Ông ngoại
Nhà ông ở giữa làng, sát cái sân kho từ thời hợp tác xã, nay được giữ lại và được xã cấp kinh phí xây nhà văn hoá. Mỗi chiều, ông thường ra đó đánh cờ với các cụ trong làng. Tối đến ông lại ra nhà văn hoá dạy cho bọn trẻ những làn điệu chèo của quê hương mình.
Ảnh minh họa. |
Thời thanh niên, ông nổi tiếng là kép hát hay nhất cả mấy làng Phương Trạch đông, Phương Trạch tây, Công Bồi… Ngày, ông tôi cùng trai làng đi biển đánh cá, tối về diễn các tích chèo cho bà con chòm xóm cùng xem. Bà ngoại tôi cũng vì mê chèo mà trốn cuộc tình duyên sắp đặt của gia đình với con trai ông xã trưởng để về làm bạn với ông.
Nhà ông nghèo, không đủ tiền dẫn cưới theo yêu cầu của nhà gái. Lý do là bên họ nhà gái không ngăn cản nổi cô con gái xinh đẹp, nết na, giỏi xe đay, dệt chiếu nhất nhì trong vùng nay bỗng dưng từ hôn với một nhà giàu để chạy theo chàng kép hát nghèo kiết xác nên đã thách cưới thật cao. Hai người bàn nhau nhờ đoàn thanh niên trong xã giúp thế là họ thành vợ, thành chồng.
Sinh mẹ tôi xong, ông lên đường nhập ngũ. Ngày tiễn ông đi, bà lúc đó còn kịp chặt một cây trúc đào làm gậy cho ông lên đường. Hai mẹ con đứng ở bờ ao, nước mắt lưng tròng cùng bà con ngả mũ cói vẫy theo đoàn quân ra trận. Ông tôi đi khắp các chiến dịch, hết Tây Nguyên, Nam Lào, Sài Gòn rồi qua miền Đông Nam Bộ. Ông bị thương không ít lần nhưng vẫn không rời trận địa. Sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968, ông bị thương nặng không còn khả năng chiến đấu nên được cấp trên cho giải ngũ. Ông chống nạng về quê. Lúc đó ngoại mới ngoài ba mươi tuổi.
Ông bà ngoại bắt tay vào xây dựng kinh tế. Dì và ba cậu tôi lần lượt ra đời. Nhưng, số trời không thương, cậu út tôi cứ gầy còm, quắt queo không lớn nổi. Hơn mười tuổi cậu vẫn bé tí teo, lắm lúc điên điên khùng khùng nhảy ra ao đòi tắm giữa mùa đông giá lạnh; lúc lại trốn vào trong đống rạ ủ kín mình giữa mùa hè nóng như thiêu như đốt. Nhiều phen cả nhà nhịn đói vì cậu lẻn vào bới cái bếp ủ nồi cơm dưới đống tro hồng làm tro than, rơm rạ ùa hết cả vào nồi.
Khi thì nửa đêm cậu mò dậy, lặng lẽ ra khỏi nhà leo lên cây xoan tây góc vườn mà ngủ! Gần 40 tuổi mà cậu vẫn vậy, người thì nhỏ thó mà đầu thì to như quả bóng đá. Vẫn điên điên khùng khùng, vẫn làm cả nhà bao phen bở vía. Ông bà tôi đưa cậu đi chữa ở nhiều nơi nhưng vẫn không cải thiện được tình hình. Mỗi tháng nhà nước trợ cấp cho cậu một khoản tiền với danh mục: Nạn nhân chất độc da cam.
Không thể kể hết những khó khăn mà ông bà ngoại tôi phải gánh chịu. Mỗi lần bị ốm, cậu hành ông bà đến cơ cực. Mấy bà chị dâu cũng không kém phần lo lắng, đôn đáo chăm sóc mà cậu hình như chẳng mảy may xúc động. Cứ hở ra là cậu đập phá, gào thét như có người xui khiến từ bên trong. Nhiều lần cậu xô ông bà ngã dúi dụi rồi co giò phóng bạt mạng, báo hại ông bà sợ cậu ngã xuống ao nên cứ phải cặm cụi chạy theo con cho đến lúc nịnh được cậu, cõng được cậu về nhà. Mẹ tôi đi lấy chồng xa và lên mãi miền núi công tác, lâu lâu mới về thăm thấy thầy mẹ và các em quá vất vả, chỉ biết khóc. Dân làng cám cảnh, thương tình mỗi người một chân, một tay giúp sức nhưng cũng chỉ được phần nào…
… Mùa đông năm xưa bệnh cậu trở nặng rồi mất. Ông bà như người kiệt sức. Đến bữa ăn, cứ nhìn thấy nồi cơm trắng thơm tho vẫn ủ vùi trong tro, trấu mà không dính một hạt bụi, bà ngoại lại sụt sịt kéo vạt áo nâu lên lau khoé mắt. Trong bốn người con, chỉ cậu út là người không hề được hưởng sự may mắn nào của số phận. Cậu sống trong bệnh tật, đau khổ cả thể xác lẫn tâm hồn, không mấy ngày được bình an.
Thương em, các anh chị cũng chỉ biết gom góp chút vốn liếng hỗ trợ bố mẹ chăm lo cho em mà rồi cuối cùng cậu vẫn ra đi. Cả gia đình tôi xót xa, thương cậu không có nổi một ngày được làm người bình thường. Các cụ ông trong hội cựu chiến binh, cụ bà trong hội phật giáo thường xuyên đến chơi, động viên ông bà ngoại rằng cậu ra đi sớm như vậy cũng là sự giải thoát để không bị bệnh tật dày vò, không phải sống trong đau đớn mà không hề ý thức được mình là một con người.
Sau cái chết của cậu út một thời gian, ông ngoại lại ra biển. Bao năm ông không ra khơi bởi hầu hết thời gian và sức lực đã dồn cả cho cậu, nay ông muốn trở lại với chài lưới, với công việc mình đam mê suốt một thời trai trẻ dù cho có buổi ra khơi với đầy khoang ngư cụ mà khi trở về trắng tay vì bão và gió biển. Đám thanh niên trai tráng trong làng ai cũng muốn mời ông đi khơi, đi lộng với họ vài chuyến để học cách đánh cá và nghe ông hát.
Ông ngoại tôi là thế, lúc vui hát đã đành. Lúc buồn, ông cũng ngâm nga mấy điệu chèo cổ. Giọng ngoại còn mượt lắm. Hai tay cầm hai thanh tre gõ vào nhau làm phách y như thời trẻ trên sân khấu làng, ông đã làm đình làm đám khiến bao thôn nữ say như điếu đổ. Và, cũng hai tay ấy, ông nhanh nhẹn làm những động tác quăng chài, buông câu, néo lưới.
Ông ở trần, mặc độc chiếc quần đùi bộ đội, râu tóc bạc phơ bay bay trong gió biển. Mắt ông nheo lại, nhìn theo con nước xa xa để đoán luồng đi của cá. Nhờ vào kinh nghiệm của ngoại mà nhiều lần đoàn thuyền đi biển đánh được khá nhiều hải sản. Ông trở thành linh hồn của cánh thanh niên. Được đi biển trở lại, ông tôi như trẻ ra, tinh thần nhanh nhẹn, thoải mái hơn hẳn.
Thế rồi các bác lãnh đạo xã đến nhờ ông tôi khôi phục lại đội chèo và Câu lạc bộ vật truyền thống của địa phương đã bị mai một bấy nay. Ông lại cùng các cụ trong hội cựu chiến binh bàn bạc, tìm cách dựng lại các tích chèo cổ và khôi phục lại môn đấu vật. Nhà văn hoá xã được chọn làm trung tâm tổ chức các cuộc vui của làng. Ông bớt các cuộc đi biển mà ở nhà lui đến nhà thờ tổ tìm lại sách cũ, sưu tầm, chép lại rồi đặt lời mới cho các làn điệu chèo của quê hương.
Sáng sớm, mình ông ra góc vườn đi những bài quyền và sáng tạo thêm những miếng vật mới trên cơ sở những miếng truyền thống mà các cụ xưa đã truyền dạy. Bà ngoại tôi cũng hăm hở theo ông, chiều chiều là chuẩn bị cơi trầu thật đầy với nồi nước chè tươi ủ trong rạ mang ra nhà văn hoá để phục vụ buổi học hát đêm. Tuy là đi tập, đi dạy nhưng tối nào ông ngoại cũng đóng bộ áo the, ngồi xếp bằng tròn, miệng nhai trầu, tay đánh trống, luyện từng câu í a cho lớp trẻ.
Những lúc như vậy, mắt ông ngời sáng, long lanh như chưa hề biết buồn là gì. Bà ngoại ngồi lẫn với các cụ bà, thỉnh thoảng lại cùng các cụ đứng dậy nhón chân đi một vài điệu múa. Cũng uyển chuyển, đong đưa thân mình, đôi mắt liếc sau hàng dẻ quạt cũng ngọt ngào, lúng liếng, chéo tóc đuôi gà trắng xoá thò ra sau vành khăn vấn cũng tung tẩy theo nhịp bước chân. Già, trẻ, lớn, bé như say đi, mê đi trong các điệu chèo. Những Suý Vân, Thị Màu, những anh Nô, Kim Nham… do phần lớn các cụ thủ vai làm chiếu chèo nghiêng ngả mỗi đêm về.
Ông bà tôi như sống lại thuở mười sáu trăng tròn. Cô thôn nữ đứng ngoài cánh gà thổn thức nghe anh hát trên sân đình mà hồn xiêu phách lạc, để rồi trốn nhà, bỏ chồng sắp cưới theo người kép hát. Anh nắm tay cô luồn lách trong đám đông, trốn cái gậy đang dáo dác trong tay cha cô và người nhà.
Họ dắt nhau chạy qua cánh đồng, ào vào một cái miếu hoang cho đến khi dân làng đi xem hát đã về hết. Xóm làng yên ắng, chỉ còn trăng khuya soi bóng dưới ao làng mới dám dắt díu nhau về ngõ nhà cô gái… Thoáng đó mà đã mấy chục năm trôi qua với bao nhiêu kỷ niệm buồn vui của đời người. Ông bà tôi giờ đã lên lão, cổ lai hy… Vậy mà vẫn không thể không hồi hộp, không thể không bâng khuâng khi tiếng trống chèo điểm nhịp.
Làng quê thay đổi, nhà cao tầng thi nhau mọc lên nhưng ông bà tôi vẫn ở trong căn nhà cấp bốn trình tường đất từ thuở xa xưa. Có khác chăng là khi cậu út còn sống, gia cảnh bần hàn quá, làng mới quyên góp ủng hộ cho ông bà tôi thay cái mái rạ bằng mái ngói đỡ dột mỗi khi trời mưa. Căn nhà hoá thành nhà cổ. Mấy chị em mẹ bàn nhau xây nhà cho ông bà nhưng ông bà không muốn làm nhà mới mà muốn giữ lại ngôi nhà làm kỷ niệm vì nó gắn bó với các cụ từ thuở thiếu thời và gắn bó với bốn chị em mẹ suốt những tháng năm dài.
Bà ngoại tôi lưng đã còng nhưng vẫn tự tay dệt chiếu cho cả nhà. Bà không thích chiếu nhựa, cũng không muốn mua chiếu ngoài. Bà muốn tự tay lựa từng mớ cói, từng cân đay, tự tay pha màu để dệt nên những chiếc chiếu hoa theo ý mình. Tiếng lách cách xe đay, tiếng lao thoi ràn rạt vẫn đều đều vang lên trong nhà ngoại. Bà bảo: Đi khắp nơi, không chiếu làng nào đẹp và bền như chiếu làng Chùa của bà. Mỗi lần mẹ về thăm nhà, bà lại bảo chở bà ra chợ huyện để bà lựa mua cói, mua phẩm màu. Chiều đến mẹ lại ngồi bên chiếc khung cửi cùng bà ngoại dệt từng tấm chiếu như hồi nhỏ mẹ vẫn thường làm.
Dì và các cậu tôi không đi thoát ly. Họ đều ở nhà nối nghiệp cha mẹ. Nhưng không ai có được sức khoẻ và sự chịu đựng bền bỉ như ông ngoại. Ông vẫn khuyên các con cần mẫn làm ăn sẽ có ngày nổi cơ đồ. Và rồi mỗi người cũng có một ngôi nhà khang trang nhưng vẫn chạy đi chạy lại với ông bà. Vẫn chịu cho ông đánh roi mỗi khi làm ông buồn lòng.
Vừa rồi, đội chèo làng Chùa tham gia biểu diễn trong Hội diễn tiếng hát công nông binh của tỉnh đoạt giải Nhất với tiết mục chèo tự biên của ông ngoại, mang Huy chương Vàng về cho huyện. Ông rất phấn khởi. Trong cuộc vui liên hoan, đón chén rượu mừng từ tay anh Huyện Đội trưởng, cháu nội của người trai năm xưa mà bà ngoại đã từ hôn, ông uống liền một hơi. Mặt ông bừng đỏ, bàn tay phải đưa ra phía trước uốn cong năm đầu ngón tay như những cánh hoa, bàn tay trái nhẹ đưa về phía sau lưng, giọng ông mềm mượt: “Em xinh là xinh như cây lúa. A, lúa i đẹp, lúa i i xinh i ì i…”. Tức khắc, các cụ cầm đũa điểm luôn làm nhịp theo tiếng hát của ông tôi.
Nghe ông hát say sưa, không ai bảo ông tôi từng là người đàn ông còng lưng cõng đứa con trai mấy chục tuổi mà ru, mà dỗ dành, mà bón từng thìa cháo mà… nó vẫn chẳng nên người. Dường như ông tôi đã hoá thân thành một con người khác! Người mà chiến tranh chưa hề động đến. Người con của làng biển. Người kép hát năm nào….
Truyện ngắn của Vũ Kim Liên
Ý kiến bạn đọc (0)