Sáng tạo gây quỹ, tiếp sức hội viên phụ nữ
BẮC GIANG - Bám sát thực tiễn tại cơ sở, nhiều hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã đa dạng hóa cách làm, xây dựng thành công các mô hình gây quỹ hội. Qua đó, tạo nguồn lực để phát triển phong trào thi đua, giúp hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh.
Nhiều cách làm sáng tạo
Những ngày qua, cánh đồng ở thôn Đông Sơn, xã Đông Hưng (Lục Nam) luôn rộn vang tiếng nói cười của hội viên phụ nữ. Hàng chục chị em cùng nhau xuống đồng cấy hơn 1 nghìn m2 lúa vụ chiêm xuân. Đây là ruộng bỏ hoang của xã do các hộ được giao khoán không thể canh tác vì thiếu lao động. Chị Đào Thị Khuyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Hưng cho biết: “Trước đây, đời sống của chị em thôn Đông Sơn còn khó khăn nên việc vận động hội viên đóng quỹ hội còn hạn chế. Cách đây hơn 2 năm, Chi hội Phụ nữ thôn Đông Sơn mạnh dạn đề xuất với xã cho phép canh tác diện tích ruộng bỏ hoang để gây quỹ. Trừ chi phí, mỗi vụ, Chi hội thu về quỹ khoảng 10 triệu đồng”.
![]() |
Hội viên phụ nữ xã Danh Thắng (Hiệp Hòa) dọn mương nội đồng gây quỹ. |
Có được kết quả này, trong những ngày đầu triển khai, hàng chục hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Đông Sơn đã không quản ngại vất vả, đóng góp ngày công lao động phát quang cỏ dại, vun xới, gieo cấy, chăm sóc lúa. Mỗi khi lúa chín, nhìn cánh đồng lúa vàng trĩu bông, ai cũng phấn khởi. Cùng nhau làm việc, các chị em trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Từ đó, hội viên thêm hiểu nhau, đoàn kết hơn. Đến nay, số quỹ thu được từ mô hình cấy lúa của Chi hội khoảng 40 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, chi hội có kinh phí để tổ chức các hoạt động ý nghĩa, giúp chị em phát triển kinh tế, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia sinh hoạt.
Ngoài mô hình cấy lúa ở Lục Nam, căn cứ vào tình hình thực tế, nhiều chi hội phụ nữ trong tỉnh đã lựa chọn hình thức gây quỹ khác với việc đảm nhận các công trình, phần việc như trông tháo nước để chăm sóc lúa và hoa màu, vệ sinh môi trường... Dù là cách làm nào nhưng đều chung một mục đích là có thêm nguồn lực để giúp đỡ hội viên phụ nữ, trẻ em hoàn cảnh khó khăn, nâng cao chất lượng sinh hoạt hội. Đơn cử như mô hình dọn dẹp kênh mương gây quỹ của Hội LHPN các xã trên địa huyện Hiệp Hòa thu được hàng chục triệu đồng/năm. Từ mô hình đầu tiên của phụ nữ xã Danh Thắng, đến nay mô hình đã lan tỏa ra nhiều địa bàn trong huyện, hoạt động hiệu quả như: Lương Phong, Hương Lâm, Đông Lỗ...
Hay như tại xã Đồng Cốc (Lục Ngạn), mỗi năm hai lần, Hội LHPN xã phát động đợt cao điểm rửa xe gây quỹ hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, học sinh hoàn cảnh khó khăn tới trường. Mỗi đợt thu được từ 4-5 triệu đồng. Với một địa bàn vùng cao còn nhiều khó khăn như Đồng Cốc, mô hình của Hội LHPN xã đã góp phần giải quyết bài toán khó về xây dựng quỹ hội. Chị em không phải lo đóng một số khoản phí, quỹ khi tham gia sinh hoạt. Thông qua hoạt động mô hình còn góp phần gắn kết tình cảm giữa các hội viên, thúc đẩy các phong trào thi đua, khẳng định vai trò của hội trong hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Sử dụng hiệu quả nguồn quỹ
Kinh phí không phải là yếu tố quyết định nhưng lại ảnh hưởng lớn đến chất lượng sinh hoạt cũng như tổ chức các hoạt động của hội phụ nữ ở cơ sở. Tại nhiều địa phương ngân sách còn hạn chế, việc cấp kinh phí để tổ chức các hoạt động còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Khắc phục những khó khăn này, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo cấp hội cơ sở đa dạng hình thức gây quỹ, sử dụng nguồn quỹ hiệu quả. Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng tổ chức hội vững mạnh. Bên cạnh việc tự đóng góp tiền, ở cơ sở, các hội viên đã có những cách làm sáng tạo để chủ động về nguồn lực hơn trong tổ chức các hoạt động... Riêng hoạt động vệ sinh môi trường, phân loại rác thải, thu gom phế liệu năm 2024 của hội phụ nữ các địa phương trong tỉnh đã tiết kiệm được hơn 1,5 tỷ đồng.
Từ nguồn quỹ và vận động các nguồn lực, năm 2024, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tặng hơn 10 nghìn suất quà cho các gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng, hội viên, phụ nữ nghèo, nữ công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn... trị giá hơn 5,6 tỷ đồng; tặng 3 nghìn suất quà động viên thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quân sự trị giá hơn 450 triệu đồng. |
Thực tế cho thấy, những đơn vị nào có cách làm sáng tạo trong xây dựng quỹ hội thì phong trào phát triển mạnh, chất lượng hoạt động hội ngày càng nâng lên. Điển hình như tại phường Dĩnh Trì (TP Bắc Giang), năm 2024, Hội LHPN phường đã trích quỹ, vận động 15 hội viên giúp đỡ 5 chị (mỗi chị 20 triệu đồng) để phát triển kinh tế. Hay như tại xã Tân Hưng (Lạng Giang), Hội LHPN xã đã trích quỹ 12 triệu đồng tổ chức thăm hỏi, động viên 2 trẻ mồ côi trên địa bàn, góp phần động viên các em khi Tết đến xuân về.
Có nguồn quỹ, các chi hội chủ động hơn trong tổ chức các hoạt động như giúp hội viên vay không lấy lãi, hỗ trợ không hoàn lại; tặng quà trẻ em nghèo, phụ nữ hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách và tổ chức giao lưu, tham quan, học tập kinh nghiệm… Năm 2024, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghề nghiệp, tư vấn việc làm, hỗ trợ ngày công, giúp đỡ gần 5,8 nghìn lượt phụ nữ khuyết tật có việc làm, ổn định cuộc sống với tổng trị giá 6,4 tỷ đồng.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, tạo nguồn lực cho cơ sở hội trong thực hiện các phong trào thi đua, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp hội xây dựng, nhân rộng những mô hình gây quỹ hoạt động hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo Hội LHPN các huyện, TX, TP hướng dẫn cơ sở hội thành lập ban quản lý quỹ, xây dựng quy chế quản lý, sử dụng quỹ trên cơ sở thống nhất ý kiến của hội viên. Đồng thời, tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng quản lý tài chính cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, bảo đảm việc thu, chi công khai, minh bạch, phù hợp, hiệu quả, tạo niềm tin trong hội viên. Từ đó xây dựng tổ chức hội ngày càng phát triển, khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Ý kiến bạn đọc (0)