Về Tiền Phong nghe chuyện chống càn
BẮC GIANG - Cụ Lương Ngọc Kế ở thôn Bình An, xã Tiền Phong (Yên Dũng) năm nay 94 tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng. Nhanh nhẹn, hoạt bát, hơn 10 tuổi cụ đã được đưa vào phụ trách thiếu niên, nhi đồng ở xã. Từ năm 1949 đến 1954, cụ là Thường trực Uỷ ban Kháng chiến hành chính xã Mỹ Nội (nay là xã Nội Hoàng và xã Tiền Phong), huyện Yên Dũng.
Trong ngôi nhà khang trang rợp bóng cây xanh, cụ Kế sống mạnh khỏe, sum vầy cùng con cháu. Mặc dù tuổi cao nhưng cụ còn khá minh mẫn, nhanh nhẹn. Khi tôi ngỏ ý muốn nghe cụ kể về những ngày quân và dân trong xã tham gia đánh Pháp, chống càn, cụ với tay lấy cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Tiền Phong”, lật lật vài trang, cụ bảo: “Hơn bảy chục năm rồi, những mốc lịch sử cụ thể tôi không nhớ lắm, nó nằm ở trong cuốn sử này, nhưng mà khí thế chống giặc, bám làng để chống càn của quân và dân nơi đây thì tôi vẫn nhớ”.
Cụ Lương Ngọc Kế (bên trái) kể về những ngày đánh Pháp. |
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, với âm mưu quyết chiếm nước ta một lần nữa, thực dân Pháp trắng trợn vi phạm những điều khoản đã ký kết với Chính phủ ta. Trước vận mệnh đất nước, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào đêm 19/12/1946 của Bác Hồ đã tác động mạnh mẽ đến lòng yêu nước của nhân dân ta. Huyện Yên Dũng đã thành lập một trung đội tự vệ bao vây quân Pháp ở Câu lạc bộ Tây.
Đội tự vệ xã (cả làng Bình An và Ảm Trứ) cũng được lệnh huy động lên Phủ Lạng Thương để đắp ụ, bao vây cản bước quân địch. Quân và dân xã Tiền Phong với nhiều cách đánh sáng tạo như buộc rơm vào đuôi trâu, tẩm dầu đốt rồi đuổi trâu chạy vào bãi mìn của địch khiến cho mìn nổ hàng loạt, mở đường cho quân ta tiến công. Bà con còn xếp đầy bao cát lên toa tàu hỏa làm lá chắn đẩy vào hướng địch cho các chiến sĩ ta tiến theo.
Với vị trí chiến lược, làng Bình An có địa thế hiểm trở, chỉ có một con đường độc đạo chạy qua, hai bên là núi Nham Biền có nhiều thung lũng, khe lạch, làng được xây dựng trở thành hậu cứ. Bà con nhân dân nuôi giấu du kích, bộ đội, thương binh. Xung quanh làng được rào giậu kín đáo, có hệ thống giao thông hào dài hàng nghìn mét với hàng trăm hầm bí mật, hàng nghìn hố tránh phi pháo. Không chỉ là căn cứ vững chắc của xã, Bình An còn là căn cứ vững chắc của huyện, một số cơ quan của huyện cũng sơ tán về đây. Chùa Diên Khánh ngày nay chính là địa điểm được lựa chọn để tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Yên Dũng lần thứ Nhất (tháng 5/1948).
Câu chuyện của cụ Lương Ngọc Kế về những ngày tháng hào hùng giúp chúng ta hiểu sâu thêm về lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Chi bộ và nhân dân xã Tiền Phong - đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đó còn là minh chứng cho sự đoàn kết, yêu nước, dũng cảm của mỗi người dân khi Tổ quốc bị xâm lược. |
Cụ Kế kể rằng, khi giặc Pháp càn quấy, hưởng ứng chiến dịch “Tiêu thổ kháng chiến”, phá cho rộng, phá cho sâu, phá cho bọn Pháp không lợi dụng được, du kích và nhân dân trong xã đã đắp ụ trên đê Sông Thương, phá nhiều đoạn trên tuyến đường 34 để ngăn cản xe cơ giới của địch tràn vào làng. Cùng đó huy động bà con chặt hàng trăm cây tre già mang đến cắm cọc xuống kè Bến Đám để chống quân địch nhảy dù.
Còn làng Ảm Trứ cũng có vị trí đặc biệt, làng dài tận 2 km, có 36 ngõ như cài răng lược, ngõ này cách ngõ kia một cái ao. Đầu làng là khu rừng Lai (còn gọi là đầu rừng) - cửa ngõ vào làng. Rừng Lai là nơi giáp ranh giữa 3 xã: Tiền Phong, Song Khê, Nội Hoàng. Khu này ngày xưa cây cối rậm rạp, là nơi du kích thường tập kết để chống càn. Nhiều nhất là tre. Tre mọc ken dày để cản bước lính Tây, tre ngăn làng rào cổng, tạo điều kiện cho quân ta đánh du kích; tre cũng là nguyên liệu để bà con vót chông, gia cố hầm hào chiến đấu.
Phía sau làng là con ngòi Ảm đầy vơi theo con nước, nối giữa sông Cầu với sông Thương, có bến thuyền nhộn nhịp, là tuyến giao thông đường thủy quan trọng, vừa giao thương hàng hóa vừa để du kích bí mật tiếp cận các vị trí cần thiết. Khi xây dựng làng chiến đấu, quân và dân Ảm Trứ đã đào giao thông hào ngay sát con ngòi này, bên dưới những lũy tre. Phía trên con ngòi là vòng Lịm đi sang làng tề (làng bị chiếm đóng). Với vị trí địa lý như vậy nên những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, làng Ảm Trứ được chọn xây dựng làng kháng chiến kiểu mẫu của tỉnh.
Thôn xóm đều được rào kín, có giao thông hào bao quanh và bố trí dân quân du kích thường xuyên canh gác, tuần tra ban đêm, lập chòi báo động, kiểm soát người lạ mặt, giữ gìn an ninh trật tự trong nhân dân. Khi nghe kẻng thì du kích ở lại làng, đồng thời báo động cho dân làng chạy đi sơ tán ở các làng ven núi Phượng Hoàng. Nhiều nhà lớn của nhân dân và những công trình công cộng như đình, chùa, đường sá, cầu cống bị triệt phá để tiêu thổ kháng chiến, làm chậm bước tiến công của quân địch, không cho chúng sử dụng làm nơi đóng quân đánh lại ta.
Để bảo đảm cho việc ăn, mặc, ở, người dân đã tích cực tăng gia sản xuất, ruộng bỏ hoang được phục hóa, mương máng được sửa chữa, trồng bông, trồng dâu để dệt vải nhằm thực hiện khẩu hiệu “tự túc ăn mặc” do Tỉnh ủy Bắc Giang phát động. Các đội văn nghệ cũng được thành lập, thường xuyên biểu diễn những vở kịch có nội dung ca ngợi công cuộc kháng chiến kiến quốc, xây dựng đời sống mới để cổ vũ, khích lệ tinh thần yêu nước của nhân dân.
9 năm kháng chiến anh dũng, địch đã pháo kích và ném hơn 150 trận bom, 74 trận càn lớn nhỏ, hơn 60 người dân bị giết hại, nhiều người mất tích, hàng trăm nóc nhà bị đốt trụi… Câu chuyện của cụ Lương Ngọc Kế về những ngày tháng hào hùng giúp chúng ta hiểu sâu thêm về lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Chi bộ và nhân dân xã Tiền Phong - đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đó còn là minh chứng cho sự đoàn kết, yêu nước, dũng cảm của mỗi người dân khi Tổ quốc bị xâm lược.
Bài, ảnh: Tuấn Minh
Ý kiến bạn đọc (0)