Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp
BẮC GIANG - Chiều 15/1, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ 9 của BCĐ nhằm triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì tại điểm cầu trung tâm. |
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp, việc rà soát, xử lý vướng mắc, bật cập về CCHC đã được tích cực triển khai. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường.
Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hoạt động với 64 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể. Tính đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành 18/21 nhiệm vụ. Chính phủ đã tổ chức 11 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; trình Quốc hội thông qua 29 luật; ban hành 182 nghị định, 496 thông tư.
Kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy tại 63 tỉnh, TP năm 2024 đã giảm 12 tổ chức chi cục, phòng và tương đương của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 29 tổ chức phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện. Như vậy đến nay đã giảm 13 sở và tương đương, 2.613 tổ chức cấp phòng và tương đương ở địa phương.
Tổng số biên chế được tinh giản theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ là 16.149 người (trong đó, bộ, ngành là 217 người, địa phương là 15.932 người).
Về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, đã thành lập mới TP Huế trực thuộc Trung ương; sắp xếp 37 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.178 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp giảm 9 đơn vị cấp huyện và 563 đơn vị cấp xã.
Phát biểu tham luận tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, đồng chí Mai Sơn cho biết: Tỉnh Bắc Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có nhiều giải pháp trong công tác xây dựng thể chế, đẩy mạnh cải cách thể chế để góp phần xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, tập trung xây dựng môi trường đầu tư và kinh doanh bình đẳng, lành mạnh.
Đồng chí Mai Sơn phát biểu tham luận tại điểm cầu Bắc Giang. |
Năm 2024, HĐND, UBND tỉnh đã thông qua, ban hành 68 văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời triển khai thực hiện đồng bộ các quy định pháp luật mới ban hành.
Chỉ đạo thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành theo chuyên đề, lĩnh vực về giá; liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; ưu đãi đầu tư; nhà ở, bất động sản, tư pháp, thanh tra, phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp.
Qua rà soát đã kịp thời phát hiện các văn bản có nội dung không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và kiến nghị xử lý bằng hình thức sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ.
Qua theo dõi thi hành pháp luật, Bắc Giang đã đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật, đưa ra các kiến nghị hoàn thiện pháp luật và các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Kết thúc mỗi đợt theo dõi thi hành pháp luật, Chủ tịch UBND tỉnh đều ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt trong công tác cải cách thể chế, đã tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh 3 năm liên tiếp (2022, 2023, 2024) dẫn đầu cả nước. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 60 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2023, xuất siêu 6 tỷ USD. Thu hút đầu tư toàn tỉnh đạt trên 2,3 tỷ USD. Các chỉ số cơ bản đều trong tốp 10 của cả nước. Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) nằm trong nhóm “cao nhất” cả nước.
Trên cơ sở thực tiễn thực hiện nhiệm vụ cải cách thể chế ở địa phương, UBND tỉnh Bắc Giang đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa cho địa phương. Tập trung chỉ đạo sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các quan điểm mới trong xây dựng pháp luật theo hướng khả thi, dễ áp dụng trên thực tế. Nghiên cứu bổ sung rõ trường hợp được ban hành trong trường hợp cấp bách để giải quyết yêu cầu phát sinh trong thực tiễn; vấn đề hiệu lực trở về trước của văn bản…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Một trong những điểm sáng của cả nước đó là thực hiện cuộc “cách mạng” về tinh gọn bộ máy, tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng đến toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và đang được toàn Đảng, toàn dân quan tâm, ủng hộ.
Tuy nhiên, công tác CCHC còn những tồn tại, hạn chế, doanh nghiệp, người dân tiếp cận nền hành chính công chưa thực sự thông thoáng, thuận tiện. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương có nơi, có lúc còn chậm, hiệu quả chưa cao. Trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức ở một số nơi còn thấp. Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp thực tiễn, chậm sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ...
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, tạo hành lang pháp lý, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa cải cách thủ tục hành chính (TTHC) với chuyển đổi số.
Cắt giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số quốc gia và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tập trung thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, phương án phân cấp trong giải quyết TTHC đã được phê duyệt.
Đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, gắn kết việc số hóa với thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức và quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC của người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó tập trung triển khai phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước để không bị gián đoạn hoặc bỏ sót công việc trên tinh thần "Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả".
Rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương gắn với tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo quy định.
Ý kiến bạn đọc (0)