Tăng cường tuyên truyền, tập huấn kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy
Tăng cường tập huấn kỹ năng an toàn PCCC và CNCH cho doanh nghiệp, người dân. Ảnh minh họa. |
Kế hoạch nhằm ngăn chặn, kiềm chế các vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan trong khu dân cư, hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp nhằm nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân, hộ gia đình về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH); trang bị kiến thức phòng ngừa, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn bảo vệ an toàn cho con người và tài sản của Nhà nước, của nhân dân.
Chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, phương tiện chữa cháy, CNCH với phương châm 4 tại chỗ “chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ” đảm bảo khả năng chữa cháy khi đám cháy mới phát sinh nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, con người do cháy, nổ, tai nạn, sự cố gây ra.
Theo đó, Kế hoạch đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Tiếp tục thực hiện Kết luận số 02 ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC; Chỉ thị số 01 ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới; Công văn số 1892 ngày 18/4/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác trang bị PCCC và CNCH; tiếp tục gắn trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu các đơn vị, địa phương về tình hình, kết quả công tác PCCC và CNCH theo địa bàn, lĩnh vực được giao phụ trách, quản lý.
Tăng cường công tác phổ biến kiến thức, tập huấn kỹ năng an toàn PCCC và CNCH cho người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh (bảo đảm đến 31/12/2023, 100% các hộ gia đình được trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy xách tay, mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 người được tập huấn nghiệp vụ PCCC và CNCH).
Các cơ quan, đơn vị, địa phương, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn tỉnh tổ chức phát động phong trào mỗi gia đình cán bộ, công chức, viên chức tự trang bị bình chữa cháy tại gia đình; đồng thời, xem xét trách nhiệm tham gia của cán bộ, đảng viên là một trong các nội dung bình xét thi đua cuối năm và gắn trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị đối với việc tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức thực hiện.
Tiếp tục rà soát, nhân rộng các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng”. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác PCCC và CNCH, bảo đảm phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH hoạt động nề nếp, hiệu quả.
Tuyên truyền rộng rãi, sâu rộng, phổ biến pháp luật về PCCC và CNCH đến người đứng đầu cơ sở, người lao động và người dân; nâng cao trách nhiệm về PCCC và CNCH của chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở trong việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC.
Phát động đợt cao điểm xây dựng phong trào sâu rộng trong cơ quan, đơn vị, khu dân cư, tổ dân phố, hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy; vận động cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức, nhà hảo tâm quan tâm ủng hộ kinh phí mua sắm bình chữa cháy phát tặng cho các đối tượng là hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh.
Định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá phong trào vận động cơ quan, tổ chức, hộ gia đình về trang bị phương tiện chữa cháy và tuyên truyền, huấn luyện kiến thức pháp luật, kỹ năng về PCCC và CNCH, bảo đảm phong trào thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, lãng phí.
Ý kiến bạn đọc (0)