Kiểm soát chặt khâu vận chuyển, thúc đẩy chăn nuôi an toàn
BẮC GIANG - Thời gian gần đây, bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên vật nuôi mặc dù đã được khống chế song nguy cơ lây nhiễm và bùng phát trở lại trên địa bàn tỉnh rất cao. Hơn nữa, trong bối cảnh thời tiết có nhiều bất lợi, một số dịch bệnh khác như: Tụ huyết trùng gia cầm, Newcastle, dịch tả vịt, tụ huyết trùng lợn, phó thương hàn... xảy ra lẻ tẻ tại các địa phương, đòi hỏi công tác phòng, chống dịch cần được đề cao hơn nữa.
Nguy cơ lây nhiễm cao
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, tình hình thời tiết đang có diễn biến phức tạp, làm giảm sức đề kháng của vật nuôi. Cụ thể, thời tiết lạnh, ẩm đã tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh phát triển, lây lan. Đồng thời, do hoạt động vận chuyển buôn bán động vật, sản phẩm động vật ra - vào tỉnh phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp lễ hội tăng, người chăn nuôi đang tích cực vào đàn làm tăng nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh động vật.
![]() |
Khu vực nuôi gà thả đồi của gia đình ông Nguyễn Văn Tú ở bản Xuân Môi, xã Xuân Lương. |
Đáng nói, dịp trước Tết vừa qua, dịch LMLM làm chết hàng trăm con lợn tại huyện Hiệp Hòa và lẻ tẻ tại nhiều địa phương khác trong tỉnh, đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây thiệt hại kinh tế lớn cho người chăn nuôi. Đối với cả nước, từ đầu năm đến nay dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 12 tỉnh, cúm gia cầm xảy ra tại 3 tỉnh và bệnh dại xuất hiện tại 13 tỉnh. Cộng với chăn nuôi nhỏ lẻ còn chiếm đa số, chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, nhiều đàn vật nuôi chưa được tiêm phòng vắc-xin... dẫn đến các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có nguy cơ cao xâm nhiễm và phát sinh trên địa bàn tỉnh.
Hộ ông La Văn Quỳnh, xã Lương Phong (Hiệp Hòa) đang nuôi hơn 500 con lợn. Nằm trong vùng chăn nuôi từng xuất hiện dịch LMLM, xác định nếu dịch bệnh lây lan vào trang trại sẽ gây thiệt hại rất lớn về kinh tế nên ông luôn tuân thủ quy trình bảo đảm an toàn trong chăn nuôi. Để bảo vệ đàn lợn, gia đình đã chủ động tiêm vắc-xin LMLM cho đàn lợn. Đồng thời thường xuyên phun tiêu độc khử trùng, chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, quan tâm đến việc quản lý người, phương tiện ra vào trại, công nhân ăn nghỉ và làm việc tại chỗ, phương tiện vào trại đều phải sát khuẩn.
“Chúng tôi thường xuyên quét dọn chuồng trại, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm xung quanh không để nước đọng ở khu vực chăn nuôi. Sử dụng các lưới để ngăn côn trùng, chuột mang mầm bệnh vào bên trong. Định kỳ tổ chức phun thuốc sát trùng 1- 2 lần/tuần toàn bộ diện tích chuồng nuôi và xung quanh để hạn chế mầm bệnh”, ông La Văn Quỳnh chia sẻ.
Còn với hộ ông Nguyễn Văn Tú ở bản Xuân Môi, xã Xuân Lương (Yên Thế) đang nuôi 2 nghìn gà thương phẩm theo hình thức thả đồi. Nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh cúm gia cầm nên thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, tiêm đầy đủ vắc-xin và áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên đàn gà phát triển tốt. “Hiện tại, thời tiết có nhiều bất lợi, mưa, nắng, ẩm đan xen kết hợp với các đợt không khí lạnh tăng cường làm cho gia cầm, nhất là gia cầm non không kịp thích nghi, sức đề kháng giảm. Để khắc phục tôi giữ ấm và cung cấp đủ dinh dưỡng cho vật nuôi”, ông Tú nói.
Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc
Những tháng gần đây, giá lợn hơi đang ở mức cao, có thời điểm đạt 72 nghìn đồng/kg, người nuôi có lãi lớn. Đây là điều kiện hấp dẫn để nhiều DN, cơ sở chăn nuôi có mong muốn tái đàn. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn là mối đe dọa thường trực với người chăn nuôi trong tỉnh nên việc tái đàn cần thận trọng và chỉ nên tái đàn khi thực sự bảo đảm an toàn như chuồng, môi trường chăn nuôi đã được vệ sinh khử trùng tiêu độc và tại địa phương không xuất hiện các dịch bệnh.
Đối với bệnh LMLM tại Hiệp Hòa, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với địa phương tổ chức khoanh vùng, khống chế dịch và tổ chức tiêm được 6 nghìn liều vắc-xin phòng dịch, đồng thời dự phòng vắc-xin để hỗ trợ các địa phương khi dịch tái phát. |
Đối với bệnh LMLM tại huyện Hiệp Hòa, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với địa phương tổ chức khoanh vùng, khống chế dịch và tổ chức tiêm được 6 nghìn liều vắc-xin phòng dịch, đồng thời dự phòng vắc-xin để hỗ trợ các địa phương khi dịch tái phát. Theo ông Hoàng Văn Dư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), các ngành, địa phương và người chăn nuôi cần xác định, công tác phòng bệnh cho động vật theo nguyên tắc “phòng bệnh là chính”, “phòng, chống dịch bệnh trước hết là trách nhiệm của chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi và doanh nghiệp”.
Trước diễn biến dịch bệnh như hiện nay, người chăn nuôi cần áp dụng đồng bộ một số biện pháp như: Che chắn chuồng trại, tránh mưa tạt, gió lùa. Đối với gia súc, gia cầm non phải nuôi trong các chuồng úm được thắp điện sưởi ấm, ít nhất 2 - 4 tuần. Thường xuyên bổ sung hoặc thay mới chất độn chuồng để luôn giữ ấm và khô ráo cho đàn vật nuôi. Thực hiện nghiêm ngặt lịch dùng vắc-xin theo quy định cho từng loại vật nuôi. Cung cấp đủ thức ăn, nước uống sạch, bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa... cho gia súc, gia cầm để nâng cao sức đề kháng.
Hằng ngày, kiểm tra theo dõi sức khỏe vật nuôi để phát hiện sớm, phòng trị kịp thời. Cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh; tổ chức tốt công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm để kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện kiểm tra vệ sinh thú y tại các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nơi buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh và kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường; đẩy mạnh việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. Xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết do dịch; ngăn chặn và xử lý nghiêm việc bán chạy, buôn bán, vận chuyển động vật mắc bệnh; vứt xác động vật ra môi trường; tiêm phòng vắc-xin bao vây ổ dịch, tiêm phòng tại các địa phương có nguy cơ cao...
Ý kiến bạn đọc (0)