Bỏ đề xuất không tổ chức HĐND quận, phường trên cả nước
Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi trình Quốc hội ngày 12/2 đã bỏ đề xuất không tổ chức HĐND quận, phường trên cả nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo đã chỉnh lý theo hướng giữ nguyên mô hình chính quyền địa phương như luật hiện hành; trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương.
![]() |
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đọc Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi. |
Trong dự thảo mới nhất, tất cả đơn vị hành chính các cấp sẽ có HĐND và UBND. "Quy định này nhằm bảo đảm việc tiếp tục thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại một số thành phố trực thuộc trung ương theo Luật Thủ đô và các nghị quyết của Quốc hội", Bộ trưởng Thanh Trà nói.
Dự luật nêu các đơn vị hành chính của Việt Nam bao gồm cấp tỉnh (gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương), xã (xã, phường, thị trấn) và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Tùy theo điều kiện địa lý, dân cư, yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, các đảo, quần đảo là đơn vị hành chính cấp huyện có thể không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã. Chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã gồm có HĐND và UBND; trừ trường hợp cụ thể Quốc hội quy định không phải là cấp chính quyền địa phương.
Quốc hội quy định tổ chức chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt khi thành lập.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục duy trì mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện hành và các luật, nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị.
Theo ông Tùng, việc giữ ổn định mô hình tổ chức chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan có thời gian tiếp tục tập trung nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới trước khi đổi mới đồng bộ, tổng thể bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương thực sự tinh gọn, phù hợp vào thời điểm thích hợp.
Thời gian qua, Quốc hội đã cho phép Hà Nội thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại Luật Thủ đô. Một số thành phố trực thuộc trung ương khác cũng triển khai mô hình chính quyền đô thị, bước đầu phát huy hiệu quả tích cực. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện việc tổ chức mô hình, trên cơ sở đó đề xuất để thực hiện tổng thể, thống nhất trên cả nước.
Tại dự thảo gửi Bộ Tư pháp thẩm định giữa tháng 1, Bộ Nội vụ đề xuất không tổ chức HĐND cấp quận, phường trên cả nước. Bộ cho rằng ở khu vực đô thị gồm quận, thành phố thuộc tỉnh; phường thuộc quận; phường, xã của thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, không cần thiết tổ chức HĐND. Những đơn vị hành chính này chỉ tổ chức UBND, hoạt động theo cơ chế thủ trưởng hành chính và trực thuộc UBND cấp trên. Chủ tịch và các phó chủ tịch UBND sẽ do chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm.
Ngược lại, đối với khu vực nông thôn, bao gồm tỉnh, huyện, xã, thị trấn (ngoại trừ xã thuộc thành phố thuộc tỉnh và xã thuộc thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương), Bộ Nội vụ đề xuất tổ chức đầy đủ cấp chính quyền địa phương đầy đủ gồm cả HĐND và UBND.
Theo Bộ Nội vụ, việc tổ chức chính quyền địa phương hiện nay bộc lộ một số bất cập, đặc biệt là ở đô thị lớn. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện hành chưa thực sự phù hợp với đặc thù của đô thị, dẫn đến việc Quốc hội phải ban hành các nghị quyết riêng biệt để quy định tổ chức chính quyền đô thị cho Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hải Phòng. Một điểm chung trong các nghị quyết này là đều quy định không tổ chức HĐND cấp quận, phường.
Trên phạm vi cả nước, phần lớn đơn vị hành chính vẫn tổ chức cấp chính quyền địa phương đầy đủ gồm cả HĐND và UBND. Điều này khiến bộ máy chính quyền địa phương các cấp cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chưa đáp ứng được mục tiêu tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động theo chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Ý kiến bạn đọc (0)