Phân chia tài sản chung sau ly hôn: Còn vướng mắc
Dù được hai bên gia đình khuyên nhủ nhưng nhận thấy không thể hòa hợp, tháng 1/2019, ông Quách Văn T (SN 1962) ở xã Phương Sơn (Lục Nam) và bà Hoàng Thị M (SN 1967) đã ra tòa ly hôn sau hơn 20 năm chung sống. Khi giải quyết phân chia tài sản chung, ông chỉ đồng ý chia các tài sản là công trình, cây cối trên đất, còn diện tích đất đang ở không được chia. Ông T cho rằng, toàn bộ diện tích đất hơn 600 m2 là của bố mẹ ông thừa kế cho nên không phải tài sản chung. Tuy nhiên, ông T không cung cấp được tài liệu chứng minh việc bố mẹ tặng riêng cho mình. Về phần bà M, hàng chục năm nay trực tiếp cải tạo, gieo trồng vườn, nay đã đến kỳ thu hoạch nên bà cũng không đồng ý để ông T sở hữu riêng mảnh đất. Quá trình xử lý, thẩm phán mất nhiều thời gian phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương tiến hành xác minh nguồn gốc, thực trạng mảnh đất đang tranh chấp nên đến nay vụ án vẫn chưa giải quyết xong.
Cán bộ TAND huyện Việt Yên hướng dẫn đương sự làm thủ tục giải quyết án ly hôn. |
Vì một số mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống hằng ngày dẫn đến tình cảm vợ chồng sứt mẻ, biết không thể hàn gắn, tháng 9/2018, ông Nguyễn Văn N (SN 1966) ở xã Song Mai (TP Bắc Giang) đã viết đơn ly hôn. Thời điểm ra tòa, ông N và vợ là bà Nguyễn Thị C (SN 1971) không yêu cầu tòa án phân chia tài sản chung mà tự thỏa thuận. Tài sản chung của vợ chồng ông N và bà C là 3 mảnh đất đều cùng địa chỉ nhưng giá trị các thửa đất khác nhau. Sau hơn 1 năm thương lượng, hai bên vẫn không thống nhất quan điểm, ông N lại làm đơn nhờ tòa án phân chia số tài sản chung của hai vợ chồng. Mới đây, TAND TP Bắc Giang đã hoàn tất việc giải quyết án, tuy nhiên ông N vẫn không đồng ý với cách chia của cơ quan chức năng và tiếp tục kháng cáo. Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm vụ án về hôn nhân gia đình có thời gian giải quyết kéo dài.
Từ năm 2019 đến nay, TAND các huyện, TP đã thụ lý giải quyết gần 6.200 vụ việc hôn nhân gia đình. Tỷ lệ giải quyết đạt hơn 80%. Những vụ việc kéo dài đa phần do mất nhiều thời gian thu thập chứng cứ để xác minh nguồn gốc tài sản. |
Từng tham gia xét xử nhiều vụ án phức tạp về hôn nhân gia đình, Thẩm phán Nguyễn Trần Kiên (TAND TP Bắc Giang) cho biết: "Đối với các vụ án ly hôn, trong quá trình giải quyết, chúng tôi thường khuyến khích các đương sự tự thỏa thuận phân chia tài sản chung. Việc tự thỏa thuận không chỉ bảo đảm quyền tự do định đoạt đối với quyền sở hữu tài sản mà còn tạo điều kiện đẩy nhanh thời gian xử lý do không cần phải xác minh nguồn gốc cũng như giá trị tài sản chung của vợ chồng".
Thực tế cho thấy, khi giải quyết các vụ án ly hôn có yêu cầu phân chia tài sản chung, khó khăn chủ yếu là tài sản liên quan đến bất động sản, nợ ngân hàng... Ví như tài sản là bất động sản nhưng chỉ đứng tên một người. Khi xảy ra tranh chấp sẽ rất phức tạp, bởi bên có tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho rằng đó là tài sản riêng nên không phải chia. Hoặc cũng có nhiều trường hợp, hai vợ chồng chung vốn thành lập doanh nghiệp, khi ly hôn, việc chia tài sản bị chồng chéo giữa Luật Hôn nhân Gia đình và Luật Doanh nghiệp nên khó giải quyết. Đối với các vụ án ly hôn có yếu tố nước ngoài, việc xác định tài sản chung, công nợ gặp khó do đương sự, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đang sinh sống và làm ăn tại quốc gia khác...
Theo bà Lê Thu Hà, Phó Chánh án TAND huyện Lạng Giang, Bộ Luật Tố tụng dân sự quy định, khi đương sự làm đơn yêu cầu ly hôn, thời hạn tòa án giải quyết là từ 4-6 tháng. Những vụ án có tính chất phức tạp có thể xem xét gia hạn thêm thời hạn chuẩn bị xét xử. Tuy nhiên, hiện nay đa số các vụ án ly hôn đương sự ở độ tuổi lao động đi làm ăn xa nên riêng việc tống đạt các văn bản tố tụng cũng mất nhiều thời gian.
Những năm gần đây, số lượng vụ án ly hôn ngày càng tăng. Để giải quyết đạt hiệu quả cao, nhiều ý kiến cho rằng, tòa án các cấp cần quan tâm lựa chọn thẩm phán có nhiều kinh nghiệm đối với những vụ việc phức tạp. Thường xuyên tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm cho các thẩm phán, thư ký. Tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền đến người dân những quy định pháp luật liên quan đến hôn nhân gia đình.
Tuệ An
Ý kiến bạn đọc (0)