Phòng, chống tham nhũng qua kiểm soát tài sản, thu nhập: Hiệu quả thấp
Nặng tính hình thức
Trước thềm đại hội đảng các cấp, một trong những vấn đề được người dân quan tâm đó là việc kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) của nhân sự dự kiến bầu vào cấp ủy. Đây được xem là yếu tố quan trọng để phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả.
Công khai bản kê khai tài sản, thu nhập là một trong những biện pháp phòng, chống tham nhũng. |
Số liệu của Thanh tra tỉnh Bắc Giang, năm 2018, toàn tỉnh có 10.644 người thuộc 79/79 đơn vị đầu mối (40 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; 10 huyện, TP; 29 tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp và doanh nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh) thực hiện kê khai, minh bạch TSTN theo quy định. Kết quả, toàn tỉnh chưa phát hiện trường hợp nào kê khai không trung thực; không có ai phải giải trình rõ việc kê khai; không có ai bị xử lý vi phạm các quy định về minh bạch TSTN cũng như phải thực hiện quy trình xác minh của cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, khi kiểm tra ở một đơn vị, Ban Nội chính Tỉnh ủy Bắc Giang đã phát hiện một đồng chí Bí thư Đảng ủy xã còn kê khai có cả … tầu bay. Một số nơi, nhiều cán bộ không nắm được biến động tài sản thu nhập của vợ chồng dẫn đến kê chưa hết, kê nhà không kê đất và ngược lại.
Thậm chí có sự chênh lệch giữa 2 bản kê khai của vợ chồng đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều đối tượng thuộc diện phải kê khai có tâm lý giấu giếm tài sản, e dè, không muốn “phơi bày” nhưng một số người lại kê khai những tài sản mà thực tế không có với suy nghĩ: Cứ kê vào, biết đâu sau này còn có lý do đối phó?
Nhận thức rất sâu sắc về việc phát huy vai trò của người dân và xã hội trong cuộc chiến chống tham nhũng, Bộ Chính trị, T.Ư Đảng và Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp nhằm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng, trong đó có việc kê khai, kiểm soát việc kê khai TSTN. Thế nhưng quy định hiện hành còn nhiều bất cập. Chẳng hạn như: Việc công khai bằng một trong hai hình thức là niêm yết và công bố trong cuộc họp. Tuy nhiên, hầu hết các cơ quan, đơn vị thực hiện bằng việc đọc lướt tại cuộc họp; rất ít cơ quan, đơn vị niêm yết.
Đặc biệt là không có quy định về việc công khai bản kê khai TSTN tại nơi cư trú để người dân được tiếp cận, giám sát, từ đó phản ánh những biểu hiện bất bình thường về tài sản của công chức, giúp cho cơ quan Nhà nước phát hiện ra sự thiếu trung thực. Khó khăn còn do bản kê khai sau khi công bố lại lưu giữ trong hồ sơ cán bộ-một dạng tài liệu mật nên khó tiếp cận. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền chưa chủ động xác minh tài sản của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai.
Công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế. Thiếu cán bộ đủ chuyên môn để đọc, thẩm định, đánh giá và phát hiện những điều bất hợp lý trong các bản kê khai. Việc xác minh lại quá phức tạp dẫn đến số bản kê khai được xác minh là rất ít. Thực tế nhiều năm qua, cơ quan chức năng tỉnh chưa tiến hành một cuộc xác minh nào liên quan đến TSTN của cán bộ, đảng viên.
Khắc phục khó khăn
Thực tiễn thi hành cho thấy hiện nay còn nhiều điều bất cập trong các văn bản pháp luật về kê khai và kiểm soát việc kê khai TSTN. Chẳng hạn như nhiều chủ thể tham gia nhưng lại không có cơ chế kiểm soát hữu hiệu các bản kê khai. Hay như nhiều đối tượng phải kê khai hằng năm dẫn đến dàn trải.
Chính vì vậy, tháng 10- 2019, Thanh tra Chính phủ có văn bản hướng dẫn dừng việc kê khai TSTN năm 2019, đồng thời đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định về kiểm soát TSTN trình Chính phủ xem xét trên cơ sở Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
Việc kê khai TSTN là vấn đề nhạy cảm, phức tạp và rất dễ bị lợi dụng để khiếu nại, tố cáo. Trong khi chờ Nghị định hướng dẫn, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện một số giải pháp. Đó là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu gương mẫu trong việc kê khai TSTN.
BTV Tỉnh ủy đã ban hành Quy định đưa công tác kê khai tài sản và kiểm soát thu nhập của đảng viên thành một chế định trong hoạt động kiểm tra, giám sát định kỳ của tổ chức đảng (trước đây phải có đơn thư tố cáo hoặc có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong việc chuẩn bị nhân sự phục vụ bầu cử, bổ nhiệm mới xác minh bản kê khai).
Ông Lã Thế Nam, Trưởng phòng Thanh tra phòng, chống tham nhũng (Thanh tra tỉnh Bắc Giang) cho biết: Theo Dự thảo Nghị định quy định về kiểm soát TSTN mà Thanh tra Chính phủ đang xin ý kiến thì hằng năm, Thanh tra tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch xác minh TSTN với số lượng tối thiểu 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát.
Việc lựa chọn người được xác minh tiến hành bằng cách bốc thăm (hoặc sử dụng phần mềm lựa chọn ngẫu nhiên) với sự tham dự, chứng kiến của đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và đại diện cơ quan tổ chức được xác minh. Số lượng người được lựa chọn tối thiểu là 2 người (trong đó có ít nhất 1 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu). Quy định mới cũng mở rộng đối tượng kê khai lần đầu song thu hẹp đối tượng kê khai từ lần thứ hai trở lên.
Việc công khai chỉ bằng hình thức duy nhất là niêm yết trong thời hạn 30 ngày tại trụ sở của cơ quan, tổ chức, đơn vị để nhân dân dễ dàng tiếp cận, giám sát. Dự thảo cũng quy định chế tài xử lý rất nặng đối với các hành vi vi phạm, thậm chí kê khai TSTN thiếu trung thực có thể bị cách chức.
Theo ông Nam, đây là bước tiến quan trọng trong việc kiểm soát TSTN của người có chức vụ quyền hạn. Khi Nghị định được thi hành sẽ khắc phục cơ bản những tồn tại, hạn chế, khắc phục tính hình thức của việc kê khai TSTN. Thanh tra tỉnh sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường công tác tập huấn, phổ biến pháp luật về nội dung này nhằm nâng cao nhận thức cho người có nghĩa vụ phải kê khai.
Tuấn Minh
Ý kiến bạn đọc (0)