắc học sẽ hạn chế tài khoản không chính chủ chuyển tiền, ngăn chặn luân chuyển của dòng tiền lừa đảo.
Mặt khác, việc có thêm một lớp xác thực bằng sinh trắc học bên cạnh SMS OTP, Soft OTP, theo ông Lân, cũng gia tăng hàng rào bảo vệ cho tiền của chính chủ tài khoản.
Nói tại Quốc hội chiều 23/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng tăng phòng, chống hành vi gian lận trong mở, sử dụng tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử định danh (eKYC).
"Xác thực bằng sinh trắc học sẽ tăng an toàn cho chủ tài khoản. Đây là biện pháp hạn chế sử dụng tài khoản không chính chủ có hành vi vi phạm pháp luật", bà Hồng nói.
Đại diện một ngân hàng cũng đánh giá, nhận dạng, xác thực qua sinh trắc học là biện pháp tối ưu nhất hiện nay để hạn chế tối đa làm giả và có tính bảo mật rất cao.
Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, cơ quan này đang dự thảo Thông tư hướng dẫn về mở và sử dụng tài khoản thanh toán. Trong đó, quy định mới được bổ sung là người dân phải sử dụng căn cước công dân gắn chip khi mở tài khoản điện tử tại ngân hàng.
"Việc sử dụng căn cước công dân gắn chip sẽ khắc phục tình trạng giả mạo tài khoản", bà Hồng nói.
Trường hợp người dân không có CCCD gắn chip, họ sẽ phải đến ngân hàng để xác minh, làm thủ tục nhận biết chính chủ tài khoản. Đồng thời, các ngân hàng phải có giải pháp theo dõi giao dịch, kiểm soát, đánh giá trong và sau khi khách hàng mở tài khoản để kịp thời phát hiện những tài khoản có dấu hiệu đáng ngờ.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)