Nêu gương sáng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Bài 2: Những người “giữ lửa”, là "cầu nối" giữa Đảng với dân
Để hiện thực hóa Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi không chỉ có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bộ, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền mà còn có sự nỗ lực vươn lên từ người dân, đặc biệt là vai trò của những người có uy tín (NCUT) trong cộng đồng. Nắm chắc địa bàn, am hiểu phong tục tập quán, đời sống văn hóa, tinh thần, nhiều NCUT như những “cây cao bóng cả”, “pho sử sống”, “mắt sáng” của bản làng khi đang hằng ngày bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ an ninh trật tự địa bàn.
Lớp học giữa làng và nguyện vọng giữ gìn ngôn ngữ dân tộc
Thời gian qua, Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy mọi nguồn lực để phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên, qua khảo sát thực trạng KT-XH các DTTS tỉnh Bắc Giang năm 2019, toàn tỉnh chỉ còn 1% số người DTTS nói được tiếng của dân tộc mình, phần lớn họ đã lên chức ông, bà, cha, mẹ. Người DTTS không còn nói được "tiếng mẹ đẻ" chủ yếu ở lứa tuổi thanh, thiếu niên. Nếu không kịp thời bảo tồn, truyền dạy ngôn ngữ thì khi những bậc cao niên khuất núi sẽ không còn ai biết tiếng nói của các DTTS.
Ông Bàn Văn Cường (bên phải) chia sẻ về ý nghĩa của tiếng dân tộc Dao. |
Trước thực trạng này, những lớp học tiếng dân tộc được một số già làng, NCUT trong đồng bào DTTS tự nguyện mở ra. Gọi là lớp nhưng thực chất là gian nhà nhỏ có vài bộ bàn ghế được đặt tại gia đình già làng, NCUT, cũng có khi ở nhà văn hóa thôn, điểm lẻ của trường mầm non, tiểu học.
Ông Bàn Văn Cường, dân tộc Dao, tổ dân phố Thanh Chung, thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) năm nay gần 80 tuổi, 50 năm tuổi Đảng, là Nghệ nhân Ưu tú, người tâm huyết sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy tiếng dân tộc Dao.
Ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông Cường vẫn đau đáu một điều: “Người Dao phải biết tiếng Dao, có như vậy mới cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong phục tục tập quán, nếp sinh hoạt của dân tộc mình. Sức khỏe và tuổi tác của tôi mỗi năm mỗi khác nên khi còn minh mẫn, tôi tiếp tục truyền dạy để lớp trẻ nói được tiếng của đồng bào mình”. Nêu gương từ trong gia đình, 7 người con đều được ông Cường dạy tiếng Dao rồi tiếp tục dạy lại cho các thế hệ sau.
Để có tài liệu phục vụ nghiên cứu và giảng dạy, ông Cường không nhớ hết đã trải qua bao nhiêu chuyến đi, gõ cửa bao thư viện, làng bản có người Dao sinh sống tìm sách cổ rồi chép lại, phiên âm sang chữ quốc ngữ, sau đó in sao thành nhiều bản.
Công việc này đòi hỏi sự cần mẫn, tỉ mỉ, chính xác bởi nếu sai một câu là hỏng một ý, làm mất đi giá trị cốt lõi cha ông để lại. Đổi lại những tâm huyết ấy, giờ đây, ông được bà con ví như “pho sử sống” của người Dao khi am hiểu tường tận nét văn hóa, phong tục truyền thống.
Trong gian nhà nhỏ ở tổ dân phố Thanh Chung bên sườn Tây Yên Tử, nhiều cuốn sách cổ hàng trăm năm tuổi theo thời gian nay đã ố vàng vẫn được “ông giáo làng” nâng niu, gìn giữ. Từ lớp học đầu tiên mở năm 2008, đến nay số người được ông truyền dạy chữ viết lên đến hàng trăm người.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh tìm hiểu về tiếng dân tộc. |
Không chỉ ông Cường, trong vùng đồng bào DTTS còn có già làng Đàm Xuân Tình, NCUT ở thôn Đồng Bây, xã An Lạc (Sơn Động); cô giáo Dương Thị Bền, dân tộc Tày, Trường THCS Vân Sơn (Sơn Động); già làng Lưu Đình Tiến, dân tộc Sán Dìu, xã Vô Tranh (Lục Nam) bao năm qua cũng miệt mài, nhiệt huyết dạy tiếng dân tộc cho bà con và các em nhỏ… Hình thức dạy cũng được đổi mới qua việc giảng trực tiếp trên lớp, thông qua sinh hoạt của các câu lạc bộ (CLB) hát dân ca, dân vũ… nên ngày càng có nhiều bạn trẻ theo học.
Từ yêu cầu cấp thiết của đời sống xã hội, nguyện vọng của người tiên phong mở lớp truyền dạy, tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo tồn, gìn giữ tiếng DTTS. Có thể kể đến như Quyết định số 1175/QĐ-UBND phê duyệt Đề án bảo tồn, phát huy tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Nghị quyết số 71/2024/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2024-2030.
Điều đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đối với công tác dân tộc, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS. Phấn đấu mỗi năm có thêm từ 2-3% người DTTS nói được tiếng dân tộc; đến hết năm học 2029-2030 toàn tỉnh có 100% các trường học vùng đồng bào DTTS và miền núi duy trì dạy và học tiếng dân tộc.
Bảo tồn làn điệu dân ca
Cũng mong muốn được góp sức bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, ở huyện Lục Ngạn có rất nhiều nghệ nhân suốt bao năm qua như "con tằm nhả tơ" duy trì hoạt động của các CLB dân ca DTTS, giữ gìn di sản quý giá mà cha ông để lại từ bao đời. Mỗi khi nhắc đến dân ca, người dân Lục Ngạn lại kể về già làng, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn An, dân tộc Sán Dìu ở thôn Bèo, xã Giáp Sơn- người có công xây dựng nền móng và kết nối các CLB hát dân ca trong huyện, tỉnh với nhiều địa phương của cả nước.
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn An (thứ hai từ trái sang), thôn Bèo, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) chia sẻ với lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang và một số nghệ nhân về việc bảo tồn dân ca dân tộc Sán Dìu. |
Năm nay, ông An đã 85 tuổi song vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Người dân địa phương gọi ông với cái tên “già làng An” đầy kính trọng bởi ông có lối sống chan hòa, xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc, sự hiểu biết sâu rộng về dân ca vùng DTTS.
Được ông bà, bố mẹ truyền dạy hát dân ca từ nhỏ, thường xuyên giao lưu văn nghệ với thanh niên trong vùng nên ông An thuộc hàng trăm bài dân ca DTTS. Trải qua nhiều cương vị chủ chốt ở huyện, sau khi về hưu, dù tuổi cao, ông vẫn tâm huyết truyền dạy cho đồng bào biết hát dân ca dân tộc Sán Dìu. Ông đứng ra tập hợp những người cùng sở thích thành lập CLB dân ca Sán Dìu xã Giáp Sơn.
Ông An cùng các thành viên trong CLB tích cực sưu tầm các bài hát cổ, tổ chức sáng tác, đặt lời mới với hàng trăm bài, góp phần làm phong phú thêm kho tàng dân ca dân tộc mình. Nội dung các bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, vận động nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, KT - XH của địa phương, xây dựng đời sống mới... CLB còn kỳ công dịch các bài hát từ tiếng dân tộc sang tiếng Việt để nhiều người cùng hiểu, cùng hát.
Mô hình CLB do ông làm chủ nhiệm hoạt động hiệu quả, các làn điệu dân ca có sức lan tỏa mạnh mẽ tạo thành phong trào văn hóa, văn nghệ sôi nổi ở nhiều địa phương vùng DTTS. Già An cũng từng liên hệ, lặn lội hàng trăm cây số đến các tỉnh có đông đồng bào dân tộc sinh sống như: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Lạng Sơn... để sưu tầm thêm tài liệu nghiên cứu làm phong phú kho tàng dân ca; đồng thời tích cực tham gia giao lưu biểu diễn, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và “tiếp lửa” để người Sán Dìu ở những nơi đó thành lập CLB.
Nghệ nhân Ưu tú Lục Văn Tích (thứ hai từ phải sang) là người có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, truyền dạy hát then, đàn tính trong đồng bào DTTS của huyện. |
Nghệ nhân Ưu tú Mạc Văn Đậu, dân tộc Nùng năm nay 65 tuổi ở xã Biên Sơn (Lục Ngạn) là NCUT, Chủ nhiệm CLB hát dân ca dân tộc Nùng của xã, Phó Ban liên lạc các CLB hát dân ca DTTS huyện Lục Ngạn cũng chung tâm huyết trong việc bảo tồn di sản. Ông Đậu có nhiều năm duy trì hoạt động của CLB dân ca dân tộc Nùng (với số lượng gần 70 người) do ông làm chủ nhiệm. Từ chỗ từng bị mai một, có nguy cơ biến mất, những làn điệu dân ca đã được ông Đậu khôi phục và lưu truyền qua những buổi dạy hát miễn phí cho thế hệ trẻ, phần lớn lứa tuổi từ 12 đến 14 trở lên hay các buổi giao lưu hát dân ca do xã, huyện tổ chức.
Những bài hát mang đi dự thi ở các hội diễn lớn đều do ông tự sáng tác và biên dịch lời. Cùng với cất cao lời ca, tiếng hát, thành viên CLB còn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc qua trang phục truyền thống, tạo điểm nhấn trong mỗi hội thi, hội diễn, giao lưu văn nghệ. Hiện chính quyền, ngành chức năng huyện đang hoàn thiện hồ sơ trình cấp có quyền làm các thủ tục, xem xét công nhận danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân đối với ông Đậu trong thời gian tới.
“Cầu nối” đưa pháp luật đến với dân bản
Đặc thù của vùng đồng bào DTTS tại Bắc Giang là các dân tộc sinh sống đan xen; mỗi dân tộc có phong tục, tập quán, lối sống khác nhau; nhiều nơi địa hình phức tạp, xa trung tâm, đi lại khó khăn nên việc xây dựng khối đại đoàn kết có vai trò đặc biệt quan trọng. Ở những nơi này, NCUT trong đồng bào DTTS được ví như “điểm tựa”, "cây cao bóng cả" là nơi trao gửi niềm tin của đồng bào, “cầu nối” giữa cấp ủy, chính quyền trong triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân.
Đặc thù của vùng đồng bào DTTS tại Bắc Giang là các dân tộc sinh sống đan xen; mỗi dân tộc có phong tục, tập quán, lối sống khác nhau; nhiều nơi địa hình phức tạp, xa trung tâm, đi lại khó khăn nên việc xây dựng khối đại đoàn kết có vai trò đặc biệt quan trọng. Ở những nơi này, NCUT trong đồng bào DTTS được ví như “điểm tựa”, “cây cao bóng cả", là nơi trao gửi niềm tin của đồng bào. |
Xuất phát từ yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), năm 2023, mô hình “NCUT trong cộng đồng DTTS tham gia giữ gìn ANTT” xã Giáo Liêm (Sơn Động) được thành lập. Đây là mô hình lần đầu tiên của huyện được thành lập với 13 thành viên là những người gương mẫu, trách nhiệm, nhiệt tình với việc chung và được bà con tín nhiệm. Ngay sau khi ra mắt, nhóm đã cùng với lực lượng công an huyện, xã giải quyết nhiều vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở.
Ông Nông Văn Thái (SN 1952), NCUT, dân tộc Nùng, Trưởng Ban điều hành mô hình chia sẻ: “Là người con của dân bản, chúng tôi hiểu rõ đặc điểm, tính cách, văn hóa của đồng bào nên khi tham gia giải quyết các vụ việc thuận lợi hơn. Đôi khi chỉ qua trò chuyện, tuyên truyền, giải thích cũng hóa giải được những xích mích, mâu thuẫn”.
Ông Nông Văn Thái (thứ 3 từ trái sang) chia sẻ thông tin về tình hình ANTT ở cơ sở với cán bộ Công an xã Giáo Liêm (Sơn Động). |
Trước đây, xã có một số đối tượng hoạt động tà đạo, lôi kéo người khác tham gia. Các thành viên mô hình đã đến từng gia đình tuyên truyền, nói rõ về hành vi sai trái đó giúp bà con nhận ra và từ bỏ. Đối tượng cầm đầu cũng tự giác chấp hành quy định, không còn hoạt động.
Ông Thái cùng các thành viên của mô hình còn cung cấp cho Công an xã nhiều thông tin giá trị để làm rõ một số vụ việc gây rối ANTT; tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí nguy hiểm, không buôn bán, vận chuyển hoặc sản xuất pháo nổ… Từ hiệu quả mô hình “NCUT trong cộng đồng DTTS tham gia giữ gìn ANTT” đầu tiên tại xã Giáo Liêm, Công an tỉnh khuyến khích các vùng có đông đồng bào DTTS trong tỉnh học tập, nhân rộng.
Nghề thêu, dệt thổ cẩm của người dân tộc Cao Lan tại xã Lục Sơn (Lục Nam). |
Ở Lục Nam, vai trò của già làng, NCUT trong vùng DTTS được phát huy giúp cơ quan chức năng và chính quyền địa phương kịp thời nắm bắt, xử lý hiệu quả các vụ việc phức tạp, không để xảy ra điểm nóng hoặc bị động, bất ngờ. Theo tin báo của quần chúng, tại các xã Lục Sơn, Huyền Sơn có một số kẻ xấu xúi giục người dân gây rối trật tự công cộng, phát tán, xuyên tạc thông tin không đúng về công tác tuyển quân, thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự.
Quyết tâm ngăn chặn thông tin xấu, độc, bảo đảm ANTT, lãnh đạo Ban CHQS huyện, UBND huyện nhanh chóng xuống địa bàn trực tiếp đối thoại với người dân; phối hợp với NCUT, thành viên các ban, ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền, giải thích để bà con hiểu đúng tính chất sự việc, không để vấn đề căng thẳng kéo dài.
Đại biểu các DTTS tham quan gian trưng bày thành tựu KT - XH bên lề Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV, năm 2024. |
Bắc Giang có 523 NCUT trong vùng DTTS; 100% NCUT tham gia từ một đến vài mô hình tự quản về ANTT, thành viên nòng cốt các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương.
Nhận thấy vai trò quan trọng của lực lượng nòng cốt trong đồng bào các DTTS và miền núi, Ban Dân tộc tỉnh đã thành lập nhóm zalo “NCUT” để thường xuyên trao đổi, chia sẻ thông tin chỉ đạo từ trung ương, tỉnh đến cơ sở một cách nhanh nhất; tiếp nhận thông tin phản ánh từ cơ sở kịp thời nhất.
Ban Dân vận thành lập mô hình “Tổ dân vận nòng cốt vùng đồng bào DTTS”. Các tổ chức đoàn thể như hội phụ nữ, người cao tuổi; các địa phương, đơn vị, trung tâm, cơ sở giáo dục thành lập nhiều mô hình, tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ nhằm giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa, phong tục của đồng bào DTTS...
Phát huy vai trò, trách nhiệm, uy tín cá nhân, NCUT đã gương mẫu đi đầu thực hiện các phong trào. Những lời nói, việc làm của NCUT có “sức nặng” được bà con nghe và làm theo. Vì thế, hạt nhân NCUT còn là “cầu nối” nói lên tâm tư nguyện vọng của đồng bào với cấp ủy, chính quyền; đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống.
(Còn nữa)
Ý kiến bạn đọc (0)