Gia tăng ly hôn - Con trẻ thiệt thòi
Minh họa. |
Những con số báo động
Theo TAND tỉnh Bắc Giang, từ năm 2015 đến nay, TAND các huyện, TP đã thụ lý giải quyết gần 7,5 nghìn vụ án ly hôn. Một số địa phương có số vụ ly hôn cao là TP Bắc Giang, các huyện: Việt Yên, Tân Yên, Lục Nam.
Tháng 5-2018, chị Đào Thị K (SN 1987) ở thôn Mải Hạ, xã Tân Thanh (Lạng Giang) và anh Bùi Văn H (SN 1986) ở cùng thôn đã ra tòa ly hôn sau gần 5 năm chung sống. Cũng như bao cặp đôi khác, vợ chồng chị tự nguyện đến với nhau bằng tình yêu thương. Thế nhưng, thời gian mặn nồng chỉ kéo dài khoảng hai năm sau cưới. Mâu thuẫn bắt đầu rạn nứt từ khi anh H có quan hệ ngoài luồng với một phụ nữ khác và thường xuyên lấy cớ gây sự với vợ. Không thể hòa hợp, chị K viết đơn ly hôn.
Ông Trịnh Ân, Chánh án TAND huyện Lạng Giang thông tin: Từ tháng 10-2017 đến tháng 6-2018, TAND huyện đã thụ lý 383 vụ án ly hôn, trong số đó chỉ có 47 vụ được hòa giải thành công, vợ chồng rút đơn đoàn tụ. Còn lại đều "đường ai nấy đi". Điều đáng buồn là độ tuổi người nộp đơn xin ly hôn đa phần là các gia đình trẻ từ 25- 35 tuổi, chiếm hơn 60% và số vụ do nữ giới chủ động đứng đơn là hơn 70%.
Tại huyện Việt Yên, số vụ ly hôn trong 3 năm cũng liên tiếp gia tăng. Theo thống kê của TAND huyện, năm 2015 có 250 vụ án ly hôn được giải quyết; năm 2017 là hơn 300 vụ; riêng 6 tháng đầu năm nay, đơn vị thụ lý gần 200 vụ. Phần lớn người nộp đơn là công nhân lao động ở các khu công nghiệp và làm nghề tự do. Số ít là do sinh con một bề, thiếu sự bình đẳng giữa vợ và chồng.
Nhiều năm xét xử án ly hôn, bà Phạm Thị Chuyền, Thẩm phán TAND TP Bắc Giang cho rằng: Ly hôn cũng có những tác động tích cực đến cuộc sống của đương sự, giúp nhiều người thoát khỏi bi kịch gia đình và tìm được cuộc sống mới. Trong xã hội không thiếu những cặp vợ chồng mặc dù phải chia tay, nhưng họ vẫn có thể làm bạn với nhau và quan tâm chăm sóc, nuôi dạy con cái đàng hoàng. Tuy nhiên, số đó không nhiều, phần lớn các cặp vợ chồng sau khi ly hôn thường không giải quyết tốt những mối quan hệ về nghĩa vụ và trách nhiệm đối với con cái. Phía sau mỗi cuộc ly hôn, thường kéo theo nhiều hậu quả, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của những người trong cuộc, đặc biệt là con cái.
Đâu là nguyên nhân?
Theo nhận định của cơ quan chức năng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn như: Do nhận thức về quan hệ hôn nhân gia đình chưa thấu đáo; vợ chồng kết hôn khi còn quá trẻ dẫn đến mâu thuẫn trong ứng xử hằng ngày. Tác động của mặt trái kinh tế thị trường cộng với lối sống buông thả, thờ ơ, thiếu trách nhiệm với gia đình cũng làm nảy sinh những xung đột. Nhiều cặp đôi có học vấn cao, thu nhập ổn định nhưng vẫn "đường ai nấy đi" do thiếu kỹ năng chăm sóc, vun vén tổ ấm gia đình. Nếu tình trạng ly hôn gia tăng sẽ làm đảo lộn và phá vỡ cấu trúc gia đình, để lại những hệ lụy. Tổn thương nhất là những đứa trẻ bất đắc dĩ phải sống trong cảnh thiếu vắng tình thân của bố hoặc mẹ.
Gần 14 năm qua, ông Tạ Tuấn Dự, Tổ trưởng tổ hòa giải thôn Tân Thành, xã Phi Mô (Lạng Giang) đã tham gia hòa giải nhiều vụ việc về hôn nhân gia đình, giúp hàn gắn tình cảm cho các cặp vợ chồng. Ông cho biết: “Ban đầu, nhiều cặp vợ chồng thường quả quyết việc riêng của gia đình tôi không cần ai tham góp ý kiến. Thế nhưng "mưa dầm thấm lâu", qua phân tích thiệt hơn của các thành viên trong tổ hòa giải, một số đôi đã tự nhận thấy cần phải cư xử bình tĩnh để gia đình hòa thuận, nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành. Trường hợp buộc phải ly hôn, tổ hòa giải cũng khuyên nhủ họ có trách nhiệm với con cái”.
Tuy nhiên, theo ông Dự, việc bố mẹ ly hôn sẽ có tác động rất lớn đến tâm lý, tình cảm của con cái. Khi những đứa trẻ sống trong gia đình như vậy, không những bị thiếu hụt sự quan tâm, dạy bảo mà còn rất dễ bị tổn thương về tình cảm, tinh thần sau này. Trường hợp của cháu H ở thôn là một ví dụ. Khi bố mẹ chia tay cháu mới 8 tuổi. Sau ly hôn, bố mẹ cháu nhanh chóng tái hôn. Việc này khiến H chán nản, tính cách trở nên lì lợm, thiếu hòa đồng, dễ nổi cáu.
Thiết nghĩ, để các gia đình tránh được những đổ vỡ trong hôn nhân, người vợ hoặc chồng cần giảm bớt "cái tôi", bao dung, độ lượng và cùng có trách nhiệm vun đắp cho tổ ấm của mình. Mặt khác, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tỉnh đoàn thanh niên nên duy trì thường xuyên các lớp học về tiền hôn nhân, kiến thức giao tiếp ứng xử trong gia đình, kỹ năng nuôi dạy con, xử lý những khác biệt về người bạn đời... để trang bị cho người trẻ trước khi bước vào ngưỡng cửa hôn nhân.
Tuệ An
Ý kiến bạn đọc (0)