Bắc Giang: Đổi mới sáng tạo để xanh hóa kinh tế
BẮC GIANG - Bắc Giang đang bước vào giai đoạn phát triển công nghiệp mới với trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao (CNC), công nghệ bán dẫn. Tuy nhiên, quá trình phát triển công nghiệp nói chung đang phải đối mặt với những thách thức mới, nổi bật là sự suy yếu của lợi thế so sánh truyền thống (mặt bằng, vị trí địa lý, nhân công giá rẻ), kiểm soát công nghệ cốt lõi và nhiệm vụ “các-bon kép”...
Lựa chọn đúng hướng
"Các-bon kép" là quá trình sản xuất đạt đỉnh phát thải các-bon và trung hòa các-bon hay nói cách khác là trong quá trình sản xuất sẽ phát thải các-bon ra môi trường với tỷ lệ thấp nhất. Đây là một cuộc cách mạng mang tính hệ thống, sâu rộng trong đời sống KT-XH. Việc đạt được mục tiêu “các-bon kép” có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi vừa sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường, vừa tác động sâu rộng trong việc thúc đẩy tự động hóa sản xuất công nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, hiện nay, 2 thị trường lớn của Bắc Giang là Mỹ, EU đang đưa ra nhiều quy định nghiêm ngặt khi nhập khẩu hàng hóa, trong đó có những quy định liên quan đến các sản phẩm phải được sản xuất bằng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo với tỷ lệ phát thải các-bon thấp.
![]() |
Sản xuất phụ tùng xe máy tại Công ty TNHH Nichirin Việt Nam, KCN Quang Châu (thị xã Việt Yên). |
Xác định rõ tầm quan trọng của phát triển công nghiệp CNC, tiêu tốn ít năng lượng, giảm khí thải các-bon, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15/10/2022, Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định số 1026 về ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030. Cùng đó, trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định phát triển toàn diện trên tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó công nghiệp là động lực tăng trưởng kinh tế chính. Ngoài ra, tỉnh đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cho ngành công nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tỉnh định hướng và huy động nguồn lực đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên (đất đai, vị trí địa lý, khí hậu…); cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường đầu tư…
Với sự tập trung cao, chỉ tính 3 năm gần đây, Bắc Giang thu hút hàng chục dự án hạ tầng công nghiệp và xây dựng nhà máy sản xuất với tổng vốn đầu tư hơn 6,5 tỷ USD (vốn quy đổi). Trong đó có một số dự án với tổng vốn đầu tư hàng trăm triệu USD như: Dự án mở rộng nhà máy sản xuất sản phẩm chất bán dẫn của Công ty TNHH Hana Micron Vina, Khu công nghiệp (KCN) Vân Trung (TX Việt Yên); dự án nhà máy sản xuất, gia công lắp ráp các loại pin lithium và linh kiện điện tử, bo mạch của nhà đầu tư Xinwei Electronic CO., Limited, KCN Yên Lư (TP Bắc Giang); dự án nhà máy Hanbo 2 của Công ty TNHH Hanbo Tech, KCN Hòa Phú (Hiệp Hòa) sản xuất các linh kiện kỹ thuật cao bằng kim loại.
Toàn tỉnh có 27 DN lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, tổng công suất 9,57 MWp. Hiện có hơn 50% DN trong các KCN của tỉnh áp dụng CNC, dây chuyền tự động trong sản xuất. |
Một trong những dự án đầu tư với dây chuyền sản xuất tự động hóa cao (đạt khoảng 85%) là các dự án của Fii (Foxconn Internet Industrial) Việt Nam thuộc Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn). Đại diện Fii Việt Nam cho biết, năm 2007, Fii đầu tư vào Bắc Giang. Nhờ nắm bắt đúng xu thế phát triển công nghiệp mới là ứng dụng tự động hóa trong sản xuất, sử dụng năng lượng tiết kiệm, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI)…, đến nay Fii Việt Nam đã thành lập 3 pháp nhân quan trọng tại Bắc Giang gồm: Công ty TNHH Fuhong Precision Component (Bắc Giang), Công ty TNHH Công nghệ Chính xác Fuyu, Công ty TNHH Precision Technology Component Fulian với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD. Năm 2024, Fii Bắc Giang tạo việc làm cho gần 4 vạn lao động; doanh thu tăng 50% so với năm 2023, nộp ngân sách 241 tỷ đồng.
Cùng với đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, ứng dụng CNC trong sản xuất, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã tự đầu tư sản xuất điện năng lượng mặt trời. Theo đại diện Công ty Điện lực Bắc Giang, toàn tỉnh hiện có 27 DN lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, tổng công suất 9,57 MWp. Qua đó, góp phần cung ứng thêm nguồn điện cho sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, giảm thiểu lượng khí thải các-bon ra môi trường, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Quyết liệt hành động
Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tỉnh giai đoạn 2021-2030 đề ra mục tiêu phát triển “Xanh hóa các ngành kinh tế” với những mục tiêu cụ thể như: Mức giảm tiêu hao năng lượng điện để sản xuất ra một đơn vị tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân giảm 1,5-2,0%/năm; tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 2,5-3%; tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GRDP; 100% các KCN, cụm công nghiệp (CCN) đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải; tỷ lệ nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường 90%.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh thực hiện nhiều nhóm giải pháp như: Đưa các nội dung, định hướng, chỉ tiêu về tăng trưởng xanh tích hợp vào quy hoạch tỉnh, lồng ghép trong kế hoạch phát triển KT-XH hằng năm (chỉ tiêu về môi trường, bảo đảm an sinh xã hội). Kết quả, năm 2024, mức giảm tiêu hao năng lượng điện để sản xuất ra một đơn vị GRDP giảm 3,3%. Theo Ban Quản lý Các KCN tỉnh, hiện có hơn 50% DN trong các KCN của tỉnh áp dụng CNC, dây chuyền tự động vào sản xuất.
Chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế phát thải các-bon thấp là xu thế tất yếu và yêu cầu đòi hỏi trong phát triển hiện nay. Để thực hiện tốt kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, cùng với chỉ đạo của các cấp chính quyền, ông Nguyễn Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh cho rằng, DN cần nắm bắt thông tin về các tiêu chí, quy định hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là ở những thị trường có yêu cầu bảo vệ môi trường cao như Mỹ, EU... để hiểu rõ "luật chơi sản xuất xanh - xuất khẩu xanh”, đồng thời tìm hiểu về thị trường các-bon, thuế các-bon; tranh thủ các nguồn tài chính xanh để chuyển đổi công nghệ. Các DN kinh doanh hạ tầng khu, CCN từng bước chuyển đổi mô hình phát triển bảo đảm bền vững. Xây dựng các khu, CCN đáp ứng tiêu chí xanh; thu hút các dự án đầu tư công nghệ sạch, tiêu thụ ít năng lượng. Các DN sản xuất công nghiệp cần nghiên cứu, đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ hiện đại theo các tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, DN cần đầu tư lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo để chủ động sử dụng năng lượng sạch đi đôi với các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất.
Tham gia vào phát triển nền kinh tế các-bon thấp, đổi mới sáng tạo có nhiều thách thức song đây là xu thế tất yếu của các DN. Kỳ vọng các DN Bắc Giang sớm nghiên cứu chuyển đổi, góp phần thực hiện thành công kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 của tỉnh.
Ý kiến bạn đọc (0)