Phòng, chống tham nhũng, lãng phí: Nhiều chuyển biến tích cực
Lấp kẽ hở, bất cập của cơ chế, chính sách
Nguyên Giám đốc và Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Yên Thế nhận án tù liên quan đến tham nhũng. |
Một trong những kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết 109 đó là Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo. Tỉnh duy trì chế độ giao ban quý giữa thường trực cấp ủy các cấp và các cơ quan nội chính để kịp thời chỉ đạo, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.
Kế hoạch bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; quy định về chế độ báo cáo các cuộc kiểm tra, thanh tra trên địa bàn tỉnh; công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, huyện trong điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án tham nhũng, kinh tế được ban hành, chỉ đạo thực hiện.
Những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực như: Quản lý tài chính ngân sách; đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản; đầu tư xây dưng cơ bản; thực hiện chính sách xã hội; công tác tổ chức cán bộ... cũng được chỉ rõ để đề ra các giải pháp phòng ngừa. Nổi bật, Tỉnh ủy chỉ đạo nghiêm cấm sử dụng ngân sách để mua quà tặng; tiết giảm trong chi tiêu hành chính; không mua ô tô, không tổ chức các đoàn đi nghiên cứu thực tế ở nước ngoài; thực hiện nghiêm việc tiết kiệm 10% chi thường xuyên và tiết kiệm chi theo quy định.
Trên cơ sở đó, Sở Tài chính xây dựng định mức tiêu chuẩn về phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách cho các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương. Quy định này được cụ thể hóa trong quy chế chi tiêu nội bộ của từng cơ quan, đơn vị ứng với từng loại chức danh cán bộ, công chức, người lao động. Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát một số chính sách thu hút đầu tư. Sở Tư pháp, Sở Nội vụ đánh giá các quy trình, quy định, thủ tục hành chính.
Các cơ quan liên quan tham mưu xây dựng, hoàn thiện các văn bản quản lý, quy trình công tác nhằm lấp kẽ hở, bất cập của cơ chế, chính sách. 100% cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã cụ thể hóa việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong nội quy, quy chế làm việc của cơ quan. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền, cán bộ lãnh đạo các cấp quan tâm hơn đến việc tiếp nhận, đối thoại, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, vướng mắc, bức xúc của người dân, doanh nghiệp.
Việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác PCTN. 5 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ tỉnh đã thi hành kỷ luật 1.822 đảng viên, trong đó có 113 trường hợp bị phạt tù, 7 trường hợp bị xử lý hành chính. Số đảng viên vi phạm về tham nhũng, lãng phí và cố ý làm trái là 29 người; vi phạm trong quản lý tài chính, xây dựng cơ bản là 69 người; quản lý đất đai, khoáng sản là 98 người. Đặc biệt, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt. Thực hiện Nghị quyết 109, cơ quan công an đã thụ lý 37 vụ/63 bị can, kết luận điều tra đề nghị truy tố 28vụ/48 bị can.
Viện KSND hai cấp truy tố 28 vụ/46 bị can. TAND hai cấp xét xử 39 vụ/65 bị cáo, trong đó phạt tù chung thân 2 bị cáo; tù giam 50 bị cáo; cho hưởng án treo 3 bị cáo. Một số vụ án nổi bật như: Nguyễn Thị Thu Thúy, nguyên giao dịch viên Ngân hàng Công thương chi nhánh tỉnh Bắc Giang bị án tù chung thân về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; Hoàng Vương, nguyên cán bộ Chi cục Thuế huyện Tân Yên phạm tội “Tham ô tài sản” bị phạt tù chung thân; Trần Xuân Trường, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất và CCN huyện Yên Thế phạm tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” nhận mức án 20 năm tù; Trần Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất và CCN huyện Yên Thế phạm tội “Tham ô tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” bị tuyên phạt 9 năm 6 tháng tù; Nguyễn Tiến Duẩn, nguyên Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Yên Dũng phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” bị án 10 năm tù.
Bài học kinh nghiệm
Đồng chí Nguyễn Văn Luyến, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Nội chính Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết: Công tác PCTN có được những chuyển biến tích cực đó là nhờ sự vào cuộc chủ động, quyết liệt, kiên trì trong thực hiện đồng bộ các giải pháp. Nhận thức và trách nhiệm của cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác PCTN và đấu tranh PCTN nâng lên. Nhiều giải pháp phòng ngừa được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch hơn như: Hoàn thiện văn bản quản lý, quy trình công tác; xây dựng, kiểm soát định mức tiêu chuẩn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính...
Các cơ quan chức năng đã tích cực trong phối hợp, phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án. Vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các đoàn thể, cơ quan báo chí và nhân dân được phát huy tốt hơn, góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, công tác PCTN, lãng phí vẫn còn không ít khó khăn. Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, chưa sâu. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế, nhất là ở cơ sở. Tình trạng “dễ làm khó bỏ” vẫn còn. Kết quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa không đồng đều, có nơi còn né tránh những việc khó.
Đơn cử như giải pháp về điều chuyển vị trí công tác, hằng năm các cơ quan, đơn vị có thực hiện nhưng hầu như không hoàn thành kế hoạch, kết quả đạt được rất thấp. Kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản chưa được quan tâm đúng mức. Xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng còn khó khăn. Đáng chú ý, rất ít vụ việc tham nhũng được phát hiện qua nội bộ, chủ yếu do nhân dân tố cáo.
Tham nhũng vặt, vòi vĩnh còn xảy ra trên nhiều lĩnh vực nhưng chậm được phát hiện. Việc thanh tra, kiểm tra nhiều nhưng xử lý hạn chế, còn nể nang, né tránh, ngại va chạm. Tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản tham nhũng có tăng nhưng còn thấp so với thất thoát thực tế.
Để khắc phục, các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm, coi công tác PCTN, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm để tập trung lãnh đạo với quyết tâm chính trị cao. Hoàn thiện quy chế, quy trình trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, không để thiếu sót trong quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên. Đề cao vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức phải được tăng cường hơn nữa, làm sao để mỗi cán bộ, đảng viên biết xấu hổ, day dứt lương tâm khi bản thân có hành vi tham nhũng. Một giải pháp không thể thiếu đó là tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhất là quy định, quy trình giải quyết công việc trên các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực nhằm khắc phục sơ hở trong quản lý kinh tế, xã hội.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, báo chí, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể và nhân dân trong công tác PCTN, lãng phí.
Tuấn Minh
Ý kiến bạn đọc (0)