Điều chỉnh dạy và học, đáp ứng yêu cầu tuyển sinh các tổ hợp mới
BẮC GIANG - Trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2025, nhiều trường đại học sử dụng môn mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 để xây dựng tổ hợp xét tuyển. Theo đó, việc giảng dạy và học tập có sự thay đổi để đáp ứng yêu cầu của các phương án tuyển sinh đại học.
Bám sát yêu cầu kỳ thi đổi mới
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là kỳ thi đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn), 2 môn lựa chọn trong số 9 môn gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. So với năm trước, kỳ thi tốt nghiệp năm nay có một số môn thi mới là: Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố cấu trúc định dạng đề thi minh họa của các môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Trong đó có thêm một số hình thức trắc nghiệm mới như: Trắc nghiệm nhiều lựa chọn, trắc nghiệm dạng đúng sai và trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. Vì vậy phương án tuyển sinh của các trường đại học cũng có những điều chỉnh mới cho phù hợp.
![]() |
Cô và trò Trường THPT Việt Yên số 1 trong giờ Ngữ văn. |
Thời điểm này, các trường đại học bắt đầu công bố đề án tuyển sinh năm 2025. Trong đề án tuyển sinh của các trường có thêm nhiều tổ hợp mới liên quan đến các môn Tin học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Công nghệ. Đại học Bách khoa Hà Nội công bố bổ sung 2 tổ hợp xét tuyển mới gồm: K01 (Toán, Ngữ văn kết hợp với một trong 4 môn là Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học) và D04 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Trung). Trong tổ hợp mới có môn Tin học lần đầu tiên đưa vào tuyển sinh giúp thí sinh có thêm lựa chọn các ngành học.
Sự đa dạng của các tổ hợp giúp học sinh có nhiều lựa chọn phù hợp hơn với năng lực của mình. Tuy nhiên, việc thay đổi đòi hỏi em phải học đều nhiều môn hơn để đáp ứng yêu cầu ở các tổ hợp xét tuyển mới”. Học sinh Trần Văn Nhuận, lớp 12A5, Trường THPT Cẩm Lý (Lục Nam)
|
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, việc các trường đại học điều chỉnh, bổ sung một số tổ hợp môn xét tuyển đại học hoàn toàn phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh lựa chọn các môn thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học. Học sinh Trần Văn Nhuận, lớp 12A5, Trường THPT Cẩm Lý (Lục Nam) cho biết: “Trước phương án điều chỉnh tổ hợp xét tuyển của các trường đại học, những thí sinh mạnh ở các môn Toán, Ngữ văn sẽ có thêm cơ hội bởi trong tổ hợp xét tuyển bắt buộc phải có môn Toán hoặc Ngữ văn. Sự đa dạng của các tổ hợp giúp học sinh có nhiều lựa chọn phù hợp hơn với năng lực của mình. Tuy nhiên, việc thay đổi đòi hỏi em phải học đều nhiều môn hơn để đáp ứng yêu cầu ở các tổ hợp xét tuyển mới”.
Chắc kiến thức, vững kỹ năng
Năm học này, toàn tỉnh có hơn 19,2 nghìn học sinh lớp 12, tăng hơn 1 nghìn em so với năm học trước. Đồng hành cùng các em chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng cuối cấp, nhiều trường THPT đã chủ động triển khai kế hoạch giảng dạy theo hướng hỗ trợ các em ôn tập, tiếp cận sớm với các phương thức xét tuyển.
![]() |
Cô và trò Trường THPT Hiệp Hòa số 1 trong giờ thực hành môn Hóa học. |
Trường THPT Hiệp Hòa số 1 thường xuyên cập nhật thông tin tuyển sinh của các trường đại học. Ngoài 2 môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn, nhà trường triển khai cho học sinh lớp 12 đăng ký dự kiến các môn thi tốt nghiệp tự chọn ngay từ đầu năm học để bố trí giảng dạy, ôn luyện hiệu quả. Thầy giáo Phạm Minh Tuân, Hiệu trưởng cho biết: “Đối với những môn học mới, từ đầu năm học, nhà trường bố trí giáo viên có năng lực, kinh nghiệm giảng dạy và hướng dẫn ôn tập cho học sinh cuối cấp. Giáo viên chú trọng nghiên cứu kỹ ma trận đề, xây dựng ngân hàng câu hỏi phục vụ ôn tập kiến thức, kỹ năng làm bài thi cho học sinh”.
Mặc dù các trường đại học có nhiều phương án tuyển sinh nhưng với học sinh các trường THPT khu vực nông thôn, miền núi, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học. Bộ đề minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp THPT ở từng môn học là cơ sở để các nhà trường ra đề kiểm tra định kỳ, giúp học sinh thay đổi cách học, cách thi theo hướng thực học, thực hành. Theo đánh giá của giáo viên bộ môn, để có thể ra đề kiểm tra như đề minh họa của Bộ GD&ĐT, giáo viên phải tự bồi dưỡng, đổi mới, nâng cao nghiệp vụ. Việc giảng dạy của giáo viên cũng đòi hỏi tích hợp liên môn, giúp học sinh khái quát, tổng hợp kiến thức, kỹ năng thuộc nhiều lĩnh vực để các em hiểu sâu sắc, hứng thú với bài học, dễ nhớ, dễ thuộc hơn.
Trong 4 môn thi tốt nghiệp THPT, ngoài 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, đối với 2 môn tự chọn còn lại, Trường THPT Sơn Động số 1 tư vấn cho phụ huynh và học sinh chọn môn phù hợp với năng lực học tập cũng như định hướng lựa chọn ngành nghề và bảo đảm môn tự chọn phải là môn nằm trong tổ hợp các môn xét tuyển đại học. Nhà trường chủ trương vừa dạy vừa ôn tập để học sinh nắm vững kiến thức mới đồng thời rèn luyện kỹ năng làm bài. Giáo viên bộ môn sẽ hướng dẫn học sinh phương pháp tự học phù hợp với đặc thù từng môn.
Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Để chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh quan trọng với lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp chương trình mới, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường THPT tập trung triển khai kế hoạch số 144/KH-UBND ngày 11/9/2024 của UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025. Đặc biệt tiếp tục bám sát khung chương trình giảng dạy của Bộ GD&ĐT, giảng dạy, ôn tập chương trình cốt lõi, bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông 2018, ôn tập theo chủ đề, chủ điểm tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên về cách thức ra đề kiểm tra, ôn luyện bám sát định hướng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời khuyến khích, tạo động lực cho các em tự học, linh hoạt vận dụng kiến thức liên môn, ứng dụng vào thực tế để đáp ứng tốt yêu cầu các phương thức xét tuyển đại học.
Các trường ưu tiên chọn đội ngũ giáo viên cốt cán giảng dạy, bám sát năng lực học sinh để xây dựng kế hoạch phụ đạo phù hợp, phát huy năng lực, tạo bứt phá trong giai đoạn cuối lớp 12 cho từng em. Nhà trường yêu cầu giáo viên nêu cao trách nhiệm, tận tâm giảng dạy, khích lệ học sinh hăng say học tập, kịp thời nắm bắt nguyện vọng của các em để điều chỉnh hợp lý về nội dung, phương pháp giảng dạy, ôn luyện” .
Ý kiến bạn đọc (0)