Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn
BẮC GIANG - Đã từ lâu nay, chị tôi có thói quen gom thức ăn thừa không dùng đến, vỏ rau, củ, quả, rơm rác, giấy báo, giấy ăn, bã cà phê, nước vo gạo … nhìn chung là những gì dễ phân hủy thải ra từ sinh hoạt hằng ngày để làm phân bón cho khoảnh đất trồng rau trước nhà.
Các thứ phế thải này chị gom lại, kiếm chút vôi bột, trấu để ủ rồi vùi xuống đất cho tơi xốp, trồng rau lên trên; chỉ có những chiếc túi ni lông là phải bỏ ra xe rác của công nhân vệ sinh. Với khoảnh đất nhỏ chưa đầy 10 m2, 3 gia đình chị em tôi hầu như rất ít phải mua rau ngoài chợ.
Tôi hay nói đùa với chị rằng chị xứng đáng được tặng giải thưởng về môi trường vì hằng ngày đã bằng hành động thiết thực giảm lượng chất thải sinh hoạt. Tuy nhiên, với nhà dân ở TP và ngay cả ở nông thôn - nơi còn có ruộng, vườn rộng rãi thì không phải ai cũng có thể kiên trì, chịu khó làm được như chị cho dù biết rằng việc làm như vậy có nhiều lợi ích.
Lâu nay, tại hầu hết các gia đình ở TP, việc phân loại rác thải, phế liệu được thực hiện theo cách thông thường, đó là những đồ vật cũ, hỏng kích thước lớn thì thuê xe chở đi bãi rác; thậm chí có thời điểm người dân còn tùy tiện vứt bỏ ở những chỗ đất trống, ven đê, điểm tập kết rác tạm. Vỏ chai lọ nhựa, vỏ lon kim loại, giấy, bìa… được gom bán phế liệu.
Một số nơi chi hội phụ nữ có phong trào thu gom phế liệu để thực hiện mô hình tiết kiệm xanh giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Cũng có nơi tổ chức đổi phế liệu lấy cây xanh, làn nhựa. Thức ăn thừa ở một số gia đình được thu gom, tận dụng để chăn nuôi. Tuy vậy, do việc phân loại phế liệu, rác thải sinh hoạt cũng tốn thời gian, công sức, hơn nữa những thứ rác tái chế nếu có đem bán cho người thu mua phế liệu cũng chẳng được bao nhiêu nên phần nhiều gia đình vứt bỏ hổ lốn các loại phế liệu lẫn với rác thải sinh hoạt vào thùng rác rồi bỏ ra hè phố chờ xe gom của công nhân vệ sinh đô thị.
Thực tế thì rác thải, phế thải hiện nay ở các gia đình không đơn thuần chỉ có rác hữu cơ trong sinh hoạt. Ngoài phế liệu có thể tái chế còn có những thứ người thu mua phế liệu từ chối, ví như vỏ chai thủy tinh đựng rượu, mắm, thuốc tây; các loại bóng đèn điện, pin… Còn nữa, quần áo, chăn màn, đệm cũ… Đây đều là những loại phế liệu không tự phân hủy được và rất có hại cho môi trường nếu chỉ đem thải bỏ đơn thuần.
Hiện nay, việc quản lý, phân loại rác thải đã được luật hóa, nhưng trong thực tế, những quy định này vẫn chưa thực sự điều chỉnh được hành vi của người dân; chủ yếu vẫn trông chờ vào nhận thức, ý thức của từng người, từng nhà. Vấn đề ở đây là nếu rác có được phân loại tại hộ thì khi bỏ ra hè phố vẫn được thu hết lên xe gom, cuối cùng tải ra bãi chôn lấp rác chung của TP. Cần lắm những giải pháp đồng bộ về quản lý, về công nghệ và nguồn lực để việc phân loại rác tại nguồn được thực hiện hiệu quả.
Ý kiến bạn đọc (0)