Nhiều án ly hôn tồn đọng vướng mắc từ phân chia tài sản chung
Trò chuyện với tôi, chị Hoàng Thị C (SN 1974) ở thôn Lường, xã Hồng Giang, Lục Ngạn (Bắc Giang) nghẹn ngào: “Bát đũa còn có lúc xô nên chuyện vợ chồng mâu thuẫn là điều khó tránh. Thế nhưng hết lần này đến lần khác, chồng tôi đánh đập, đuổi ra khỏi nhà, hơn nữa lại hay bồ bịch nên tôi không thể duy trì cuộc sống hôn nhân này. Khi con trai út được một tuổi cũng là lúc tôi viết đơn ly hôn gửi TAND huyện Lục Ngạn, đến nay đã hơn hai năm vẫn chưa giải quyết xong”. Trước đó, tòa án đã tổ chức nhiều phiên hòa giải nhưng vì tình cảm vợ chồng không còn nên cả đôi bên đều thuận tình ly hôn. Tuy nhiên, chồng chị C là anh Tạ Quang B (SN 1971) không muốn phân chia tài sản. Chị C uất ức vì khi về làm dâu, chị chịu thương chịu khó cuốc đất trồng cây, làm lụng vất vả nên từ mảnh đất bỏ hoang đã trở thành vườn bãi xanh tốt, hằng năm thu nhiều hoa lợi. Vậy mà nay anh B phủ nhận hoàn toàn công sức chị bỏ ra.
Biết không thể “cố đấm ăn xôi”, anh B chấp thuận chia tài sản. Tuy nhiên trong quá trình cơ quan chức năng làm việc, anh liên tục đưa ra các lý do chống đối, lôi kéo người thân vào phe mình để uy hiếp vợ. Thậm chí, anh còn đánh đập người từng sống chung mái nhà và dọa nạt nếu tiếp tục muốn phân chia tài sản, ép chị C sẽ phải ra đi với hai bàn tay trắng. Cố tình kéo dài vụ việc, tháng 3-2018, anh B bỏ đi khỏi địa phương. Gần đây, chị C nóng ruột, liên tục hỏi tòa án về việc giải quyết đơn ly hôn của hai vợ chồng thì nhận được câu trả lời là vẫn đang trong thời gian hòa giải.
Một vụ án ly hôn do TAND huyện Lục Nam giải quyết. |
Hay như trường hợp của chị Lê Hải H ở xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa), cuối năm 2017, TAND huyện đã thụ lý đơn ly hôn của chị. Biết chị H chuẩn bị đi nước ngoài, chồng chị đưa ra mọi lý do để trì hoãn làm việc với tòa án nhằm đạt mục đích không cho chị xuất ngoại. Người chồng đó còn khai ra các khoản nợ chung do anh tự vay mượn bạn bè. Theo quy định, tòa án triệu tập chủ nợ đến với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên họ đều ở nước ngoài nên tính chất vụ việc thêm rắc rối. Đến nay, chị H vẫn chưa được giải quyết yêu cầu ly hôn. Cũng có nhiều trường hợp, hai vợ chồng chung vốn thành lập công ty. Khi ly hôn, việc chia tài sản bị chồng chéo giữa Luật Hôn nhân Gia đình và Luật Doanh nghiệp nên khó giải quyết. Đối với các vụ án ly hôn (thường là đơn phương) có yếu tố nước ngoài, việc xác định tài sản chung, công nợ càng khó khăn vì đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đang sinh sống và làm ăn tại quốc gia khác.
Đó chỉ là số ít trong hàng nghìn vụ án ly hôn kéo dài nhiều năm trời. Chỉ tính riêng tháng 8 vừa qua, TAND hai cấp thụ lý, mở phiên tòa sơ thẩm để giải quyết 650 vụ án, việc hôn nhân, gia đình cũ chuyển lại. Trong khi đó chỉ tiếp nhận hơn 300 trường hợp mới. Số vụ việc tồn đọng cao gấp đôi số án mới thụ lý khiến việc giải quyết ngày càng khó khăn.
Luật sư Trần Văn An, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, ngoài lý do người trong cuộc cố tình mượn các quan hệ về thân nhân để gây sức ép, tạo khó dễ khi phân chia tài sản chung, trách nhiệm cũng thuộc về tòa án, đơn vị trực tiếp thụ lý vụ việc. Theo Bộ Luật Tố tụng dân sự, khi đương sự làm đơn yêu cầu ly hôn, thời hạn tòa án xét xử là 4 tháng. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, khách quan thì chánh án TAND có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá một hoặc hai tháng. Nhưng thực tế, có nhiều vụ án ly hôn kéo dài 5 năm, 7 năm và nhiều hơn nữa. Do tâm lý muốn giải quyết nhanh chóng, đương sự thường khởi kiện, kháng án, gửi đơn thư vượt cấp, gây dư luận không tốt.
Những năm gần đây, tỷ lệ án ly hôn ngày càng tăng. Để việc giải quyết ly hôn đơn giản, nhanh chóng, tòa án các cấp cần giải quyết thấu đáo, bảo đảm đúng thời gian quy định. Nhiều trường hợp tìm đến các luật sư nhờ tư vấn, đương sự được khuyên có thể “bẻ nhỏ” vụ việc. Cụ thể là giải quyết việc ly hôn và con chung trước. Phần tài sản, nợ chung các bên sẽ tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được sẽ giải quyết bằng một vụ kiện khác. Ông Nguyễn Văn Bảo, Chánh án TAND huyện Lục Nam đề nghị: “Đa số thẩm phán đều muốn giải quyết án trong thời hạn luật quy định nhưng số lượng án cần làm quá nhiều, không ít vụ tính chất phức tạp nên bị chậm trễ. Một số trường hợp tẩu tán tài sản khiến quá trình xác minh thêm khó khăn. Vì vậy chúng tôi khuyến cáo người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cần làm đơn đề nghị cơ quan chức năng kê biên tài sản khẩn cấp. Cơ quan thi hành án có biện pháp cưỡng chế kiên quyết hơn”.
Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)